Thầm lặng gác đường tàu

16:15 23/04/2016

 

 

Một ca đêm của người tuần đường
Một ca đêm của người tuần đường

Khi nhà nhà đã tắt đèn, cả thành phố yên bình trong màn đêm tĩnh mịch, đâu đó vẫn có tiếng còi tàu hú dài, vang xa trong không trung và đâu đó vẫn có người vai đeo chiếc túi nhỏ, tay cầm cờ lê, tay xách chiếc đèn, đôi chân không ngơi nghỉ dọc theo cung đường sắt thân thuộc. Họ là những người tuần đường, làm nhiệm vụ gác đường tàu thầm lặng...

Đến nơi làm việc của các anh, những nhân viên Cung đường Hải Phòng thuộc Công ty CP đường sắt Hàng Hải vào một buổi chiều muộn mà tôi vẫn chưa gặp được người nào. Hỏi những người dân xung quanh tôi mới biết các anh đi làm ở đâu đó trên cung đường sắt, chiều tối mới về. Ngồi chờ lúc lâu, tôi cũng gặp được anh Nguyễn Minh Tuấn - Cung trưởng cung đường sắt Hải Phòng. Anh đưa tôi lên thăm nơi làm việc của cả cung đường. Đó là một căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn trong một cái ngách của khu vực ga Hải Phòng.

Vừa đi anh vừa giới thiệu: “Anh em của cung đều ở ngoại thành, đi làm xa cả mấy chục cây số nên nơi này vừa là nhà, vừa là nơi làm việc. Căn nhà hơi nhỏ nhưng có đầy đủ chỗ ăn, nghỉ, làm việc cho anh em. Nhưng nơi làm việc chính của chúng tôi lại là ở những đường ray kia cơ”. Anh vừa cười, vừa nói và chỉ về phía đường ray qua khung cửa sổ sau nhà.

Trời đã xâm xẩm tối, lác đác thêm 1 - 2 anh em hết ca làm việc trở về. Trò chuyện cùng các anh, tôi mới biết được để có được một chuyến tàu lưu thông an toàn về đến bến cuối cùng là sự chung tay, góp sức của biết bao con người. Trong đó công việc thầm lặng, cô độc và gian nan nhất phải kể đến những người tuần đường. Khi được hỏi về công việc, anh Nguyễn Thanh Nghị - nhân viên tuần đường thuộc Cung đường Hải Phòng - khiêm tốn chia sẻ: Năm nay anh 45 tuổi, đã có hơn 20 năm phục vụ trong ngành đường sắt, trong đó có gần 20 năm gắn bó với nghề tuần đường. Công việc tuần đường đơn giản lắm, ai cũng có thể làm được. Hàng ngày anh mang theo bô đồ nghề trên tay, đi bộ 10km cả đi lẫn về dọc theo cung đường sắt từ cầu Tam Bạc đến cổng cảng 3, kiểm tra xem có cái bu lông, ốc vít nào lỏng thì vặn lại, có chướng ngại vật gì thì thông báo để bảo đảm cho những chuyến tàu được thông suốt an toàn.

Anh vừa nói vừa giở bộ đồ nghề giới thiệu cho tôi: Đây là bộ cờ, gồm 2 cờ đỏ, một cờ vàng, trong nghề gọi là tín hiệu mắt thấy. Nếu các anh vẫy hoặc cắm cờ đỏ có nghĩa là tín hiệu không an toàn. Bộ cờ này để báo hiệu ban ngày, còn ban đêm các anh sử dụng chiếc đèn 4 mặt: vàng, đỏ, trắng, xanh. Đèn mặt vàng báo hiệu an toàn, đèn đỏ báo hiệu không an toàn, mặt trắng, xanh báo hiệu thông suốt.

Nghề tuần đường là một mắt xích quan trọng góp phần đảm bảo những chuyến tàu thông suốt an toàn
Nghề tuần đường là một mắt xích quan trọng góp phần đảm bảo những chuyến tàu thông suốt an toàn

Chiếc đèn cũng là vật dùng soi sáng, là người bạn đồng hành thân thiết không thể thiếu trong hành trình của các anh qua mỗi đêm. Còn đây là bộ pháo 6 quả, gọi là tín hiệu tai nghe, nếu thấy có sự cô, các anh sẽ đặt 3 quả trên đường ray trước chướng ngại vật khoảng 800m, mỗi quả đặt cách nhau 200m, tạo thành hình tam giác cân. Khi tàu đi qua, pháo sẽ nổ, lái tàu nghe thấy tín hiệu này sẽ biết để dừng tàu kịp thời. Anh Nghị còn nhấn mạnh thêm, chỉ tàu đi qua pháo mới nổ, còn các phương tiện giao thông khác thì không.

 

Trong quá trình tuần đường nếu gặp những lỗi thông thường như lỏng bu-lông, ốc vít thì các anh tự xử lý, nếu phát hiện sự cố bất thường như bị trộm đường ray, cong vênh thì phải đốt pháo hiệu, đốt lửa để lái tàu biết và dừng lại kịp thời. Nhờ những người tuần đường mà hàng chục chuyến tàu chở theo hàng nghìn hành khách và hàng trăm tấn hàng hóa được an toàn mỗi ngày.

Nghề tuần đường quanh năm không nghỉ, bất kể ngày đêm, mưa gió, bão giông, những ngày rét đậm, rét hại lạnh đến thấu xương hay những ngày nắng cháy đến rám mặt. Đặc biệt, Tết là những ngày vất vả nhất. Tất cả đội tàu đều tăng chuyến nên nhiệm vụ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các đoàn tàu là đặc biệt quan trọng. Trong bao nhiêu năm làm nghề, các anh cũng có gần như từng ấy năm đón giao thừa trên đường ray. Trong thời khắc thiêng liêng nhất ấy của đất trời, lòng người tuần đường lại chộn rộn những vui buồn lẫn lộn…

Những ca tuần đường ban đêm cũng thật vất vả. Không chỉ có sự cô đơn, lặng lẽ của người độc hành trong đêm vắng mà các anh còn phải đối mặt với những nguy hiểm khi gặp bọn lưu manh, trộm cắp. Anh Nghị giãi bày: Đã gần 20 năm trong nghề nhưng anh vẫn rất nhớ những ngày đầu đi tuần đường của mình. Đó là vào một ca tuần đường đêm năm 2002 ở đường tàu Cát Cụt, anh đã gặp 2 thanh niên nghiện ma túy. Hai tên này có hỏi xin tiền anh. Lúc đó trong lòng thấy sợ sệt, lo lắng nhưng anh đã trấn tĩnh lại và vờ hỏi xin chúng điếu thuốc lá. Chúng thấy anh người gầy gò, nhỏ bé nên nghĩ anh cùng cảnh. Sau gặp lần thứ 2, thứ 3 chúng đã quen mặt, biết anh làm tuần đường nên thôi. Cũng có đêm phát hiện ra bọn trộm cắp tài sản ở đường tàu, khi ấy các anh phải rình chúng suốt đêm. “Nhiều năm được sự hỗ trợ của cơ quan công an nên bây giờ rất hiếm xảy ra trộm cắp, các tệ nạn xã hội ở khu vực đường tàu” - anh Nghị vui vẻ chia sẻ.

“Ở khu vực nội đô sẽ rất hiếm thấy nhưng tại những cung đường đi qua cánh đồng ngoại ô thì người tuần đường rất dễ bị rắn rết tấn công. Hay như việc người tuần đường bị kẻ gian hành hung, lấy hết quần áo, dụng cụ đồ nghề để cải trang nhằm trốn thoát sự truy đuổi của người dân” - anh Nguyễn Minh Tuấn, Cung trưởng Cung đường sắt Hải Phòng, cho biết thêm.

Công việc gian nan, trong khi mức lương lại thấp, chỉ gần 3 triệu đồng/tháng nhưng những người tuần đường chưa bao giờ nghĩ là họ sẽ bỏ việc. Mỗi ngày đi bộ cả chục cây số hay thậm chí cả 20 - 30 cây số cả đi lẫn về trong ngần ấy năm, có lẽ những người tuần đường như anh Nghị đã và sẽ đi được cả một vòng trái đất, nằm lòng từng thanh tà vẹt, từng cái đinh ốc, bu lông của từng đoạn đường trên cung đường sắt thân thuộc. Những ánh đèn le lói trong đêm, tiếng còi hú dài của những chuyến tàu cập bến đỗ bình yên, những cái ôm hôn ghì chặt của những hành khách gặp người thân trên sân ga… dường như đã trở thành niềm vui sống của người tuần đường.

Anh Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Nghề tuần đường là nghề lặng lẽ nhưng đây lại là một khâu quan trọng bảo đảm an toàn tuyệt đối cho chuyến tàu ngày đêm với hàng nghìn khách hàng và hàng trăm tấn hàng hóa. Vì vậy người tuần đường phải là người có kinh nghiệm, có sức khỏe, có tâm với nghề. Với những đóng góp thầm lặng ấy những người tuần đường là niềm tự hào của ngành đường sắt chúng tôi”.

Chúng tôi chia tay với các anh, một ca tuần đường đêm lại bắt đầu. Người tuần đường nhỏ bé, vai đeo chiếc túi, tay câm cà lê, tay cầm chiếc đèn cứ mải miết đi, dáng người đã hòa vào trong bóng tối, chỉ có ánh đèn sáng như ngôi sao nhỏ lấp lánh trong đêm…

Xuân Hạ


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông