Thấy gì qua kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số năm 2021: Hải Phòng tiến bộ nhưng còn nhiều việc phải làm

00:23 20/08/2022

Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) vừa công bố kết quả xếp hạng chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021 (DTI 2021). Kết quả, Hải Phòng vươn lên xếp vị trí thứ 16, tăng 5 bậc so với năm 2020 (xếp thứ 21). Đây là kết quả cho thấy sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của Hải Phòng. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mục tiêu đề ra thì còn phải phấn đấu nhiều và còn nhiều việc phải làm.

                                                                                 Một số chỉ tiêu tăng trưởng

        Theo Bộ TTTT, điểm khác biệt của DTI năm 2021 so với năm 2020 là được cập nhật các nội dung của Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, bổ sung thêm nhiều chỉ số đánh giá phát triển và sử dụng các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số. Cấu trúc DTI so với năm 2020 có thay đổi nhưng không đáng kể, giữ nguyên 5 chỉ số chính, chỉ tinh gọn rất nhiều chỉ số (từ 306 chỉ số cấp tỉnh còn 98 chỉ số; từ 111 chỉ số cấp Bộ còn 70 chỉ số) và hướng tới các chỉ số có thể đo lường tự động hoặc kiểm chứng được.

        Cụ thể, DTI cấp tỉnh gồm 9 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. 9 chỉ số chính được phân thành Nhóm chỉ số nền tảng chung và Nhóm chỉ số về hoạt động. Trong đó, Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm 6 chỉ số chính: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Đô thị thông minh. Nhóm chỉ số về hoạt động gồm 3 chỉ số chính: hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số. Trong trụ cột chính quyền số có 7 chỉ số chính, trong đó gồm 6 chỉ số chính thuộc Nhóm chỉ số nền tảng chung và chỉ số hoạt động chính quyền số. Trụ cột kinh tế số có 7 chỉ số chính, trong đó gồm 6 chỉ số chính thuộc nhóm chỉ số nền tảng chung và chỉ số hoạt động kinh tế số. Trụ cột xã hội số có 7 chỉ số chính, trong đó gồm 6 chỉ số chính thuộc Nhóm chỉ số nền tảng chung và chỉ số hoạt động xã hội số.

                                              

Hải Phòng xếp hạng DTI thứ 16/63 tỉnh, thành phố

     Kết quả, Hải Phòng xếp hạng thứ 16/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, chỉ số về nhận thức số xếp thứ 22; về thể chế số xếp thứ 10; về hạ tầng số xếp thứ 36; về nhân lực số xếp thứ 32; về an toàn thông tin mạng xếp thứ 41; về hoạt động chính quyền số xếp thứ 19; về hoạt động kinh tế số xếp 13; về hoạt động xã hội số xếp thứ 2.

      Như vậy, có thể thấy, việc tăng 5 bậc so với năm 2020 là một thành công lớn của Hải Phòng trong bối cảnh tất cả các địa phương trên cả nước đều có những chương trình hành động khá quyết liệt để đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số. Trong đó có một số chỉ số có bước nhảy khá ngoạn mục như hoạt động xã hội số; thể chế số; kinh tế số; chính quyền số…

                                                      

      Hải Phòng quán triệt, nâng cao nhận thức tới toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân và hành động quyết liệt về chuyển đổi số

       Việc ban hành nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch của UBND thành phố; các cấp, các ngành tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về thể chế số. Hoạt động của các cấp chính quyền cũng thay đổi theo hướng áp dụng nhiều hơn những thành tựu của CNTT, hướng tới mô hình chính quyền số. Đồng thời, việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của CBCC, viên chức, người dân cũng đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

                                                                                       Chưa thể hài lòng

        Mặc dù có nhiều tiến bộ nhưng rõ ràng, so với kỳ vọng, Hải Phòng vẫn chưa thể hài lòng. Với kết quả xếp hạng DTI năm 2021, ngoài top 3 luôn có nhiều đột phá như Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế; thành phố Hồ Chí Minh thì Hải Phòng còn đứng sau nhiều tỉnh, thành phố như Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bình Phước, Bắc Giang, Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Cần Thơ.

     Đây là điều rất đáng suy nghĩ bởi rõ ràng nhiều địa phương tuy còn nhiều khó khăn nhưng đã có bước nhảy vọt khá lớn (như Bình Phước từ vị trí thứ 25 năm 2020 đã nhảy lên vị trí thứ 9 năm 2021). Hay như đi sâu vào phân tích thì nhiều chỉ số của Hải Phòng còn ở thứ hạng thấp như hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng… Đáng chú ý, chỉ số về nhận thức số xếp thứ 22 cũng là chưa tương xứng với những nỗ lực trong thời gian qua của Hải Phòng.

       Đi sâu vào một số trụ cột của chuyển đổi sô cũng thấy bộc lộ một số hạn chế của Hải Phòng. Cụ thể, xếp hạng trụ cột số cấp tỉnh, Hải Phòng đứng thứ 25 với giá trị 0,4718 (top 10 địa phương dẫn đầu là Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bình Phước, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Trong đó, Đà Nẵng duy trì vị trí thứ nhất với giá trị 0,6868 trong khi năm 2020 là 0,5346).

       Về kinh tế số cấp tỉnh, Hải Phòng xếp thứ 25 với giá trị 0,4464 (top 10 gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên –Huế, thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh. Đà Nẵng duy trì vị trí thứ nhất với giá trị 0,6312 trong khi năm 2020 là 0,4155).

     Về trụ cột xã hội số, Hải Phòng xếp thứ 16 với giá trị 0,4645 (top 10 là Đà Nẵng, Thừa Thiên- Huế, Vĩnh Phúc, thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Lâm Đồng. Đà Nẵng cũng duy trì vị trí thứ nhất với giá trị 0,6483 trong khi năm 2020 là 0,4964).

     Làm một phép so sánh mới thấy nhiều địa phương luôn có sự vươn lên rất đáng nể. Tiêu biểu như Đà Nẵng, liên tục 2 năm dẫn đầu với giá trị chính quyền số, kinh tế số, xã hội số cao hơn các địa phương khác nhưng năm 2021 lại tiếp tục có sự nhảy vọt hơn rất nhiều so với chính họ của năm 2020. Và những địa phương nào giữ được thứ hạng cao ở cả 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số sẽ tiếp tục giữ vững ở vị trí top đầu DTI. Rõ ràng, nhìn vào đây mới thấy hết được một số hạn chế của Hải Phòng và vấn đề cần nhất hiện nay là có ngay các giải pháp để cải thiện các chỉ số DTI với mục tiêu hướng tới thứ hạng cao hơn vào năm tới và cao hơn nữa là vào top 10.

                                                  

Khai trương điểm đăng ký tên miền quốc gia “.vn” tại Hải Phòng

         Cùng với đó, Hải Phòng cũng cần có những mô hình có thể tạo nên chuyển biến vượt bậc về chuyển đổi số. Như Đà Nẵng là một trong số ít địa phương đã triển khai nhiều nền tảng số để phục vụ quản lý Nhà nước, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ninh Bình có mô hình chuyển đổi số cấp xã; Lạng Sơn giữ vị trí thứ nhất về chỉ số nhân lực số với những sáng kiến nổi bật; Bắc Giang ứng dụng phần mềm quản lý và truy vết COVID-19 cho doanh nghiệp; Bà Rịa- Vũng Tàu ứng dụng công nghệ số, triển khai tổng đài AI tư vấn và hỗ trợ chăm sóc F0 tại nhà; Thừa Thiên- Huế có nền tảng Hue-S cung cấp hệ sinh thái dịch vụ số cho người dân…

        Chuyển đổi số, Hải Phòng đã làm được nhiều việc nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đây là công cuộc lâu dài, với rất nhiều khó khăn, trở ngại nhưng không thể chùn bước mà cần tiếp tục vững bước tiến lên với tư duy mới, cách làm mới. Những kết quả đã đạt được cùng với khí thế chuyển đổi số đang bùng lên mạnh mẽ, chắc chắn Hải Phòng sẽ tiếp tục bứt phá, vươn lên, thực hiện bằng được các mục tiêu về chuyển đổi số đã đặt ra./.

                                                                                                                                                                Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông