10:32 31/07/2021 Trước tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng đang lâm vào tình cảnh hết sức ảm đạm, chỗ cố chờ đợi, nơi đã phải dừng hẳn hoạt động vì không còn đủ năng lực cầm cự kéo dài.
Ngành dịch vụ ăn uống chưa thể hoạt động trở lại như cũ do tác động của đại dịch Covid-19
Hoài niệm thời hoàng kim
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế nói chung, mảng kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn Hải Phòng cũng có tốc độ phát triển khá nhanh.
Đây là sự vận động tất yếu của đời sống công nghiệp, khi việc sử dụng thời gian làm việc được quy ước, thời gian dành cho chuyện bếp núc gia đình ngày càng hạn hẹp.
Nhận xét về điều này, Anh Nguyễn Văn Dũng – Công nhân một Nhà máy ở Khu công nghiệp Nomura tâm sự, cả hai vợ chồng chị đều là công nhân, con nhỏ học tiểu học.
Mỗi buổi sáng, cả nhà anh Dũng đều phải ăn nhanh để kịp giờ học, giờ làm, còn buổi trưa hai vợ chồng ăn cơm công nghiệp theo chế độ chung, con nhỏ ăn bán trú, tất cả đều từ nguồn dịch vụ cung cấp sẵn.
Không riêng gì các gia đình công nhân như anh Dũng, mà thực tế dịch vụ ăn uống đa dạng hình đã trở thành phổ biến, một mảng sinh hoạt không thể thiếu trong đời sống cộng đồng.
Theo khái niệm chung, kinh doanh dịch vụ ăn uống là những cơ sở chế biến thức ăn bao gồm: cửa hàng, quầy hàng kinh doanh thức ăn ngay, thực phẩm chín, nhà hàng ăn uống, cơ sở chế biến suất ăn sẵn, căng-tin và bếp ăn tập thể.
Trong đó, hệ thống các căng-tin, bếp ăn tập thể thường có không gian dịch vụ hẹp, hoạt động trong sự điều chỉnh của các hợp đồng quy mô nhỏ nên chịu ảnh hưởng không lớn từ biến động của thị trường.
Trên địa bàn Hải Phòng, từ ngọai thành vào nội thành, ở khu vực dân cư nào cũng xuất hiện dịch vụ này, quy mô nhỏ là các cửa hàng điểm tâm (cả sáng, trưa, chiều, tối) hè đường, hàng cơm hay các xe đẩy bán thức ăn chín, quy mô lớn hơn là các quầy, nhà hàng cho đến chuỗi nhà hàng.
Từ những mô hình này, khách hàng cũng được chia ra thành nhiều nhóm khá rõ về vị trí, giai tầng và nhu cầu xã hội. với những tiện ích như thức ăn phong phú, chế biến “có nghề”, có sẵn người phục vụ, tiết kiệm thời gian và đôi khi chi phí thấp hơn việc các gia đình tự cung.
Ví dụ điểm tâm sáng thì phổ thông với mọi đối tượng, ăn nhậu tối lại thuộc về một bộ phận khác; hàng cơm vỉa hè chủ yếu phục vụ công nhân, sinh viên, người thợ và khách đơn thân; thức ăn chín phục vụ phần lớn là công chức, viên chức, tiểu thương; các nhà hàng với chi phí lớn hơn lại phục vụ cho nhu cầu liên hoan, hội họp, ngoại giao…
Ở mảng nữa là các cơ sở phục vụ nhu cầu cho các nhà ăn công nhân ở các nhà máy lớn trên địa bàn hoặc thực hiện các hợp đồng cho việc hiếu – hỉ. Bên cạnh đó, dịch vụ ăn uống cũng là một phân khúc thị trường không thể thiếu trong phát triển du lịch, với vai trò vừa phục vụ nhu cầu ẩm thực, vừa hình thành một nếp văn hóa có tính vùng miền.
Nhiều cửa hàng ăn uống đường phố đã phải đóng cửa hoàn toàn
Xoay vần trong tác động kép
Theo thống kê, Hải Phòng hiện có khoảng 24 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó có khoảng 7 nghìn cơ sở sản xuất, khoảng 6 nghìn cơ sở kinh doanh, còn lại chiếm phần nhiều là cơ sở dịch vụ ăn uống với mô hình nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình hoặc kinh doanh thức ăn đường phố. Từ con số này, có thể nói dịch vụ ăn uống xứng đáng là một phân ngành trong bản đồ kinh tế thành phố.
Tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây, nhất là thời gian từ đầu năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, phân ngành kinh tế dịch vụ ăn uống luôn trong tình trạng “nhấp nhổm”, phần lớn phải ngưng trệ hoạt động để phục vụ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.
Trước đó, nhưng biến cố xảy ra, đơn cử như cuộc khủng hoảng dài hạn của giá lợn thịt cũng khiến phân ngành này vấp phải khá nhiều khó khăn, khiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm.
Theo ông Đào Quang Phong – chủ một nhà hàng ở quận Ngô Quyền, thì từ năm 2019, do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi, giá thịt lợn tăng rất cao tạo phản ứng dây chuyền dẫn đến nhiều loại thực phẩm khác tăng theo. Khi chi phí đầu vào tăng, nguồn hàng có lúc khan hiếm, thì giá dịch vụ lại khó tăng vì môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Không chỉ các nhà hàng có quy mô lớn bị ảnh hưởng tiêu cực vì giá đầu vào, mà các mô hình kinh doanh nhỏ lẻ cũng bị cuốn vào vòng xoáy. Chẳng hạn giá tăng khi thu nhập của người lao động vẫn vậy, dẫn đến chủ hàng cơm thì lãi ít và khách hàng cũng phải ăn… ít hơn.
Chung hoàn cảnh này, bà Nguyễn Thị Tuyết – chủ một cơ sở bún chả khá nổi tiếng ở quận Lê Chân chia sẻ: “Hầu hết nguyên liệu đều liên quan đến thịt lợn, giá thịt tăng gấp đôi nhưng tôi vẫn phải duy trì 25.000 đồng/suất ăn, tăng giá thì sợ mất khách”. Đúng là cực chẳng đã.
Cơn bão tăng giá khan hàng vừa tạm lắng xuống thì lại xảy ra hậu quả tác động của đại dịch Covid-19, đây thực sự là cú nốc-ao đối với nhiều người làm nghề dịch vụ ăn uống. Tính từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đã có ít nhát 5 đợt vây hãm và tấn công vào thị trường thành phố, và lần nào cũng vậy, dịch vụ ăn uống đa dạng hình luôn nằm trong nhóm đầu tiên phải hạn chế hoặc ngưng trệ hoạt động trong các giải pháp phòng, chống dịch.
“Kể cả những lúc được hoạt động trở lại, do tâm lý lo ngại tu tập, khách hàng cũng không được như ngày xưa…” – ông Đào Quang Phong ngậm ngùi nói. Chưa hết, tại thời điểm này ngoài dịch Covid-19, ở một số địa phương đã xuất hiện dịch cúm gia cầm chủng mới, đúng là như “đổ nước vào bếp” các nhà hàng, khi nỗi lo về an toàn thực phẩm tăng lên.
Cho thấy, dịch vụ ăn uống đang gặp khó đơn, khó kép, trong thời gian cục bộ trước mắt sẽ tiếp tục trong tình cảnh ảm đạm, bởi dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường, đồng thời cũng là yếu tố tác động nặng nề nhất tính đến thời điểm hiện tại.
Nhưng như đã phân tích ở đầu bài, đây là một phân ngành kinh tế tất yếu trong đời sống công nghiệp hiện nay, hy vọng rằng kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ vượt qua cơn bĩ cực, lấy lại phong độ khi đại dịch đi qua.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão