Tết ở bệnh viện tâm thần

17:08 15/01/2017

 

Một buổi giao ban của các y, bác sỹ
Một buổi giao ban của các y, bác sỹ

Những ngày này, không khí Tết đang len lỏi khắp các nẻo đường phố thị, xóm quê. Người người, nhà nhà đua nhau đi sắm tết. Đào, quất, mai... bắt đầu khoe sắc nơi nơi. Đường Đông Khê đi qua Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng cũng tấp nập và nhộn nhịp hơn ngày thường. Còn phía bên trong bệnh viện, có cảm giác Tết vẫn đang ở đâu đó rất xa…

Thích ở viện hơn ở nhà

Bước vào Bệnh viện tâm thần Hải Phòng, tôi như lạc vào một thế giới khác hẳn với ngoài kia cuộc sống đang ồn ã, sôi động diễn ra. Ngoài đội ngũ cán bộ, y bác sỹ đang miệt mài với công việc thường nhật, thỉnh thoảng hỏi thăm đồng nghiệp đã chuẩn bị Tết được gì chưa thì bệnh nhân (đa phần là những bệnh nhân nặng, người nhà không đón về ăn tết), nhiều người không có khái niệm tết, lơ mơ, cười khóc ngây ngô như những đứa trẻ...

Bà Phạm Thị Hằng, 60 tuổi (ở Tân Dương, Thủy Nguyên) điều trị tại Khoa 2 cấp tính nữ đến nay đã được 7 năm. Chừng ấy thời gian chưa về nhà một lần, bà bảo thích ở bệnh viện hơn ở nhà, vì ở viện đông người mới vui.

“Từ khi tôi bị “ma nhập”, ở nhà ai cũng sợ nên không ai chơi với. Chồng cũng bỏ rồi, mấy đứa con đều đi làm chẳng đoái hoài nên vào đây thích hơn” - bà Hằng kể với vẻ mặt tỉnh bơ, gần như không cảm xúc.

Nói về trường hợp của bà Hằng, điều dưỡng Đặng Thị Huyền cho biết, bà Hằng vốn bị tâm thần phân liệt nặng, lúc tỉnh lúc mê, nhiều lúc nói năng hồn nhiên như một đứa trẻ, nhưng được cái hiền lắm, không phá phách gì. Dù có đến 7 đứa con, song họ ít khi vào thăm bà, mỗi năm chỉ vài ba lượt vào đóng tiền rồi về, chắc họ còn phải lo lắng nhiều việc thì phải. Thấy bà tội nghiệp nên anh chị em cán bộ, điều dưỡng đặc biệt quan tâm, bù đắp những thiệt thòi của bà.

Còn bệnh nhân Bùi Văn Bắc, 51 tuổi (ở Đông Hải 1, quận Hải An) cũng vì “yêu” bệnh viện nên cứ 5 lần, 7 lượt ra rồi lại vào, tính đến nay cũng đã hơn chục năm điều trị tại Khoa 3 bán cấp nam. Trò chuyện với anh Bắc, chúng tôi thấy được nét đáng yêu bởi cách nói chuyện rất “duyên”.

Theo anh Bắc, kể từ năm 2004 đến nay, anh gắn bó với bệnh viện tâm thần như nhà của mình vậy. Anh Bắc tâm sự: “Tôi ở đây lâu rồi, cũng muốn khỏe ra để về nhà lấy vợ. Nhưng cứ về được vài hôm lại đau đầu lắm, ngủ không được. Vào bệnh viện có bác sỹ chăm sóc, có bạn để chơi vui hơn”...

Anh Nguyễn Gia Việt, 43 tuổi (phường Phan Bội Châu, Hồng Bàng) cũng là một trường hợp khá đặc biệt ở Khoa 3 bán cấp nam. Trông Việt khá tỉnh táo. Biết chúng tôi là nhà báo, anh rất vui và không ngần ngại kể chuyện về mình.

Vốn là một thanh niên đẹp trai, khỏa mạnh nhưng nhà nghèo nên Việt phải bươn chải vào Nam làm thuê kiếm sống. Ở đất khách, Việt quen chị Nguyễn Thị Vinh, quê ở Nghệ An. Lấy nhau một thời gian thì hai người dắt díu nhau về Hải Phòng lập nghiệp. Nhưng không may, năm 1992, anh Việt phát điên, bỏ nhà đi thang lang, không còn biết vợ con là ai nữa. Được người nhà đưa vào Bệnh viện Tâm thần điều trị từ đó đến nay. Anh nói vui: “Nhìn tôi như này thôi chứ ra viện được vài hôm là lại “chập” nhà báo ạ. Chỉ khổ vợ con, không làm ăn gì được, suốt ngày cứ phải đưa chồng đi chữa bệnh điên”.

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Vân, Trưởng khoa 3 bán cấp nam bảo, bà rất khâm phục vợ của anh Việt. Chồng bị bệnh nặng như vậy nhưng ít khi chị kêu ca phàn nàn gì. Mỗi lần đưa chồng tới chữa bệnh đều nước mắt ngắn, nước mắt dài nhờ bệnh viện điều trị cho chồng khỏi tâm thần, để vợ chồng, cha con được ở cạnh nhau, nhất là dịp gần tết như thế này, có bóng dáng của người chồng trong nhà, với chị Vinh là niềm hạnh phúc nhất.

Những “chiến binh quả cảm”

Chúng tôi muốn dành cho đội ngũ cán bộ, y bác sỹ Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng cụm từ: Những “chiến binh quả cảm” bởi tính chất công việc đặc thù của họ. Thực tế thì chỉ chưa đầy vài tiếng tiếp xúc với bệnh nhân tâm thần mà tôi đã thấy oải, ấy vậy mà các y bác sỹ ở đây thì phải tiếp xúc với bệnh nhân suốt ngày, suốt đêm.

Tác giả trò chuyện với một điều dưỡng viên
Tác giả trò chuyện với một điều dưỡng viên

Không những vậy, lắm lúc họ còn bị bệnh nhân đánh toạc cả đầu, chảy máu, hay bị ôm, sàm sỡ là chuyện cơm bữa. Song tất cả đã nhường chỗ cho tình thương, trách nhiệm của những “từ mẫu” đối với những bệnh nhân thiệt thòi.

Đã 22 năm công tác tại Bệnh viện Tâm thần, chị Đặng Thị Huyền (điều dưỡng trưởng Khoa 2 cấp tính nữ) có quá nhiều kỷ niệm với bệnh nhân. Chị tâm sự: Hồi mới vào bệnh viện, chị vừa mới ra trường còn rất trẻ. Khi đó cũng không nghĩ công tác tại bệnh viên tâm thần khó khăn đến như vậy. Ngoài việc phải thường xuyên dọn dẹp cho những bệnh nhân không tự chủ được trong sinh hoạt thì chuyện bị tát, giật tóc, cấu xé... của những người bệnh quá khích diễn ra hàng ngày. Có lần đang trông coi bệnh nhân ăn cơm, chị còn bị một bệnh nhân phang ngay một chiếc ghế vào đầu, may là chỉ bị thương nhẹ.

Còn điều dưỡng viên Vũ Thị Mai Anh, sinh 1991 (ở phường Đông Khê, Ngô Quyền), đã vào làm việc ở đây được hơn 5 năm và cũng đã nếm trải đủ đầy “hương vị”. “Nhiều lần bị bệnh nhân nam “vồ” hoảng lắm, nhưng quen rồi.

Những bệnh nhân ở đây vốn dĩ rất hiền, họ chỉ hung hãn mỗi lần lên cơn, nhưng nếu biết cách vỗ về thì họ dễ thương trở lại” - Mai Anh giãi bày. Mai Anh cho biết, vì mẹ cô cũng đang công tác tại đây nên đã truyền lại cho nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc bệnh nhân cũng như sự yêu nghề, cảm thông với những thân phận không may đang điều trị tại đây...

Một điều dưỡng khác cũng còn rất trẻ là em Nguyễn Đức Nhất, sinh 1993 (ở xã Phù Ninh, Thủy Nguyên). Nhất vừa mới nhận công tác tại Khoa 3 phục hồi chức năng chỉ mới hơn 1 năm. Nhà xa nên đi về hơi vất vả, nhưng cậu bảo đã dấn thân vào rồi thì quyết tâm gắn bó. Khi được hỏi vì sao không chọn một bệnh viện khác mà lại chọn vào làm việc tại Bệnh viện Tâm thần vất vả này, Nhất tâm sự rất thật: “Nếu mà nói rất yêu thích công việc tại Bệnh viện Tâm thần thì hơi quá, nhưng thú thật rằng từ lúc vào bệnh viện thực tập, em đã rất thích công việc ở đây. Mình còn trẻ cũng nên chịu thử thách, gian nan thì mới trưởng thành. Với lại bệnh nhân ở đây còn rất thiệt thòi, thiếu thốn tình cảm, nên rất cần được bù đắp, giúp đỡ, đúng với tinh thần xung kích của tuổi trẻ”...

Mang đến một cái tết ấm áp cho bệnh nhân

Giám đốc bệnh viện Tâm thần Đào Hồng Quang cho biết, số lượng bệnh nhân ở lại ăn Tết tại bệnh viện thường dao động ở con số trên dưới 100 người. Đa phần họ là những bệnh nhân mắc chứng rối loạn tâm thần nặng, người thân sợ họ quậy phá nên không dám đưa về nhà, tết sẽ mất vui. Và dù không thể bằng ở nhà nhưng những bệnh nhân ở đây vẫn được bệnh viện tổ chức ăn tết đầy đủ thịt, bánh chưng, hoa quả, nước ngọt; duy chỉ những chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá là bị cấm.

Gắn bó với nghề y, với bệnh viện tâm thần đã hơn 20 năm có lẻ, Giám đốc Quang đã đón nhiều cái Tết ở bệnh viện. Ngoài nhiệm vụ phải trực tết còn là cái tâm của nghề, ông cho biết: Muốn được sẻ chia, động viên với thiệt thòi của những người bệnh không có được may mắn đón Tết bên gia đình, bè bạn. Ông nhớ nhất những đêm 30, bệnh viện tổ chức đón giao thừa sớm. Khi được lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa trực tiếp tặng bánh kẹo, hoa trái và lì xì năm mới, khỏi phải nói bệnh nhân vui đến cỡ nào, họ hát hò, nhảy múa tưng bừng, xúc động lắm...

Tổ chức đón xuân cho bệnh nhân chu đáo, tươm tất, những ngày tết, bệnh viện cũng đón thêm nhiều bệnh nhân mới. Đó là những người quá chén đến độ bị thần kinh, hay những nam nữ thanh niên “ngáo đá” cũng được người nhà đưa vào chữa bệnh. “Tết đôi khi lại là quãng thời gian vất vả nhất của cán bộ, y bác sỹ bệnh viện. Nhưng đó là điều thường tình và là trách nhiệm của những “chiến binh” blu trắng tại Bệnh viện Tâm thần Hải Phòng” - bác sỹ Quang chia sẻ.

ĐỨC TÙNG


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông