16:03 13/05/2020 Báo An ninh Hải Phòng xin giới thiệu ý kiến đóng góp của đồng chí Nguyễn Đức Thọ, Thành ủy viên, Bí thư Đảng bộ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải.
Trước hết tôi hoàn toàn nhất trí cao Dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố. Nội dung dự thảo báo cáo nêu chi tiết, phong phú, đúng với tình hình thực tế của thành phố.
Đặc biệt lĩnh vực giao thông vận tải, trong phần đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XV cũng đã nêu bật, rõ nét về những chủ trương, giải pháp lớn mà trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã tập trung đoàn kết, đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt, tạo bước phát triển “đột phá” về kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Hải Phòng trong thời gian qua, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và khu vực Bắc bộ.
Qua nghiên cứu văn kiện lần này, tôi thấy bố cục rõ ràng, cụ thể và khoa học, nhất là phần phương hướng, Thành ủy đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm và mũi đột phá sẽ cơ bản quyết định hướng phát triển của thành phố trong giai đoạn 2025, 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, về lĩnh vực giao thông vận tải, tập trung phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Trên cơ sở đánh giá nhận định như vậy, tôi xin đề xuất những giải pháp cụ thể:
Một là, tham mưu đề xuất Quốc hội, Chính phủ: Ban hành các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng trong việc thu hút đầu tư kết nối hạ tầng giao thông, phát huy lợi thế là đô thị cấp quốc gia; Đầu tư một số công trình, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được xác định trong Chương trình hành động số 76-CTr/TU và Nghị quyết số 45-NQ/TW; Sớm xây dựng Quân cảng Nam Đồ Sơn theo hướng “lưỡng dụng”, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Hai là, phát triển giao thông đô thị theo hướng thông minh, bao gồm các tuyến đường trục chính, các tuyến đường vành đai, nghiên cứu xây dựng hệ thống cầu vượt, hệ thống giao thông ngầm, hệ thống giao thông trên cao, đường sắt đô thị vận chuyển khách đường thủy, bảo đảm an toàn, thuận tiện, chống ùn tắc, đáp ứng năng lực vận tải hành khách, hàng hóa phục vụ nhu cầu phát triển thành phố cảng công nghiệp, văn minh, hiện đại.
Ba là, xây dựng cơ chế, chính sách huy động tối đa mọi nguồn lực để thu hút nguồn vốn đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của thành phố giai đoạn 2021 - 2030, ưu tiên áp dụng hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP).
Bốn là, phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành Trung ương huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số công trình trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối với các địa phương trong vùng Bắc bộ, ưu tiên các công trình, dự án kết nối với Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng để đẩy nhanh tốc độ luân chuyển hàng hóa; tập trung đầu tư xây dựng các bến container còn lại thuộc Cảng Quốc tế Lạch Huyện; cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2; các trung tâm logistics; mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi-Cải tạo hệ thống đường thủy nội địa nối với một số địa phương Bắc Bộ; hoàn thiện các tuyến kết nối để nâng cao hiệu quả của đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hoàn thành xây dựng tuyến đường cao tốc Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An; cải tạo, nâng cấp các tuyến quốc lộ 37, quốc lộ 10, quốc lộ 17B,... Phối hợp nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt điện khí hóa khổ 1.435 mm đoạn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; nghiên cứu khảo sát tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định.
Đoàn Lanh (LƯỢC GHI)
22:48 23/11/2024
14:30 23/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão