Tạo cơ chế, điều kiện để Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh và đột phá

15:22 28/06/2024

Sáng 28-6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với số phiếu tán thành rất cao, 462/470 đại biểu Quốc hội tán thành.

                                                      Bổ sung thẩm quyền của UBND phường

           Điểm đáng chú ý trong Luật Thủ đô là  về tổ chức chính quyền đô thị (Chương II), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý theo hướng quy định cơ cấu tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp chính quyền tại thành phố Hà Nội không chỉ thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô mà cả quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (khoản 1 Điều 8); bổ sung thẩm quyền của UBND phường trong việc quyết định các nội dung mà theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác phải do HĐND cấp xã quyết định hoặc phải được HĐND cấp xã thông qua trước khi quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định (điểm e khoản 1 Điều 13). 

Đồng thời, cùng với quy định về việc phân cấp, ủy quyền giữa các cấp chính quyền của thành phố Hà Nội (Điều 14), dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc phân cấp, ủy quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành cho các cơ quan của thành phố Hà Nội (Điều 49 và Điều 50) để cụ thể hóa chủ trương đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

Quốc hội khóa 15 biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với số phiếu tán thành rất cao,

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc cho phép thành phố được thu tiền khai thác giá trị tăng thêm từ đất trong khu vực TOD, thu phí cải thiện hạ tầng để bổ sung nguồn kinh phí tái đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị và giao thông công cộng nói chung, bù đắp một phần chi phí duy trì, sửa chữa và vận hành các hạng mục để kết nối khu vực nhà ga và khu vực TOD là cần thiết và cũng là tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước phát triển.

Quy định về việc áp dụng biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ và bổ sung các trường hợp áp dụng biện pháp này để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về phòng, chống cháy, nổ trên địa bàn thành phố thời gian qua (điểm c, điểm d khoản 2 Điều 33); bổ sung quy định chuyển tiếp về trách nhiệm bổ sung hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước đã được giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (khoản 8 Điều 54)...

          Theo đó, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng cắt điện nước để khắc phục vi phạm về phòng, chống cháy nổ

Mức phạt trên được áp dụng trong các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong một số trường hợp.

Điển hình là công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng đối với công trình theo quy định phải có giấy phép hoặc xây dựng sai với nội dung quy định trong giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt đối với trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Hay công trình xây dựng trên đất bị lấn chiếm theo quy định về đất đai; cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường, kinh doanh dịch vụ karaoke không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy; công trình phải phá dỡ đã có quyết định di dời khẩn cấp…

HĐND thành phố sẽ quy định chi tiết trường hợp áp dụng, thẩm quyền áp dụng và việc thực hiện biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước.

Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô

           Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012) và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, trừ một số quy định có hiệu lực thi hành muộn hơn, từ ngày 1-7-2025, như thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa; việc thử nghiệm có kiểm soát…

Về tổ chức chính quyền ở Hà Nội, Luật đã bảo đảm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thành phố  Hà Nội được bầu 125 đại biểu HĐND thành phố, trong đó có ít nhất là 25% tổng số đại biểu hoạt động chuyên trách (tăng 30 đại biểu so với hiện tại).

Thường trực HĐND thành phố Hà Nội hoạt động chuyên trách có không quá 11 thành viên, gồm Chủ tịch, không quá 3 Phó Chủ tịch (tăng 1 Phó Chủ tịch và 4 thành viên Thường trực HĐND thành phố).

          Quốc hội đồng ý cho HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định, không vượt quá mức phạt tối đa theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính với một số hành vi vi phạm hành chính tương ứng.

                                                 Khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo

Luật Thủ đô dành riêng một điều quy định về “thử nghiệm có kiểm soát” nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo.

Điều 25 của luật nêu rõ, thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực có khả năng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp với đặc điểm, tính năng mới của công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm.

Điều đó nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và làm cơ sở để cơ quan nhà nước xem xét, đánh giá các rủi ro có thể phát sinh trước khi quyết định đưa vào ứng dụng chính thức, qua đó xác định cơ chế quản lý, điều chỉnh phù hợp.

Đại biểu vui mừng khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua

Thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; về quy mô thử nghiệm; về đối tượng được tham gia sử dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tham gia mô hình kinh doanh được thử nghiệm (gọi là người dùng); về số lượng người dùng hoặc các giới hạn cần thiết khác.

Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.

Luật Thủ đô nêu rõ, việc thử nghiệm có kiểm soát được thực hiện dưới hình thức cho phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cho phép có thời hạn và không áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh đã có quy định của pháp luật nhưng không đủ cụ thể hoặc không còn phù hợp.

Luật cũng quy định rõ điều kiện cần đáp ứng để tổ chức, doanh nghiệp được cho phép thử nghiệm có kiểm soát. Trong đó yêu cầu công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm có tính đổi mới sáng tạo có phạm vi ứng dụng, triển khai trên địa bàn thành phố, ưu tiên đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh triển khai trong phạm vi khu công nghệ cao, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Trung tâm đổi mới sáng tạo của thành phố.

Công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh được đề xuất thử nghiệm không thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia, biến đổi, chỉnh sửa gen người; không xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Cùng với đó phải có đánh giá về các lợi ích và rủi ro, các biện pháp kiểm soát rủi ro...

Một điểm quan trọng được Luật Thủ đô quy định rõ là tổ chức, doanh nghiệp thử nghiệm, cá nhân thực hiện thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước, được loại trừ trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự khi đã tuân thủ đúng và đầy đủ nội dung quy định trong quy chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định trong luật này, trừ trường hợp trong quá trình thử nghiệm đã biết hoặc buộc phải biết về nguy cơ rủi ro nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không áp dụng đầy đủ biện pháp phù hợp để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.

Luật giao HĐND thành phố quyết định phạm vi không áp dụng các quy định của pháp luật đối với từng dự án thử nghiệm cụ thể phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm theo đề nghị của Ủy ban nhân dân thành phố trên cơ sở đánh giá về mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát.

UBND thành phố quyết định, công bố danh mục lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích đăng ký thực hiện thử nghiệm có kiểm soát; cho phép và ban hành quy chế thử nghiệm riêng cho từng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới được phép thử nghiệm; quyết định điều chỉnh phạm vi thử nghiệm, gia hạn thử nghiệm, chấm dứt thử nghiệm; tổ chức hướng dẫn và kiểm soát quá trình thử nghiệm...

Luật cũng yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm cho ý kiến đối với các nội dung mà UBND thành phố có yêu cầu tham vấn.

Hằng năm, UBND thành phố báo cáo Chính phủ, HĐND thành phố về tình hình và kết quả thực hiện các nội dung thử nghiệm có kiểm soát do mình cho phép.

Báo cáo Chính phủ về kết quả của từng dự án thử nghiệm tại thời điểm kết thúc dự án hoặc khi có đủ khả năng để áp dụng chính thức, trong đó nêu rõ các lợi ích, rủi ro và yêu cầu quản lý đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh được thử nghiệm đã được làm rõ trong quá trình thử nghiệm; kiến nghị các giải pháp hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực, nội dung có liên quan./.

                                                                                                                                Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông