09:55 19/05/2017
Theo thống kê, tính chung trong cả nước hiện có khoảng 20% dân số chưa tham gia BHYT. Còn tại Hải Phòng, theo Bảo hiểm xã hội thành phố thì tính đến tháng 4-2017, số người tham gia BHYT của thành phố là 1.553.399/2.000.960 người, chiếm tỷ lệ 77,63%. Ngành BHXH thành phố phấn đấu đến hết năm 2017 đạt tỷ lệ 82%, cao hơn 2% so với chỉ tiêu UBND TP giao, do đó cần phát triển thêm 87.388 người tham gia BHXH.
Người không mua BHYT sẽ phải đối mặt với gánh nặng chi phí nếu không may mắc bệnh vì từ ngày 1-6 tới đây, hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ tăng giá, trong đó nhiều dịch vụ tăng 2-3 lần so với giá cũ. Điều khác nhau cơ bản giữa 2 nhóm đối tượng này là bệnh nhân BHYT được quỹ BHYT chi trả từ 80-100% chi phí, còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả toàn phần...
Mua BHYT để giảm gánh nặng viện phí
Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Hằng, ở ngõ 47 Lê Lai, đang chờ đến lượt khám tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế. Chị cho biết có một hàng ăn bán gần nhà, gia đình neo người nên không có nhiều thời gian. Mỗi khi thấy ốm mệt, chị thường lên đây để nhanh chóng được khám và điều trị, không phải mất thời gian xếp hàng chờ lượt.
Được hỏi vì sao không mua BHYT, chị cho biết, là lao động tự do nên sau khi mua BHYT một vài năm thì lại dừng vì “thấy người khỏe mạnh, ít khi sử dụng, lúc nào ốm thì đi khám bệnh theo yêu cầu cho nhanh”.
Tuy nhiên, đây chỉ là những bệnh mà chi phí điều trị chỉ trên dưới 1 triệu. Khi được hỏi nhỡ chẳng may phải nằm viện, không có thẻ BHYT thì số tiền điều trị có thể lên tới vài chục triệu, thậm chí sẽ còn hơn nữa khi giá viện phí sắp tăng, trong thời gian tới thì sẽ xử lý thế nào, chị trầm ngâm: “Cũng chưa tính đến điều đó thật vì trước nay chỉ ốm đau sơ sơ. Nhưng tình hình thế này có lẽ phải mua lại BHYT thôi”…
Chị Phạm Thị Kim Cúc, 32 tuổi, ở 15/279 Đà Nẵng, Cầu Tre, là bệnh nhân bị áp xe gan điều trị tại Khoa Khám bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Việt Tiệp), từ ngày 29-4 đến 16-5 cũng cho biết, các khoản phí lên tới 33 triệu đồng và gia đình phải chi trả hoàn toàn vì chị không có thẻ BHYT. Để điều trị khỏi hẳn bệnh, chắc chắn số tiền thanh toán mà gia đình chị Cúc phải trả không chỉ dừng ở con số đó trong khi hoàn cảnh gia đình không mấy khá giả.
Chia sẻ với chúng tôi lý do không mua thẻ BHYT trong khi trị giá của thẻ mỗi năm chỉ hơn 600.000 đồng, mẹ chị Cúc là bác Vũ Thị Hải cho biết: “Tại em nó chủ quan quá. Hàng ngày thấy bản thân khỏe mạnh, không nghĩ bị bệnh đột ngột thế này nên chẳng mua. Đến khi cơ sự xảy ra thì thấy hối hận vì tốn kém quá. Giá có BHYT thì gia đình sẽ đỡ đi một khoản chi phí lớn”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Tập, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp thì với chính sách hiện nay của nhà nước, HSSV, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, trẻ dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi… đều được nhà nước hỗ trợ kinh phí mua thẻ BHYT và được BHXH thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, giá trị mỗi thẻ BHYT không quá lớn trong khi được bảo hiểm về sức khỏe trong 1 năm, vì thế mua BHYT trước hết chính là việc thể hiện trách nhiệm đối với chính bản thân người sử dụng.
Ông Tập cũng phân tích thêm, lộ trình tăng giá viện phí không phải đột ngột mà đã có độ “trễ” hơn 1 năm do Chính phủ muốn tạo thời gian chuyển tiếp cần thiết cho những người chưa tham gia BHYT thực hiện trách nhiệm của mình trong chủ trương BHYT toàn dân. Việc áp dụng Thông tư 02 chính là để tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT trong chi trả chi phí khám, chữa bệnh vì nguyên tắc 2 đối tượng này phải chi trả cho bệnh viện như nhau, chỉ khác nguồn trả là người có thẻ BHYT do BHYT chi trả, người không có thẻ BHYT phải tự chi trả.
Còn theo Tiến sỹ Vũ Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng thì viện phí tăng lần này sẽ góp phần làm thay đổi quan niệm của người Việt Nam về BHYT. Bởi viện phí tăng áp dụng đối với người không có thẻ BHYT khiến người bệnh sẽ phải trả chi phí khám chữa bệnh nhiều hơn, điều này khiến họ nhận ra lợi ích lớn trong giảm gánh nặng chi phí nếu tham gia BHYT.
Viện phí tăng, chất lượng phải tăng
Tuy nhiên, có một thực tế sở dĩ những người như chị Cúc, chị Hằng không mua BHYT là do còn nhiều băn khoăn về chất lượng và thái độ phục vụ trong dịch vụ KCB của nhiều bệnh viện công hiện nay. Vậy nên, khi tăng giá viện phí thì chất lượng bệnh viện có đồng hành tăng hay không cũng là điều băn khoăn của nhiều người.
Về vấn đề này, theo Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Tiệp Nguyễn Quang Tập: “Khi tiền lương được tính vào viện phí, tức là người bệnh trả lương cho cán bộ y tế thì các bệnh viện buộc phải chuyển mình, nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ mới có được lòng tin của bệnh nhân. Người bệnh không tin tưởng, không đến khám tại bệnh viện đồng nghĩa với việc bệnh viện không có tiền để trang trải các chi phí”.
Trên thực tế, khi được giao thực hiện tự chủ từ ngày 10-1-2017, Bệnh viện Việt Tiệp cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho lộ trình tăng viện phí của Bộ Y tế bằng việc cân đối các nguồn thu, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Đặc biệt, đội ngũ y, bác sĩ, cán bộ nhân viên bệnh viện cũng buộc phải tăng công suất làm việc gấp đôi cùng sự chuyển biến tích cực trong thái độ giao tiếp, ứng xử để bảo đảm người bệnh được hưởng các dịch vụ y tế với điều kiện tốt nhất.
Đồng quan điểm với ông Tập, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Vũ Văn Tâm khẳng định: “Viện phí tăng thì tất nhiên chất lượng dịch vụ y tế cũng buộc phải tốt lên, nhất là khi thông tuyến bệnh viện bởi cùng giá tiền trả chi phí khám chữa bệnh thì người bệnh tất nhiên sẽ lựa chọn cơ sở y tế nào có chất lượng tốt hơn”.
Như vậy, ngoài tác động khuyến khích toàn dân tham gia BHYT, lộ trình tăng giá viện phí còn là động thái tích cực để các bệnh viện công nâng cao chất lượng phục vụ. Khi giá dịch vụ y tế của bệnh viện công tăng, tức là sẽ kéo gần mức giá giữa bệnh viện công và tư, nếu bệnh viện công không chú trọng cải thiện chất lượng, không thay đổi thái độ phục vụ thì bệnh nhân sẽ chuyển sang bệnh viện tư hoặc điều trị tại nước ngoài.
Đó là điều tất nhiên. Tựu chung lại, lộ trình điều chỉnh viện phí cũng chính là nhằm mục tiêu để người bệnh được hưởng chất lượng dịch vụ y tế một cách tốt nhất mà thôi.
Bùi Hạnh - Huyền Trâm
Chuyên mục Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN, CCHT năm 2024: Quy định về sử dụng vật liệu nổ công nghiệp
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão
Tạo khí thế tấn công trấn áp tội phạm ngay từ những ngày đầu ra quân đợt cao điểm
Phát hiện, xử lý 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên địa bàn huyện Thuỷ Nguyên trưa 18/12
CATP Hải Phòng ra quân tấn công, trấn áp tội phạm, giữ bình yên cho Nhân dân vui xuân, đón Tết