Tăng viện phí theo lộ trình 2016, 2017: Kỳ I - Khuyến khích người dân mua BHYT

09:51 19/05/2017

Viện phí tăng từ 1-6 đối với người không có thẻ BHYT (ảnh minh họa)

Liên tiếp trong 2 năm 2016, 2017, giá viện phí được điều chỉnh theo chiều hướng tăng dần. Và thời điểm 1-6-2017 tới đây được coi là đợt điều chỉnh cuối cùng trong lộ trình đưa chi phí tiền lương vào giá dịch vụ y tế với việc tăng giá hơn 1.900 dịch vụ y tế. Đối tượng áp dụng trong đợt tăng này là những người không có thẻ BHYT, chắc chắn sẽ gây ra nhiều băn khoăn lo lắng trong dư luận xã hội. Phóng viên Báo An ninh Hải Phòng đã tiến hành tìm hiểu xung quanh vấn đề này.

Mấy ngày nay, chị Bùi Thị Hoàn, ở phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng tỏ ra lo lắng khi nghe giá viện phí sắp đồng loạt tăng từ 1-6. Hai vợ chồng chị là lao động tự do, đều không mua thẻ BHYT nên thông tin này khiến chị không khỏi băn khoăn.

 Cũng tâm trạng tương tự là ông Nguyễn Văn Quý, 56 tuổi, ở quận Kiến An, ông làm việc ở một công ty tư nhân không đóng BHXH và BHYT.

Thông tin hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng giá áp dụng cho đối tượng không có thẻ BHYT khiến ông rất lo.

 Trên đây chỉ là 2 trong số khá nhiều phản ánh thể hiện sự băn khoăn, lo ngại của người dân trước đợt tăng giá viện phí kỳ này, khi mà thời điểm áp dụng không còn lâu nữa. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc tăng viện phí như đã nói không phải được ban hành một cách đột ngột mà đã có lộ trình, kế hoạch rõ ràng.

Trước đó, việc tăng viện phí đã bắt đầu được áp dụng từ ngày 1-3-2016 theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29-10-2015 của liên Bộ Y tế và Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Đối tượng áp dụng trong đợt tăng viện phí năm 2016 là những người có thẻ BHYT.

Sang năm 2017, viện phí được cấu thành vào chi phí trực tiếp và tiền lương của cán bộ y tế áp dụng cho người chưa có thẻ BHYT từ 1-6-2017 với việc các cơ sở y tế sẽ chính thức tăng mức viện phí 50% theo Thông tư 02/2017/TT-BYT với hơn 1.900 dịch vụ y tế bao gồm: mức giá tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh kiểm tra sức khoẻ; dịch vụ ngày giường điều trị; dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm…

Thông tư này áp dụng cho các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) công lập, người bệnh chưa tham gia BHYT, người có thẻ BHYT nhưng KCB hoặc sử dụng các dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Mức tối đa khung giá dịch vụ KCB gồm chi phí trực tiếp như: thuốc, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế để thực hiện các dịch vụ KCB; chi phí về điện nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường; chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ dụng cụ; chi phí tiền lương gồm tiền lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật…

Cụ thể, khi đi khám tại bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh nhân sẽ phải đóng 39.000 đồng/lần khám, tại bệnh viện hạng 2 là 35.000 đồng, hạng 3 là 31.000 đồng, hạng 4 và trạm y tế xã là 29.000 đồng. Một số thủ thuật, phẫu thuật cũng được điều chỉnh tăng giá khoảng 20-30% so với mức giá hiện hành.

Bộ Y tế cũng bổ sung giá của 35 dịch vụ chưa được BHYT chi trả dịch vụ thẩm mỹ, thay răng giả, trợ thính, điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ... Với những dịch vụ này, người có thẻ BHYT vẫn áp giá như người không có thẻ BHYT bởi các dịch vụ này chưa được Quỹ BHYT chi trả. Giá ngày giường được tính mỗi người trên một giường, nằm ghép hai chỉ được thu tối đa 50%, nằm ghép từ 3 trở lên chỉ được thu tối đa 30%. Trường hợp nằm trên băng ca, giường gấp tạm thời áp dụng mức giá ngày giường cho nằm ghép 2 bệnh nhân.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, Thông tư 02 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017 nhưng trên thực tế không có nghĩa tất cả các bệnh viện trên toàn quốc sẽ đồng loạt tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh từ thời điểm trên, mà sẽ thực hiện tại nhiều thời điểm khác nhau tại từng địa phương, từng hạng bệnh viện.

Cụ thể, Bộ Y tế sẽ quy định mức giá và thời điểm thực hiện cụ thể tại các bệnh viện thuộc Bộ Y tế, bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I thuộc các bộ, ngành quản lý; UBND cấp tỉnh, thành phố trình HĐND cấp tỉnh, thành phố quy định mức giá và thời điểm thực hiện đối với các bệnh viện thuộc địa phương quản lý và các bệnh viện do các bộ, ngành khác quản lý từ hạng II trở xuống.

Đối với thành phố Hải Phòng, Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh cho biết, Sở đang trình HĐND TP phê duyệt quy định mức giá viện phí mới theo hướng dẫn của Thông tư 02. Theo đó, tại Hải Phòng dự kiến chỉ có Bệnh viện Việt Tiệp sẽ thực hiện tăng giá viện phí từ ngày 1-6 tới đây, cùng thời điểm với việc bệnh viện này chuyển từ tự chủ một phần sang tự chủ toàn phần. Các bệnh viện còn lại của thành phố sẽ áp dụng mức giá viện phí mới từ ngày 1-8-2017.

Như vậy, với lộ trình tăng viện phí đã cho thấy việc khuyến khích người dân tham gia BHYT là cần thiết.

(còn nữa)

Bùi Hạnh - Huyền Trâm

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông