09:53 23/07/2019 Theo số liệu thống kê, 6 tháng đầu năm tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố đạt 7.075,2 triệu USD, tăng tới 80,95% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng kỷ lục này đang khẳng định rõ nét lợi thế của Hải Phòng cũng như cả nước, trước biến động của thị trường thế giới.
Hàng hóa xuất khẩu của Hải Phòng còn lệ thuộc nhiều vào sản xuất gia công.
Lợi thế cạnh tranh
Trên thực tế, việc tăng trưởng xuất khẩu đã được dự báo khi tranh chấp thương mại Mỹ - Trung bùng nổ vào năm 2018, do đặc thù hàng hóa tương đồng, cộng với vị thế chiến lược, Việt Nam trở thành một trong những nguồn cung thay thế đối với cả Mỹ và Trung Quốc.
Một thông báo mới đây nhất cũng cho thấy, lần đầu tiên khu vực ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, vị trí mà trong thời gian dài trước đó thuộc về Mỹ.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc bắt đầu từ tháng 3-2018, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một Bản ghi nhớ áp đặt mức thuế mới đối với nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Từ đó đến nay, dù đã có một số cuộc đàm phán nhằm tìm ra tiếng nói chung, nhưng gần như không đem đến kết quả tích cực.
Việt Nam là nước đang phát triển, có quan hệ song phương quy mô lớn với cả Mỹ và Trung Quốc. Chính vì vậy, cuộc đối đầu thương mại Mỹ - Trung nhận được sự quan tâm lớn từ Việt Nam, bao gồm cả các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu.
Có quan điểm lạc quan cho rằng, Mỹ đang là thị trường hấp dẫn, nên khi xảy ra tranh chấp thương mại giữa với Trung Quốc, sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tăng cường tiếp cận thị trường này. Bên cạnh đó, xu hướng dịch chuyển đơn hàng xuất nhập khẩu sẽ diễn ra mạnh mẽ, trong điều kiện đó Việt Nam cũng có thể trở thành điểm đến của nhiều luồng sản phẩm trung chuyển, để tránh mức thuế cao mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Nghĩa là các doanh nghiệp có sản phẩm tương đồng với hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, sẽ chiếm giữ khoảng trống trong thị phần nước Mỹ do tranh chấp thương mại gây ra.
Đương nhiên, Hải Phòng là địa phương sở hữu cửa ngõ giao thương hàng hải lớn nhất miền Bắc, qua hệ thống dịch vụ cảng biển và các phân ngành kinh tế liên quan, đồng thời cũng thuộc nhóm đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, nên trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Hải Phòng sẽ là một trong những địa phương hưởng lợi lớn nhất.
Bởi trước hết, như đã nói ở trên, Hải Phòng có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa lớn, trong đó có nhiều nhóm sản phẩm tương đồng với hàng hóa của Trung Quốc xuất vào Mỹ; thứ hai Hải Phòng đang nổi lên là một địa phương thu hút vốn FDI hấp dẫn, nếu kịch bản làn sóng đầu tư FDI rút khỏi Trung Quốc, sẽ tạo nhiều cơ hội cho Hải Phong nói riêng và Việt Nam nói chung; thứ ba trong trường hợp hàng hóa Trung Quốc chuyển hướng qua Việt Nam, Hải Phòng với vị thế cửa ngõ ngoại thương, sẽ đón nhận tích cực.
Nhận diện cơ hội thị trường
Trước cơ hội trên, ngay từ thời điểm xây dựng các chỉ tiêu chiến lược cho năm 2019, thành phố đã đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa là 10.075 triệu USD. Như vậy, tính đến hết tháng 6, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn thành phố đã đạt 7.075,2 triệu USD, chiếm 70,22% kế hoạch, cho thấy tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn, bởi theo thông lệ, càng về cuối năm hoạt động xuất khẩu sẽ càng sôi động.
Nhìn từ góc độ tăng trưởng tổng thể, thì xuất khẩu tăng càng cao sẽ thể hiện tính hiệu quả càng lớn của kinh tế nội địa. Tuy nhiên, một điều đáng bàn là hiện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn chiếm tỷ lệ chủ yếu trong kim ngạch xuất khẩu, trong khi sản xuất trong khu vực này vẫn nặng về gia công, có giá trị gia tăng thấp.
Cụ thể, trong nhiều năm qua xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI luôn chiếm tỷ trọng trên 70%, mặt khác so sánh giữa hai chiều thì cán cân thương mại đối ngoại vẫn không mấy tích cực, bởi kim ngạch xuất khẩu tăng thì nhập khẩu cũng tăng, do đặc thù sản xuất gia công. Thực tế cũng tính trong tổng thể nền kinh tế, một nguồn ngoại tệ khiêm tốn có được từ xuất khẩu hàng hóa thuần túy nội địa, đang phải “bù” cho sự chênh lệch kể trên.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là hoạt động của khu vực FDI kém hiệu quả, mà tính tích cực của khu vực này trước hết phải nói đến yếu tố giải quyết việc làm và thu nhập xã hội, cùng nhiều khoản đóng góp ngân sách khác. Hơn nữa, nhìn trên bình diện thị trường, một phần lý do dẫn đến kim ngạch nhập khẩu gia tăng vì phải phục vụ nhu cầu trong nước.
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, ngoài đa số các nhóm hàng nhập khẩu số lượng lớn để phục vụ sản xuất, chủ yếu là phụ liệu giày dép-may mặc, linh kiện điện tử… còn nhiều hàng hóa phục vụ nội địa như xăng dầu, sắt thép, thức ăn gia súc, bán thành phẩm cơ khí, bán thành phẩm hàng gia dụng, hóa mỹ phẩm… và hàng hoá khác.
Điều này cho thấy, sản xuất trong nước còn yếu về sự chủ động, mà không ít thành phẩm “made in Việt Nam” chỉ là hoàn thiện công đoạn cuối của nước ngoài. Chưa kể hàng hóa nguồn gốc nước ngoài vẫn nhan nhản, nhất là của Trung Quốc, được cho là xâm nhập theo đường tiểu ngạch, gây rất nhiều khó khăn trong quản lý ngoại tệ.
Bên cạnh đó, theo thông lệ thì thị trường cuối năm bao giờ cũng sôi động, đặc biệt là các hoạt động xuất nhập khẩu, ngoài yếu tố mùa vụ, nền sản xuất, thương mại và dịch vụ nội địa còn bị tác động bởi các yếu tố tập quán truyền thống. Xuất nhập khẩu tăng, nếu việc kiểm soát không tốt sẽ tạo ra những hiệu ứng phụ, nhất là trong thanh khoản và quản lý thị trường ngoại tệ.
Mặc dù vậy, việc nhận diện tác động tiêu cực để nhằm đề xuất các giải pháp ứng phó, còn tính chung thì rõ ràng xuất khẩu càng tăng, lợi ích càng tăng. Trở lại với tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, trong trường hợp hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục đối đầu, nếu nhịp độ tăng trưởng như mức 6 tháng đầu năm được duy trì, rất có thể năm 2019 Hải Phòng sẽ đạt kỷ lục cao nhất từ trước đến nay về kim ngạch xuất khẩu.
Đồng thời, nếu tận dụng tốt thì đây chính là cơ hội cạnh tranh tích cực, vì hàng nhập khẩu phải chịu thách thức của giá cả, hiệu ứng của nó sẽ thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm sản xuất trong nước, thêm nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nội chiếm lĩnh thị phần.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất nội cũng cần đề cao trách nhiệm, không nên vì chụp giật để tái diễn cảnh “vàng thau lẫn lộn”, không chỉ gây tổn hại cho người tiêu dùng mà đôi khi tự triệt tiêu mình. Nhất là thời điểm hiện tại tới cuối năm không còn nhiều thời gian.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão