10:47 28/02/2023 Những ngày qua, hàng loạt hệ thống các Ngân hàng thông báo chương trình giảm lãi suất cho vay, đây là tín hiệu vui cho nền kinh tế nói chung và thị trường hàng hóa nói riêng, đồng thời cũng phản ánh những kết quả tích cực trong việc kiểm soát lạm phát của Việt Nam thời gian qua.
Cụ thể, Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) thông báo lãi suất cho vay bất động sản có thể được điều chỉnh giảm tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng, nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường trong từng thời kỳ.
Động thái này của Agribank diễn ra ngay thềm Hội nghị bàn cách tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS diễn ra sáng 17/2 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Cùng thời điểm, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng công bố dành gói tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới phát triển hoạt động kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2023.
Trong khi đó, một số ngân hàng TMCP cũng đã có những chương trình hỗ trợ lãi suất như: Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank),...
Tại MB, Ngân hàng này vừa triển khai chương trình giảm lãi suất vay cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng tính từ ngày 10/2/2023. Khách hàng có thể thực hiện đăng ký vay vốn bằng tính năng giải ngân online ngay trên nền tảng Biz MBBank để được hưởng lãi suất ưu đãi giảm đến 1%/năm. Khách hàng doanh nghiệp cần hoàn thành ký kết hợp đồng tín dụng và các thủ tục thế chấp tài sản đảm bảo với MB.
Trong khi đó, Techcombank cũng vừa tung ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với ưu đãi lãi suất 2% dành cho doanh nghiệp sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu.
Còn tại Sacombank, khách hàng cá nhân vay vốn với mục đích sản xuất kinh doanh ngắn hạn (bao gồm cả sản xuất nông nghiệp) hoặc tiêu dùng phục vụ đời sống, được áp dụng mức lãi suất tối thiểu từ 8,99%/năm.
Đồng thời, Sacombank áp dụng mức lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn để thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu hoặc khách hàng doanh nghiệp đạt hạng siêu VIP.
Theo các nhà phân tích, hoạt động Ngân hàng có ảnh hưởng rất quan trọng đối với nền kinh tế, việc điều chỉnh lãi suất sẽ ngay lập tức tác động đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và cả tiêu dùng.
(Ảnh minh họa)Nhìn từ góc độ khác, lãi suất Ngân hàng chính là công cụ mang ý nghĩa vĩ mô để kiểm soát lạm phát. Chẳng hạn việc lãi suất huy động tiền gửi tăng cao sẽ tỷ lệ thuận với việc hạn chế nguồn tiền lưu thông trong xã hội, tuy nhiên mặt trái của nó cũng phát sinh những hạn chế về mua sắm, làm giảm việc tiêu thụ sản phẩm và đầu tư cộng đồng.
Ở chiều ngược lại, việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp tăng nguồn vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp có vốn hoạt động, mà còn giúp những người dân gặp hoàn cảnh khó khăn có thêm cơ hội mua sắm hàng hóa.
Trong đó, thước đo của hoạt động này chính là khoảng cách giữa tỷ lệ lãi suất huy động và tỷ lệ lãi suất cho vay, nếu khoảng cách càng ngắn thì càng mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, nhưng cũng sẽ mang đến những tổn thất cho hoạt động Ngân hàng.
Chính vì vậy, nhìn lại đợt giảm lãi suất cho vay vừa được công bố như đã nêu trên, hầu hết diễn ra tại các Ngân hàng có vốn Nhà nước, thể hiện cơ chế vận hành vĩ mô trong kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng của xã hội.
Đối với Hải Phòng, báo cáo cho thấy ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hải Phòng điều hành công tác tín dụng nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phá.
Theo đó chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ và lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…
Nhờ những động thái tích cực này, chỉ tính trong tháng đầu năm 2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn thành phố đã đạt khoảng 287.573 tỷ đồng, tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ cho vay đạt khoảng 182.398 tỷ đồng, tăng 18,69%, trong đó cho vay trung, dài hạn khoảng 86.260 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47,04% được xem là rất tích cực.
Cũng theo các nhà chuyên môn, mặc dù trong tháng 1 vừa qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn Hải Phòng tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng điều đó không phản ánh hết thực chất, bởi tháng 1 chịu chi phối nhiều của áp lực tiêu dùng tết Nguyên đán.
Chính vì vậy, với những động thái của hệ thống các ngân hàng vừa đưa ra, nếu việc tiếp cận nguồn vốn được cải thiện thì thời gian tới, hoạt động kinh tế, trong đó có thị trường sẽ cởi mở hơn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng và đẩy lùi lạm phát.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão