Thêm giải pháp nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh

09:31 12/09/2018

Tại hội thảo “Phân tích Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của thành phố Hải Phòng” do UBND TP tổ chức nhằm mục tiêu: phấn đấu năm 2018 nâng Chỉ số PCI của thành phố Hải Phòng đứng thứ 3-5/63 tỉnh, thành phố. Báo An ninh Hải Phòng đã có cuộc trao đổi với Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Giám đốc dự án PCI Đậu Anh Tuấn xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông, qua theo dõi các chỉ số thành phần của Hải Phòng trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI giai đoạn vừa qua, ông có khuyến nghị gì với thành phố Hải Phòng để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh?

Ông Đậu Anh Tuấn: Qua quan sát chỉ số PCI của Hải Phòng năm 2017, tôi thấy Hải Phòng có những thay đổi rất tích cực. Tuy nhiên việc Hải Phòng được 65/100 điểm, khoảng không gian vẫn còn đến 35 điểm, rõ ràng Hải Phòng có thể có vị thế tốt hơn nữa.

Qua quan sát chỉ số thành phần thì Hải Phòng đang mạnh về nhóm chỉ số đào tạo lao động, đứng thứ nhất cả nước. Hải Phòng cùng với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là những thành phố thường có chỉ số cao về nhóm này.

Tuy nhiên Hải Phòng hiện đứng ở nhóm trung bình của cả nước về chỉ số chi phí thời gian, chi phí không chính thức…. Tôi nghĩ Hải Phòng cần phải cải thiện điều này mạnh hơn nữa.

Qua dữ liệu trong PCI tôi thấy các doanh nghiệp đánh giá Hải Phòng có một số nét rất tích cực như đối thoại, gặp mặt doanh nghiệp. Những doanh nghiệp có khó khăn được lắng nghe để giải quyết tỷ lệ hài lòng cao, lên tới 80%. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho thấy những hoạt động gặp mặt doanh nghiệp của UBND TP, các sở ngành và đối thoại doanh nghiệp đang được phản hồi tích cực. Tuy nhiên các DN còn phản ánh việc thanh, kiểm tra còn trùng lặp cao. Chúng tôi cho rằng đây là lĩnh vực cũng cần được cải thiện…

Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn

Phóng viên: Thưa ông, trong 9 nhóm vấn đề phân tích chỉ số thành phần PCI của Hải Phòng, VCCI có đề cập đến vấn đề các thủ tục hành chính sau cấp phép đăng ký kinh doanh doanh nghiệp còn gặp những khó khăn. Cụ thể đó là những khó khăn gì và ông có những lời khuyên gì đối với thành phố?

Ông Đậu Anh Tuấn: Thủ tục gia nhập thị trường của Hải Phòng đang ở mức cao nếu xếp hạng trong cả nước. Ở gần nhóm 20 tỉnh thành phố có thời gian đăng ký doanh nghiệp nhanh. So với bức tranh chung của cả nước thì đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư của Hải Phòng có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên gốc rễ ở thủ tục hậu đăng ký. Các thủ tục xin giấy phép ở một số sở ngành có liên quan cũng như các thủ tục giấy tờ đi lại nhiều lần sau khi đăng ký kinh doanh… đây là nhóm cần tập trung cải thiện trong thời gian tới.

Điều tra PCI có thể thấy doanh nghiệp bước vào thị trường có thể không quá khó khăn nhưng sau khi đăng ký rồi thì họ phải giải quyết rất nhiều thủ tục tại các sở ban ngành. Phải đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra, phải xin phép nhiều nơi… thành phố cần làm sao để thủ tục ở đây cũng đơn giản như khi họ bước vào thị trường. Cần có sự chuyển động trong tất cả các sở ngành liên quan. Đồng thời có sự tăng cường phối hợp giữa các sở ngành, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thủ tục hành chính, như vậy sẽ tạo thuận lợi và đảm bảo được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp thành phố.

Phóng viên: Theo ông thành phố cần có giải pháp gì cho DN nhỏ và vừa, DN tư nhân?

Ông Đậu Anh Tuấn: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân của Hải Phòng cũng như của cả nước đều có những đặc trưng là năng lực quản lý còn nhiều bất cập; đặc biệt họ vừa thiếu kinh nghiệm, kiến thức, trình độ, vừa thiếu bản lĩnh kinh doanh trong cơ chế thị trường.  

Khi trình độ chưa tốt họ ứng xử trước những thay đổi còn hạn chế. Họ thường loay hoay tìm kiếm thông tin, vất vả trong việc tuân thủ những quy định của pháp luật cũng như đối phó với những rủi ro từ hệ thống hành chính lớn hơn so với doanh nghiệp có quy mô lớn. Do đó họ dễ dàng thỏa hiệp hơn với sự nhũng nhiễu, đây chính là một ràng buộc khiến họ “khó lớn”…

Chính vì vậy tôi cho rằng doanh nghiệp nhỏ cần có những tiếp cận thích hợp. Chẳng hạn cơ quan thuế, đất đai cần có những hỗ trợ tích cực hơn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng am hiểu để tuân thủ pháp luật như những doanh nghiệp lớn. Họ phải có những thiết chế hỗ trợ như cung cấp thông tin, kết nối kinh doanh hay các hoạt động khác cần sự hỗ trợ của chính quyền nhiều hơn so với doanh nghiệp khác. Về lâu dài, các địa phương cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không chỉ là doanh nghiệp FDI. Cần cân bằng giữa 2 nhóm này thì mới có được môi trường kinh doanh bình đẳng với sự hài hòa nhiều mặt.

Bùi Hạnh thực hiện

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích