Thành phố với những cây cầu

14:50 12/09/2015

 

Cầu Quay bắc qua dòng Tam Bạc hiền hòa
Cầu Quay bắc qua dòng Tam Bạc hiền hòa

Là người Hải Phòng, có lẽ ai cũng từng được nếm trải cái cảm giác rung rung khi đi qua cầu Quay cùng tiếng ầm ào của xe hỏa, hay gồng sức trong những chiều ngược gió vượt cầu Xi Măng, cầu Rào… Những nhịp cầu hàng trăm tuổi, gồng gánh trên mình bao bước chân người qua, chứng kiến bao biến đổi thăng trầm của cuộc đời, nay vẫn trẻ trung, căng tràn sức sống theo những bước chuyển mình khỏe khoắn của thành phố mến thương.

Những chứng nhân lịch sử

Bắc qua dòng Tam Bạc hiền hòa, nối phố Điện Biên Phủ với phố Bạch Đằng, có chiều dài 92m, cầu Lạc Long là một trong số ít cầu được xây dựng đầu tiên của Hải Phòng còn lại cho đến nay (cầu được xây dựng cùng thời gian với 2 cây cầu đầu tiên của thành phố nay không còn nữa là cầu Pôn Đume và cầu La Nhiên). Ngày ấy cầu mang tên là cầu Giốp (Pont Joffre), sau Cách mạng Tháng Tám đổi tên là cầu Ngô Quyền. Từ năm 1954 đến nay cầu mang tên Lạc Long.

Cầu nằm trên trục giao thông đường bộ của thành phố với quốc lộ 5. Đây là mạch máu giao thông quan trọng của Hải Phòng nên trong thời kỳ chiến tranh, cầu Lạc Long là mục tiêu đánh phá. Đặc biệt trong chiến tranh phá hoại, máy bay Mỹ đã nhiều lần (có ngày đến 16 lượt) ném bom khiến cầu bị hỏng hoàn toàn.

Vì vậy trong thời gian này, thành phố đã phải đắp đập Nguyễn Tri Phương ngăn sông Tam Bạc để khắc phục vấn đề giao thông. Sau khi đình chiến, cán bộ công nhân ngành cầu đường đã khẩn trương bắt tay vào sửa chữa, khôi phục cầu trở lại. Với yêu cầu phát triển nhanh của thành phố, năm 1991, UBND thành phố quyết định xây dựng cầu Lạc Long mới dài gần 150m, rộng 15m, hai bên đầu cầu được mở rộng. Cầu Lạc Long cũ, cầu treo Tam Bạc, đập Nguyễn Tri Phương đều được dỡ bỏ để thông tuyến đường thủy trên dòng Tam Bạc. Cầu Lạc Long ngày nay với những đường cong, nằm duyên dáng trên dòng Tam Bạc cùng vườn hoa nhỏ quanh năm xanh mát bởi những tán cổ thụ.

Cầu Lạc Long với những đường cong duyên dáng
Cầu Lạc Long với những đường cong duyên dáng

Cũng bắc qua sông Tam Bạc, cầu Quay nằm trên tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai và Vân Nam do công ty Pháp Hỏa xa Đông Dương và Vân Nam xây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 20 với chiến lược vận chuyển hàng hóa  từ Pháp và các nước khu vực cập Cảng Hải Phòng (cảng lớn nhất miền Bắc Việt Nam thời bấy giờ) lên Hà Nội. Khi mới xây dựng, cầu có tên gọi là cầu Xe hỏa, nhưng người dân thành phố thường gọi với cái tên mộc mạc là cầu Quay vì khi làm cầu này, người Pháp thiết kế một trục quay giữa sông để khi nước lên, hoặc một số giờ nhất định trong ngày, nhịp cầu giữa sẽ quay ngang 90 độ, tạo một lạch thông thoáng cho tàu thuyền lớn qua lại.

Cầu quay bằng hệ thống ròng rọc, do 5 - 6 người quay bằng tay. Kiểu cầu này không xa lạ gì trên thế giới, như ở Luân Đôn, Pari hay Maxcova, có cầu nhấc lên cả nhịp giữa hoặc tách làm 2 phần cùng kéo lên với mục đích thông thuỷ như trên. Nhưng với Việt Nam thì cầu Quay đã trở thành cây cầu độc đáo nhất từ cổ chí kim với tính năng này.

Khi quân Pháp gây hấn ở Hải Phòng cuối năm 1946, quân dân ta đã lột đường ray, bóc tà vẹt mặt cầu để chặn địch. Sau khi quân và dân ta tiếp quản thành phố, cầu đã được sửa chữa lại và đến năm 1951, được đổi tên là Hoa Lư. Năm 1954, cầu lấy tên là Tam Bạc. Nhưng trong chiến tranh phá hoại, giặc Mỹ đã nhiều lần bắn phá ác liệt khiến cầu bị hư hỏng nặng. Sau khi đình chiến, cầu lại được khẩn trương sửa chữa để kịp thời phục vụ yêu cầu chi viện chiến trường miền Nam. Sau nhiều lần sửa chữa, cầu đã được làm cố định, tính năng quay của cầu chỉ còn là hoài niệm nhưng cái tên cầu Quay thì vẫn còn mãi trong lòng người dân thành phố.

Những cây cầu chỉ còn trong tâm tưởng

Cầu Đất là tên một phố lớn của Hải Phòng hiện nay và đó còn là tên gọi của một cây cầu xưa không còn nữa. Theo các cụ kể lại thì đây là một cây cầu thô sơ mặt lát đất nện, bắc qua ngòi Liêm Khê chảy qua 2 xã An Biên, Gia Viên cũ rồi đổ ra sông Cấm. Cũng ở vị trí trên phố Cầu Đất là cầu Pôn Đume, nối phố này với phố Quang Trung (thời Pháp có tên gọi là phố Savatxiơ) ở vị trí quán hoa hiện nay. Đây là cây cầu sắt kiên cố, khá đẹp, được xây dựng từ rất sớm trên đất Hải Phòng. Cây cầu ban đầu có thể quay được cho thuyền bè qua lại. Đến năm 1913 thì cầu bị hỏng không quay được nữa. Năm 1925, sông đào Bonnan bị lấp đi phần lớn, chỉ còn lại vụng nhỏ nên thường gọi sông Lấp (nay được cải tạo làm hồ Tam Bạc), do đó cầu Pôn Đume bị tháo dỡ.

Được xây dựng cùng thời với Pôn Đume, cầu La Nhiên (Laniel) bắc qua kênh đào Bonnan nối phố Marêxan Giốp với phố Pôn Be xưa (cả 2 phố đều thuộc Điện Biên Phủ ngày nay). Cầu ở vị trí giữa sân vận động Cảng và vườn hoa Kim Đồng hiện nay. Năm 1925 khi kênh đào Bonnan bị lấp, cầu La Nhiên cũng không còn nữa.

Cũng từ chủ trương lấp toàn bộ kênh đào Bonnan của hội đồng thành phố thời kỳ đó, trong “cuộc điều tra tiện và bất tiện”, chủ hãng Caron khiếu nại nếu lấp toàn bộ kênh này thì cơ sở xưởng sửa chữa tàu thủy của hãng không thể hoạt động. Một số hội viên và công luận cũng ủng hộ nên cuối cùng thành phố quyết định chỉ lấp kênh từ vị trí cổng Cảng đến đầu hồ Tam Bạc hiện nay, với điều kiện hãng này phải làm cầu qua vũng Bonnan để đảm bảo giao thông thuận tiện.

Đề nghị này được thực hiện, một cây cầu sắt được xây dựng, có thể cất lên cho thuyền bè qua lại vào giờ quy định. Tên cầu trong danh mục cầu đường thành phố là cầu Chợ vì cầu gần chợ Sắt, nhưng người dân quen gọi là cầu Caron. Sau Cách mạng Tháng Tám, đổi tên gọi là cầu Nguyễn Khắc Nhu và đến năm 1953 có tên là cầu sông Lấp. Khi quân dân ta tiếp quản thành phố, cầu bị hư hại nhiều, chỉ sử dụng tạm, sau phải dỡ bỏ.

Không nằm ở trung tâm thành phố, lại là cây cầu thô sơ, nhưng cầu Gù cũng là một cây cầu có từ lâu đời của xã Lạc Viên cũ (phường Máy Chai và phường Cầu Tre hiện nay), bắc qua một nhánh của lạch thoát triều lớn đổ ra sông Cấm. Vì cầu có 2 mố gạch xây cao, thân cầu xây cuốn vỉa gạch xếp hàng cau nằm hình cong để cho thuyền nhỏ qua lại nên người dân theo hình dáng mà gọi tên. Ngày nay chiếc cầu mộc mạc vẫn được nhắc nhớ trong những câu ca được lưu truyền của người làng: “…Bên kia Vạn Mỹ nhìn sang, Bến đò bà Chiệc ngang ngang cầu Gù. Đường Mả Cả sau khu xóm Miếu, Lối quanh co lắm kiểu, nhiều hình…”.

Dòng thời gian vẫn không ngừng trôi, những cây cầu giờ đây có chiếc vẫn còn hiện hữu như một chứng tích lịch sử, có chiếc đã trở thành hoài niệm trong quá khứ, thành phố chuyển mình, xây thêm nhiều cây cầu dây văng hiện đại nhưng với người Hải Phòng, những nhịp cầu xưa ấy đã trở thành bản thể, đi vào thơ ca nhạc họa để mỗi khi xa quê, bất chợt lúc nào nhớ về Hải Phòng mọi người vẫn có thể ngân nga câu hát “những Bến Bính, Xi Măng, cầu Rào, cầu Đất, Lạc Viên…”.

Xuân Hạ


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông