09:52 22/07/2018 Theo số liệu thống kê, chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân của thành phố trong tháng 6 tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 5,53% so với cùng kỳ năm trước, tăng 3,14% so với tháng 12 năm 2017. Tính chung, CPI 6 tháng đầu năm tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước.
Thương mại nội địa tiếp tục được khẳng định
Nhìn từ góc độ kinh tế vĩ mô, lạm phát là sự gia tăng mức giá chung của hàng hóa, dịch vụ và sự mất giá của đồng tiền, được phản ánh trên thị trường, trong đó CPI là một trong những phương tiện đo lường hữu hiệu nhất. Theo các chuyên gia kinh tế, đối với tình hình Việt Nam nếu lạm phát được kiểm soát dưới một con số, chính là hiệu ứng tích cực của một nền kinh tế phát triển năng động và ổn định. Tuy nhiên, đã có lúc cùng với ảnh hưởng nghiêm trọng của khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng vọt trở thành "bóng ma" ám ảnh nền kinh tế trong nước.
Như đã nói ở trên thì CPI bình quân của thành phố trong tháng 6-2018 chỉ tăng 0,61% và trong 6 tháng đầu năm tăng 4,34% là rất khiêm tốn so với thời điểm cách đây vài năm. Nhưng điều đáng nói, câu chuyện lạm phát bị đẩy lùi cũng đã có từ hơn 5 năm qua, thậm chí có những thời điểm nhiều người lo thị trường sẽ giảm phát.
Bởi lẽ mặt trái của giảm phát sẽ dẫn đến một thị trường hoạt động yếu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa và dịch vụ. Nên số liệu thống kê CPI của 6 tháng đầu năm, dù vẫn ở mức một con số, nhưng lại khá cao so với hai năm liền kề trước đó, chính là khái quát sự tăng trưởng đáng kể của kinh tế thành phố.
Điều đó đã được thể hiện rõ từ số liệu báo cáo, khẳng định hoạt động thương mại dịch vụ của thành phố 6 tháng đầu ổn định và tăng trưởng ở mức cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 đạt khoảng 10.140,29 tỷ đồng , tăng 17,18% so với cùng kỳ năm 2017, tính cộng 6 tháng đầu năm là 56.875,87 tỷ đồng, tăng 14,783%. Phân theo ngành kinh tế, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng là 43.709,72 tỷ đồng, chiếm chiếm hơn 2/3 tổng mức, cho thấy ưu thế nghiêng hẳn về thị trường hàng hóa, chứng tỏ thương mại nội địa đang hoạt động theo xu hướng nhu cầu thiết thực, mang tính ổn định cao.
Điều quan trọng là, sau một thời gian bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, khối thương mại, dịch vụ thuộc sở hữu ngoài nhà nước đã có những bước đi linh hoạt, phục hồi mạnh mẽ hơn khối sở hữu nhà nước. Đi vào chi tiết, những tháng đầu năm tiếp tục chứng kiến sự lép vế của các đơn vị thương mại nhà nước, với mức doanh thu nội địa chỉ đạt 1.586,38 tỷ đồng theo lũy kế 6 tháng.
Trong khi đó, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt 52.492,96 tỷ đồng, tăng 15,13% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn vào số liệu này, có thể thấy rõ sự lấn át của hệ thống thương mại ngoài nhà nước, với vai trò chủ đạo trong kiểm soát thị phần thành phố. Bởi lẽ khu vực kinh tế vốn FDI dùng tăng trưởng tốt 10,88% cũng chỉ đạt 2.796,52 tỷ đồng.
Vẫn tiềm ẩn nỗi lo
Mặc dù vậy, nếu nhìn vào chỉ số CPI của từng ngành hàng, thì kinh tế hàng hóa cũng chưa thoát khỏi tình cảnh ảm đạm. Chẳng hạn như tổng doanh thu của ngành dịch vụ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng lại có CPI tăng thuộc diện cao, đơn cử như chỉ số giá dịch vụ giáo dục tăng 2,05%, chưa kể thuốc và dịch vụ y tế, văn hóa giải trí và du lịch tăng…
Trong khi CPI tăng cao nhất trong nhóm hàng hóa là thực phẩm tăng 1,46%; chỉ số giá xăng dầu tăng 2,35%... còn lại nhiều sản phẩm vẫn thuộc diện tăng rất thấp hoặc giảm phát như điện máy, may mặc, mũ nón...
Trên thực tế, lạm phát tăng ở mức vừa phải, được kiểm soát chặt chẽ sẽ thúc đẩy tiêu dùng, khiến năng lực sản xuất phát triển, đồng nghĩa với nguồn đầu tư được linh hoạt, còn lạm phát vượt tầm sẽ phá vỡ kết cấu, mất kiểm soát lan truyền.
Ngược lại, giảm phát luôn đồng nghĩa với sự đóng băng hàng hóa, sản xuất sụt giảm, vốn đầu tư trì trệ… Xét trong toàn cảnh thị trường, theo thông lệ thì chỉ số CPI dù tăng cũng yếu dần về cường độ kể từ dịp tết Nguyên đán đến giữa năm, nên có thể khẳng định sự tăng CPI của tháng 6 năm nay là yếu tố tích cực.
Tuy nhiên đánh giá về sự cải thiện này, nhiều ý kiến cho rằng bên cạnh dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, còn có tác động không nhỏ sự tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu mang tính toàn cầu. Nổi bật nhất là nhóm xăng dầu và gas, dù gần đây liên tục điều chỉnh tăng, nhưng tính tổng thể thì giá xăng dầu hiện tại thấp hơn cùng thời điểm 5 năm trước tới gần 5.000 đồng/lít, nên việc so sánh trong tổng thể cũng chỉ ở mức tương đối
Hơn nữa, một số chính sách khác cũng góp phần không nhỏ, trong đó điển hình nhất là việc điều chỉnh mức lương tối thiểu và tăng lương đối với hệ thống thuộc kiểm soát nhà nước. Nói như vậy, nghĩa là tín hiệu vui từ chỉ số CPI 6 tháng đầu năm mới chỉ là sự khởi đầu, trong điều kiện thị trường còn diễn biến phức tạp. Nhìn vào thị trường thành phố hai năm trước, có thể thấy một số vấn đề đã phát sinh. Trong đó điều đáng mừng là giá lương thực, thực phẩm tươi sống như thị lợn, gia cầm, rau xanh, hoa quả đều khá ổn định.
Trong khi cán cân giảm phát lại thuộc về các nhóm hàng mà thiếu nó, người dân vẫn có thể duy trì được cuộc sống, nhất là các mặt hàng thuộc nhóm điện tử gia dụng, một thời gian dài tiêu thụ chậm và giá giảm mạnh. Dù có nhiều xuất xứ khác nhau, nhưng về cơ bản điện tử gia dụng vẫn chỉ là nhóm hàng nhập khẩu, sản phẩm là gia công có giá trị gia tăng thấp, nên góp phần không đáng kể vào sự phát triển chung của kinh tế quốc nội.
Tại phiên họp thường kỳ gần đây nhất của Chính phủ, có không ít ý kiến lưu ý về tốc độc tăng trở lại của CPI sẽ khiến “bóng ma” lạm phát hiện hữu. Vấn đề không hẳn ở chỉ số gia tăng, mà do nguy cơ tiềm ẩn từ tác động thương mại quốc tế. Cụ thể, nỗi lo lớn nhất chính là tác động của tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đang vào hồi quyết liệt, mà kết quả phân tích đưa ra sẽ có hai kịch bản chính tác động trực tiếp tới Việt Nam.
Thứ nhất, việc hàng hóa Trung Quốc bị hạn chế vào Mỹ, sẽ dẫn đến một lượng hàng lớn từ Việt Nam được xuất khẩu bù đắp, sẽ tạo ra khan hiếm nguồn cung trong nước, rất dễ tác động vào giá cả thị trường. Thứ hai, nguồn hàng từ Trung Quốc lẽ ra được đưa sang Mỹ, rất có thể sẽ đổ vào thị trường Việt Nam, tạo ra hiệu ứng cạnh tranh lớn, sẽ gây áp lực không nhỏ cho thị trường trong nước. Khó là ở chỗ, khi hai mệnh đề trên không được cân đối, sẽ có nhiều thách thức phát sinh, nhất là tính chia rẽ cục bộ trong cán cân cung cầu.
Mặt khác, đối với Hải Phòng, hiện rất khó để đưa ra các giải pháp cụ thể cho việc điều chỉnh thị trường, bởi việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu đều do kiến trúc thượng tầng, trong khi ngành sản xuất hàng tiêu dùng tại chỗ của thành phố còn quá yếu, chưa đủ áp đặt lên thị trường.
Từ góc độ này cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng CPI đơn thuần vẫn chỉ là thước đo có tính chất tham chiếu, chưa thể là công cụ hữu hiệu để cân đối sự bình ổn trên địa bàn.
Lê Minh