Tăng trưởng xanh – hướng tới sự phát triển bền vững của Hải Phòng

11:31 05/11/2021

Trở lại với Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”, phần định hướng chiến lược đã nêu rõ: Tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc, bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong toàn bộ nền kinh tế.

Đô thị Hải Phòng ngày càng đổi mới theo hướng xanh, văn minh, hiện đại

Kỳ 3- Tự tin và quyết tâm trong giai đoạn kế tiếp

          Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam, kể từ khi khởi động các giải pháp hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, tại Hải Phòng đã diễn ra nhiều cuộc Hội thảo khoa học, Tọa đàm, Hội nghị chuyên đề về tăng trưởng xanh cùng với các hoạt động tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, nổi bật là những dự án hợp tác với thành phố Kitakyushu (Nhật Bản).

Đó là những bước đi khởi đầu chia sẻ kiến thức, tăng cường nhận thức, củng cố vai trò chủ động trong quá trình triển khai các chương trình tăng trưởng xanh của thành phố. Có thể nói, đó là những hoạt động đặt nền móng, với mục tiêu làm rõ những vấn đề nội tại, bao gồm cả tiềm năng lợi thế lẫn thách thức, nhằm đưa ra những giải pháp hiệu quả hơn, để hoàn thiện mục tiêu phát triển bền vững.

          Tuy nhiên, để đạt được yêu cầu về tăng trưởng xanh, Hải Phòng cũng như cả nước còn phải nỗ lực rất lớn, bởi đây là định hướng chiến lược dài hạn, mà thực tế đã cho thấy để giải bài toán tăng trưởng giữa tốc độ nhanh và bền vững là không phải dễ dàng.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Khắc Nam, trong gần chục năm triển khai kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, thành phố đã nhận diện không ít hạn chế cần phải giải quyết.

Cụ thể: hành lang pháp lý về tăng tưởng xanh còn thiếu, chưa đồng bộ; việc lồng ghép các chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chưa đầy đủ; các dự án mới dừng ở mức thí điểm, chưa được triển khai rộng; nhận thức về tăng trưởng xanh còn hạn chế; việc quản lý tài nguyên, khoáng sản chưa thực sự hiệu quả; hệ thống kết cấu hạ tầng chưa thực sự đồng bộ, hiện đại…

 Đó là những hạn chế mang tính chủ quan, chưa kể những yếu tố tác động khác như biến đổi khí hậu, nước biển dâng và mới đây là ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Phát triển bền vững kinh tế biển là mục tiêu trọng điểm của Hải Phòng

Bước vào giai đoạn mới, Hải Phòng cần phấn đấu đạt những mực tiêu lớn hơn rất nhiều so với kết quả đạt được, theo định hướng chiến lược tại Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, mà tăng trưởng xanh là một nội dung cốt lõi. Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố cũng xác định rõ: “Hải Phòng tiếp tục phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới xây dựng thành phố Cảng xanh, văn minh, hiện đại”.

Thành phố cũng quyết tâm: “Trong quá trình thu hút đầu tư, ưu tiên những ngành công nghiệp có công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, chú trọng thu hút các lĩnh vực công nghiệp mang lại nhiều việc làm và thu nhập cao cho người lao động.

Kiên quyết không chấp nhận đầu tư các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó là: “Xây dựng, phát triển, quản lý đô thị Hải Phòng theo hướng đô thị xanh, văn minh, hiện đại”.

          Trên nền tảng những kết quả bước đầu, thành phố đã xác định những mục tiêu tăng trưởng xanh rất chủ động, không chỉ thể hiện rõ nghĩa vụ, trách nhiệm trong bối cảnh chung của cả nước và thế giới, mà còn nhận thức rõ lợi ích thiết thực của mô hình tăng trưởng xanh trong giai đoạn kế tiếp.

Theo kế hoạch tăng tốc giai đoạn 2021-2025, Hải Phòng tập trung vào 3 trụ cột phát triển gồm công nghiệp công nghệ cao; kinh tế biển, cảng biển logistics và du lịch, thương mại.

Để đạt được các mục tiêu trên, quyết tâm của thành phố là chuyển từ tăng trưởng chiều rộng hiện nay sang hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu. Quá trình tăng trưởng dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, tiêu hao ít hơn tài nguyên, năng lượng, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường.

Trước mắt, tiếp tục thực hiện quá trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó tập trung điều chỉnh cơ cấu xuất nhập khẩu, cơ cấu công nghệ sản xuất. Từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch, kiểm soát tốt các nguồn thải có nguy cơ cao gây ô nhiễm hoặc sự cố môi trường.

Chủ động các giải pháp đối phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường quản lý nhà nước kết hợp đổi mới công nghệ để khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo đảm cân bằng sinh thái ở mức cao. Đặc biệt là bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực Cát Bà, vùng ven biển, các sông, giữ gìn các tài nguyên không tái tạo như tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước…

          Đặc biệt, để hiện thực hóa “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050” theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã mạnh dạn đề xuất Trung ương lựa chọn Hải Phòng là địa phương áp dụng thí điểm “Chỉ số tăng trưởng xanh tổng hợp”. 

Như vậy, hướng tới mô hình tăng trưởng xanh là mục tiêu đã được Hải Phòng đề ra rất cụ thể, như khẳng định của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khi còn giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hải Phòng: “Đây chính là con đường ngắn nhất hướng tới sự phát triển bền vững”.

Nhưng kinh nghiệm cũng cho thấy, để đạt được mục tiêu to lớn này, điều quan trọng nhất là nguồn lực con người, nghĩa là cần phải bồi dưỡng, rèn luyện để có một cộng đồng với tư duy xanh, ý thức xanh.  

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông