Thành phố Hải Phòng: Vững vàng thế trận chống “giặc” Covid-19: Kỳ 2 - Nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ

06:31 03/04/2020

Suốt trong tháng 3-2020, diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước càng lúc càng diễn biến phức tạp, gia tăng về quy mô ảnh hưởng và thiệt hại. Tính đến 17h30 ngày 6-3, trên thế giới, số ca nhiễm là 98.570 ca với 3.394 ca tử vong. Nhưng đến 2-4, các số liệu trên lần lượt đã là gần 1 triệu ca nhiễm và hơn 47.000 tử vong vì Covid-19…

Tại Việt Nam, sau nhiều tuần không có ca nhiễm mới, cả nước đang hân hoan vì 16 người mắc bệnh Covid-19 đã được chữa khỏi thì ngày 6-3, đột ngột xuất hiện bệnh nhân thứ 17. Động thái ứng phó với dịch bệnh của Hải Phòng ngày một trở nên quyết liệt hơn với nhiều biện pháp đồng bộ thể hiện sự kiên quyết, nhưng cũng rất phù hợp theo những biến chuyển cực kỳ mau lẹ của tình hình với nhiều sáng kiến, cách làm hay khiến nhân dân thành phố rất an tâm và đồng tình hưởng ứng.

Người dân đổ xô đi mua nhu yếu phẩm tích trữ hôm 7-3

Theo đó, bệnh nhân số 17 là người Hải Phòng và là ca đầu tiên ở Hà Nội. Khi thông tin người thân của bệnh nhân từng từ Hải Phòng lên thăm con được công bố, nhiều người dân thành phố không khỏi hoang mang đã đổ xô đi mua đồ nhu yếu phẩm tích trữ, gây ra hiện tượng xáo trộn thị trường. Quyết dập tắt hiệu ứng nguy hiểm đó, ngay trong ngày 7-3, UBND thành phố đã lập các đoàn kiểm tra nắm bắt tình hình cung ứng và dự trữ nhu yếu phẩm tại các siêu thị, trung tâm thương mại lớn của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành kiểm tra thực tế tại chợ Rế, huyện An Dương

Ngày hôm sau 8-3, một cuộc họp khẩn giữa lãnh đạo thành phố với các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế, Quản lý thị trường cùng lãnh đạo các quận huyện, trung tâm thương mại lớn về đảm bảo cung cầu, bình ổn giá trên toàn địa bàn được triệu tập. Tại đây, cả bộ máy điều hành của thành phố đã tập trung phân tích kỹ diễn biến của thị trường; công tác dự trữ, cung ứng hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ dân sinh; kịch bản cung cấp hàng cho người dân trong trường hợp dịch bùng phát.

Từ đó, những định hướng cụ thể, chính xác và kịp thời về năng lực sản xuất và cung ứng lương thực, thực phẩm bao gồm: rau xanh, gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, thủy hải sản… của thành phố trong điều kiện bình thường và khi xảy ra dịch đã lập tức đưa thị trường trở lại bình thường.

Thành phố họp khẩn với với các sở ngành, quận huyện, trung tâm thương mại lớn về đảm bảo cung cầu, bình ổn giá trên toàn địa bàn

 Cùng với đó, lực lượng CATP cũng đã tập trung phối hợp cùng các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý nghiêm đối tượng xấu có hành vi đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá; đấu tranh, phản bác, xử lý nghiêm những trường hợp tung tin giả, tin xấu độc gây ảnh hưởng tới tâm lý, niềm tin của nhân dân vào công cuộc phòng chống dịch của Đảng, Nhà nước và thành phố. Qua đó góp phần trấn an dư luận, bảo đảm ANTT, giữ vững ổn định và nhịp độ tăng trưởng của thành phố.

Song song với phòng, chống dịch ổn định tốt thị trường, tại cuộc họp trực tuyến của Thường trực Thành ủy với các quận huyện chiều 13-3, Giám đốc Sở Y tế Phạm Thu Xanh tự tin thông báo: Thành phố có thể hoàn toàn huy động các cơ sở y tế phục vụ cách ly tập trung gồm: Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cơ sở 2 với cơ số 1.000 người, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng-An ninh (Trường Đại học Hải Phòng) cơ số 1.000 người, Trường Quân sự thành phố (tại huyện Thủy Nguyên) cách ly được 180 người. Các quận, huyện huy động 1.033 điểm tại các trường học, nhà nghỉ, khách sạn cách ly được hơn 10.000 người. Như vậy, trong trường hợp xấu nhất, Hải Phòng có thể huy động cách ly y tế được tối đa hơn 13.000 người.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nguyễn Xuân Bình kiểm tra công tác phòng chống dịch tại chốt kiểm soát số 2 (phía sau Trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhánh xuống QL.10, huyện An Lão)

Ngoài ra, Sở Y tế cũng báo cáo kịch bản chi tiết khi có dịch xảy ra. Theo đó, nếu có hơn 300 người nhiễm bệnh, thành phố sẽ chuyển số người cách ly tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp cơ sở 2 tuyến quận, huyện. Đồng thời sau khi được bổ sung trang thiết bị, Bệnh viện này sẽ tiếp nhận điều trị được 1.000 người và Bệnh viện Y học cổ truyền sẽ tiếp nhận điều trị được 500 người. Thành phố cũng sẽ huy động Bệnh viện Kiến An thành bệnh viện dã chiến, có thể tiếp nhận điều trị được 1.000 người. Các bệnh viện khác như: Đa khoa quốc tế Hải Phòng, Green, Vinmec, Y học Hải quân, Bệnh viện 203, Bệnh viện Công an, Bệnh viện Đại học Y Dược cùng 1/3 số giường bệnh hiện đang điều trị nội trú của tuyến quận, huyện cũng sẵn sang vào cuộc nếu có “biến”. Và như tính toán, nếu tận dụng tối đa thành phố có được gần 10.000 giường bệnh. Trong đó, có thể bố trí 5.000 giường bệnh cho nhóm bệnh nhân Covid-19.

Cùng với đó, hiện thành phố có 183 máy thở, nếu được trang bị thêm 17 máy theo Nghị quyết 11/2020/NQ-HĐND thì đủ khả năng đáp ứng được nhu cầu điều trị cho cấp độ 200 – 300 người bệnh. Nếu con số cao hơn, ngành Y tế thực hiện ngay việc đầu tư trang thiết bị theo gói đầu tư dự phòng đã được HĐND thành phố thông qua. Về nhân lực, toàn ngành Y tế của Hải Phòng hiện có 13.794 người, trong đó có hơn 2.000 bác sĩ. Thành phố có thể trưng dụng sinh viên năm cuối của Trường Đại học Y Dược và Trường Cao đẳng Y Dược Hải Phòng...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đình Chuyến giao các sở, ngành, đơn liên quan phối hợp chặt chẽ nhằm kiểm soát dịch bệnh tại các chốt cửa ngõ của thành phố

Một điều rất đáng ghi nhận là tại cuộc họp khẩn nêu trên, đại diện các lực lượng vũ trang gồm Công an, Quân đội cũng khẳng định quyết tâm sắt đá, sẵn sàng vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; huy động tối đa cho thành phố về nhân lực, phương tiện. Đồng thời lên phương án trưng dụng một số cơ sở để phục vụ cách ly, chữa bệnh cũng như tập trung lực lượng để phục vụ khoanh vùng. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế chuẩn bị chu đáo phương án lập bệnh viện dã chiến khi có yêu cầu. Lực lượng CATP nắm chắc tình hình, vận động nhân dân, đảm bảo ANTT tại các khu vực cách ly tập trung và kiểm soát thật tốt một số điểm cách ly cộng đồng.

Có thể thấy, liên tục bám sát diễn biến của tình hình, các kịch bản, phương án ứng phó với dịch đã được các cấp, các ngành xây dựng, bổ sung. Tới ngày 25-3, Hải Phòng tiến thêm một bước quyết liệt hơn trong cuộc chiến với dịch Covid 19 khi thành lập 6 chốt kiểm soát dịch bệnh tại các cửa ngõ ra vào thành phố bằng đường bộ.

Thiếu tướng Vũ Thanh Chương - Giám đốc CATP chỉ đạo lực lượng công an, tăng cường phối hợp với các đơn vị liên ngành tổ chức phân luồng, kiểm soát tốt các chốt cửa ngõ ra vào thành phố, đảm bảo việc lưu thông của các phương tiện, tránh để xảy ra ùn tắc giao thông

Cụ thể, 6 chốt trên được đặt tại: Trạm thu phí Quốc lộ 5, huyện An Dương; Trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhánh xuống QL10, huyện An Lão; Trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhánh xuống đường 353, quận Dương Kinh; Trạm thu phí đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhánh xuống đường 356, quận Hải An; chân cầu Nghìn - QL10, huyện Vĩnh Bảo; chân cầu Đá Bạc - QL10, huyện Thủy Nguyên. Các chốt này có nhiệm vụ kiểm soát y tế đối với người vào thành phố, chủ yếu trên các phương tiện vận tải hành khách; đảm bảo tất cả các hành khách đeo khẩu trang, phương tiện có trang bị dung dịch rửa tay sát khuẩn.

Lực lượng chức năng sẽ đo nhiệt độ, xác định người nghi nhiễm bệnh và tổ chức giám định y tế, xác định lịch trình, khai báo y tế đối với người nước ngoài và người Việt Nam mới từ nước ngoài về Việt Nam. Mỗi chốt bố trí 4 ca, thực hiện nhiệm vụ 24/24h vào tất cả các ngày trong tuần; các chốt chỉ được dừng hoạt động khi có quyết định của Chủ tịch UBND thành phố.

UBND thành phố cũng yêu cầu tất cả các sở, ngành, chính quyền địa phương duy trì tốt hoạt động truyền thông trực tiếp kết hợp điều tra, giám sát tại cộng đồng, truyền thông trên báo chí và phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh; tích cực tìm kiếm những trường hợp đi cùng trên chuyến bay có người bệnh, người tiếp xúc gần với người nhiễm hoặc nghi nhiễm (F1, F2), theo khuyến cáo của Bộ Y tế…

Với việc triển khai quyết liệt khoanh vùng, siết chặt kiểm soát một số điểm cách ly cộng đồng, lập thêm nhiều chốt chặn tại các cửa ngõ ra vào thành phố và tại các tổ dân cư, thôn xóm trên toàn địa bàn, Hải Phòng đã lập nên một “lá chắn thép”, quyết chặn đứng không để “giặc Covid-19” có cơ hội xâm nhập vào thành phố Cảng.

(còn nữa)

HOÀNG TRIỆU

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông