Thành phố luôn nỗ lực tìm nguồn vắc xin được Bộ Y tế cấp phép để bảo vệ sức khỏe nhân dân

09:41 08/08/2021

Do kiểm soát tốt tình hình phòng, chống dịch Covid-19 nên Bộ Y tế không đưa thành phố Hải Phòng vào diện được ưu tiên trong việc điều tiết vắc xin. Tuy nhiên, trước đại dịch đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, với quyết tâm cao ngăn chặn không để dịch lây lan, thành phố đã nỗ lực tìm mọi cách tiếp cận các nguồn vắc xin được Bộ Y tế cấp phép, trong đó ngành Y tế Hải Phòng phấn đấu đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng bằng bao phủ vắc xin để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Hiện, chương trình tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 đang được người dân thành phố đặc biệt quan tâm. Xung quanh vấn đề này, phóng viên An ninh Hải Phòng có cuộc phỏng vấn TS.BS Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế.

Phóng viên: Trước hết, xin ông cho biết chương trình tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố đang được triển khai như thế nào?

TS.BS Trần Anh Cường: Trong công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung cũng  như phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng, tiêm vắc xin là biện pháp có hiệu quả cao để bảo đảm miễn dịch cộng đồng. Do đó, ngoài việc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch chủ động, kịp thời, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh, thành phố đã có chủ trương tiêm vắc xin cho người dân thành phố. Trong thời gian qua, thành phố đã tổ chức tiếp nhận vắc xin từ nguồn do Bộ Y tế phân bổ được hơn 165 nghìn liều. Tính đến ngày 6/8, sau 5 đợt tiêm, toàn thành phố đã tiêm được 83.289 mũi vắc xin phòng Covid-19 (gồm 64.088 mũi 1 và 19.201 mũi 2), mức độ bao phủ mới đạt được khoảng 4% người dân được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin  (trong đó 1,2% đã được tiêm đủ 2 mũi). Hiện nay Hải Phòng có hơn 1,56 triệu người trên 18 tuổi (các vắc xin Covid-19 hiện đang sử dụng tại Việt Nam không chỉ định tiêm cho người chưa đủ 18 tuổi), như vậy, chúng ta cần hơn 3 triệu liều vắc xin để tiêm cho người dân thành phố.

Trước diễn biến của dịch Covid-19 rất phức tạp, nhất là biến chủng mới Delta vừa nguy hiểm, vừa lây lan nhanh, trong khi đó thành phố được phân bổ lượng vắc xin từ Bộ Y tế rất hạn chế (vì là địa phương chống dịch tốt) thì việc chủ động tìm các nguồn vắc xin để phục vụ nhu cầu tiêm của người dân, vì sự an toàn của người dân là rất cần thiết.

Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng bằng bao phủ vắc xin (tức là 70% dân số được tiêm vắc xin) thì thành phố đã nỗ lực huy động và sử dụng các nguồn vắc xin đã được cấp phép, trong đó có vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của công ty Sinopharm.

Việc phê chuẩn vắc xin phòng Covid-19 Vero Cell của Sinopharm được WHO đưa ra sau khi nhận được đánh giá tích cực về chất lượng, độ an toàn, hiệu quả của nhiều cố vấn, chuyên gia độc lập và đội ngũ chuyên môn của WHO. Những thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn ở nhiều quốc gia, với vắc xin sử công nghệ vi rút bất hoạt truyền thống cho thấy hiệu quả không kém so với các vắc xin sử dụng công nghệ tiên tiến hơn.

Vừa qua, Trung Quốc đã viện trợ một số lượng vắc xin Vero Cell để tiêm cho chuyên gia Trung Quốc đang sinh sống và làm việc trên địa bàn thành phố. Theo đó, dưới sự chỉ định cho phép của Đại sứ quán Trung Quốc, ngày 17-18/7, 3.400 chuyên gia, người lao động Trung Quốc trên địa bàn thành phố đã được tiêm vắc xin này. Ghi nhận sau tiêm, có 138 trường hợp có phản ứng rất nhẹ, sưng đau tại chỗ, mỏi cơ, không có trường hợp phản ứng nặng. Trong các ngày từ 7-10/8, thành phố tiếp tục triển khai tiêm mũi 2 vắc xin Vero Cell cho những người đã tiêm mũi 1 vắc xin này. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam và ông Bành Thế Đoàn - Tham tán Văn hóa, Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam (áo xanh ngắn tay) kiểm tra công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cho người nước ngoài tại điểm tiêm Trường THCS Lạc Viên (quận Ngô Quyền) ngày 17-7-2021

PV: Vậy ông có thể cho biết giá trị pháp lý, tính an toàn và hiệu quả của các loại vắc xin phòng Covid-19 khi được đưa vào sử dụng?

TS.BS Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế: Những loại vắc-xin phòng Covid-19 được đưa vào sử dụng tại Việt Nam đều trải qua quá trình thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và thử nghiệm lâm sàng nghiêm ngặt về mức độ an toàn và hiệu quả trong kiểm soát bệnh. Các loại vắc xin này cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng.

Ở cấp quốc tế, WHO hợp tác với các cơ quan kỹ thuật độc lập để thẩm định tính an toàn của các loại vắc-xin trước và thậm chí là sau khi triển khai vắc-xin. Dù đang được phát triển với tốc độ khẩn trương nhất có thể, các loại vắc-xin Covid-19 chỉ có thể được phê duyệt khi đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về mức độ an toàn và hiệu quả.

 

PV: Ngành Y tế có những biện pháp nào để đảm bảo an toàn khi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 thưa ông?

TS.BS Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế: Ngành Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo và triển khai tập huấn cho 100% cán bộ y tế làm công tác tiêm chủng. Công tác an toàn tiêm chủng luôn được đặt lên hàng đầu, như tại điểm tiêm, bố trí đội cấp cứu lưu động và đặc biệt các bệnh viện tuyến thành phố phải tham gia công tác trực cấp cứu, trong đó phân công lãnh đạo thường trực, cán bộ có trình độ chuyên môn cao, niêm yết đường dây nóng để đảm bảo trao đổi chuyên môn cho công tác thường trực cấp cứu. Tại các điểm tiêm niêm yết số điện thoại đường dây nóng để người tiêm có thể liên hệ để hỗ trợ xử trí các trường hợp bất thường sau tiêm.

Sở Y tế cũng đã tiến hành tổ chức tập huấn “An toàn tiêm chủng” cho 66 đơn vị y tế do các chuyên gia của Bệnh viện Việt Tiệp và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố thực hiện. Ngành Y tế xác định công tác tiêm chủng phải tuyệt đối tuân thủ quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế, các điểm tiêm chủng đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn nghiêm ngặt về lưu giữ và bảo quản vắc xin, bố trí các khu vực chức năng (chỗ đón tiếp, nơi ngồi chờ, phòng khám sàng lọc, phòng tiêm, phòng theo dõi sau tiêm, phòng xử lý phản ứng sau tiêm) theo quy tắc “một chiều”, được trang bị hộp cấp cứu phản vệ và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.

Tất cả người đi tiêm chủng đều được khám sàng lọc và phổ biến cách theo dõi sức khỏe và phản ứng sau tiêm, khi phát hiện các bất thường, phải liên hệ với cơ sở y tế để được xử lý và điều trị kịp thời.

Ngay từ khi bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng phòng Covid-19 ngành Y tế thành phố đã chủ động chú trọng các khâu, từ lựa chọn đối tượng tiêm, đơn vị tổ chức tiêm, đào tạo cho cán bộ y tế tham gia tiêm, truyền thông trước, trong và sau tiêm, vận chuyển, tiếp nhận bảo quản vắc xin đến bảo đảm vật tư tiêu hao, các vật dụng cần thiết cho tiêm phòng, xử trí phản vệ, theo dõi sau tiêm, kể cả an ninh trật tự... Qua đó, nhằm bảo đảm tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có). Bên cạnh đó, giám sát để phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai tiêm chủng, kịp thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình chuẩn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.

Phóng viên: Trong khi nguồn vắc xin còn hạn hẹp, trước sự phức tạp của dịch Covid-19 hiện nay, ông có khuyến cáo gì tới người dân?

TS.BS Trần Anh Cường, Giám đốc Sở Y tế: Dịch Covid-19 trên thế giới và Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp, số lượng người mắc bệnh tiếp tục gia tăng. Vì vậy người dân cần thực hiện đúng các quy định đối với từng tình huống dịch trên địa bàn mình sinh sống theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và ngành y tế như: Thực hiện nghiêm thông điệp 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập- Khai báo y tế" của Bộ Y tế.

Người dân không được chủ quan, luôn đề cao cảnh giác phòng, chống dịch Covid-19. Phát huy tính tự giác khai báo y tế hoặc thông báo ngay cho chính quyền địa phương các trường hợp bất thường, người từ vùng dịch về, người nhập cảnh trái phép…để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời.

Vấn đề nữa là hiện nay, không ít người có tư tưởng trì hoãn để chờ được tiêm vắc xin phòng Covid-19 mà họ cho là tốt hơn. Trong khi các loại vắc xin đã được đưa vào sử dụng là đã qua quá trình thử nghiệm nghiêm ngặt về mức độ an toàn và hiệu quả, tất cả các loại vắc xin có tác dụng phòng Covid-19 rất hữu hiệu và trong trường hợp có nhiễm vi rút SARS-CoV-2 nhưng đã được tiêm đủ liều vắc xin thì bệnh sẽ ở thể nhẹ, tránh được nguy cơ phải nhập viện, tử vong. Nếu như chúng ta sợ tác dụng phụ của vắc xin này, rồi chờ đợi một loại vắc xin khác để tiêm chính là một rủi ro lớn nhất. Tiêm vắc xin phòng Covid-19 khi đến lượt mình là cơ hội, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người.

Dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến rất phức tạp và khó lường, Ngành Y tế đã và đang không ngừng nỗ lực cùng với các cấp, các ngành và toàn dân quyết tâm, đồng lòng chiến thắng dịch bệnh. Với các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã và đang được tích cực triển khai trên cả nước, chúng ta tin Việt Nam sớm chiến thắng đại dịch.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Duyên (Thực hiện)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông