Theo bước chân đoàn quân giải phòng

05:11 28/11/2015

 

Đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn
Đoàn quân giải phóng tiến về Sài Gòn

Năm 1975, Đoàn kịch nói Hải Phòng là một trong những đoàn nghệ thuật có uy tín ở miền Bắc vinh dự là đoàn kịch đầu tiên được Ủy ban thống nhất trung ương và Bộ Văn hóa điều vào phục vụ chiến sỹ, đồng bào Huế, Quảng Nam Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Ai cũng háo hức chờ ngày lên đường. Ngoài việc lo chuẩn bị chu đáo những chương trình biểu diễn có chất lượng, mọi người đếm đốt ngón tay, mong mau chóng đến giờ xuất phát.

Hàng ngày, trên đường tới nhà hát để tập luyện, ai cũng muốn đi qua quảng trường nhà hát thành phố để được tận mắt nhìn lên tấm bản đồ cỡ lớn đặt giữa vườn hoa. Tấm bản đồ với những mũi tên màu đỏ, thể hiện từng bước tiến quân của ta trên toàn mặt trận, lúc nào cũng đông nghẹt người đứng quan sát, bình luận và mong mỏi... Nỗi mong nhớ của người ở hậu phương với những người lính ngoài mặt trận như càng thêm khắc khoải...

 26-1-1975... chiến thắng Phước Long mở đầu cho hàng loạt tin vui từ mặt trận phía nam. Những ngày cuối tháng 3, địch tháo chạy khỏi kinh đô Huế và Đà Nẵng, thành phố kết nghĩa với Hải Phòng... Tin thắng trận trên từng mặt trận được cập nhật kịp thời. Chiến thắng từ Tây Nguyên và đồng bằng ven biển khu 5 liên tiếp dội về. Nghe đâu đây trong không gian sắp vang lên nhịp kèn chiến thắng... Ai cũng hồi hộp và phấn khích đợi lệnh lên đường.

Quân trang quân dụng đã được cấp phát cho từng người. Chúng tôi được trang bị như một người lính! Mũ tai bèo, ba lô con cóc, cả bộ quân phục màu xanh ô liu và rất nhiều thức ăn khô... Phụ nữ còn được ưu ái may mỗi người một bộ áo dài màu trắng tinh khôi bằng lụa Hà Đông.

11h30 ngày 30-4-1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn sụp đổ hoàn toàn. Cả nước vỡ òa trong niềm vui chiến thắng... Vang khắp cả nước bài “Tiến về Sài Gòn” qua giọng hát hoành tráng của nghệ sỹ Quang Hưng, người đầu tiên được vinh dự thể hiện bài ca mang tính dự báo này.

Đoàn kịch Hải Phòng hồi hộp đợi giờ xuất phát...

14-5-1975, chỉ nửa tháng sau ngày Sài Gòn giải phóng, chúng tôi ba lô trên vai, trống dong cờ mở lên đường, lòng tràn đầy phấn khích và tự hào được đứng trong đội ngũ những người chiến sỹ - nghệ sỹ miền Bắc đầu tiên đặt chân đến đất Phương Nam.

...Cầu Hiền Lương... Cửa Tùng... sông Bến Hải... - những cái tên gắn liền với nỗi đau 20 năm đất nước bị chia cắt đã ở ngay trước mặt. Năm 1969, trên đường công tác biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân tuyến lửa, chúng tôi đã có dịp dừng chân ở đây. Lúc đó, chỉ có thể đứng bên bờ Bắc đau đáu nhìn sang phía bờ Nam qua dòng sông Bến Hải lờ lững chảy mà trong lòng mỗi người nhói đau một câu hỏi chưa có lời giải đáp: đến bao giờ đây sẽ không còn là dòng sông chia cắt?

Những đoàn xe hối hả đi vào và ngược chiều là những đoàn xe hối hả trở lại hậu phương sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ. Gương mặt mọi người, ai cũng hồ hởi, rạng rỡ nụ cười tự hào của những người góp phần làm nên chiến thắng...

Đoàn xe của chúng tôi bắt đầu lăn bánh trên đất Đông Hà. Một người nào đó ngẫu hứng bắt nhịp bài “Tiến về Sài Gòn”, tất cả mọi người cùng hào hứng hát theo... Trời đã về chiều, hai bên đường, những vạt lúa chưa kịp thu hoạch khoe màu vàng óng. Những người dân vùng mới giải phóng, nhất là các em nhỏ, hân hoan vẫy chào khi đoàn xe cắm cờ Tổ quốc của chúng tôi chạy qua.

Đêm nay, chúng tôi sẽ ngủ lại Đông Hà. Hai chị nuôi đi theo đoàn từ Hải Phòng nhanh chóng làm xong bữa tối với thịt hộp và bí đỏ đem theo từ nhà. Lúc này sức khỏe của mỗi thành viên trong đoàn rất quan trọng. Chúng tôi sắp bước vào một "trận đánh lớn" trong thời bình với nhiệm vụ đem ánh sáng của nền nghệ thuật cách mạng phục vụ đồng bào vùng mới giải phóng.

Sau bữa cơm, mọi người được yêu cầu đi ngủ sớm để sớm ngày mai lên đường tiến về Đà Nẵng, thành phố kết nghĩa với Hải Phòng...

Xe qua đèo Hải Vân.. .Qua từng khúc lượn, chúng tôi ồ lên khi được chiêm ngưỡng nước non núi sông hùng vĩ. Rợn ngợp rực rỡ một màu xanh tuyệt mỹ. Đã đi qua đèo Ngang nhiều lần nhưng khi đến đây tôi thực sự bị choáng ngợp... Dọc đường đi trên đèo, ngổn ngang đồ đạc quần áo của những ai vứt lại khi tháo chạy... Qua đèo Hải Vân tự lúc nào với cơ man những cua tay áo nguy hiểm... thành phố Đà Nẵng bên sông Hàn đã ở ngay trước mặt.

Một cảm giác không gọi thành tên tràn trong lồng ngực mỗi người. Như niềm tự hào của những người chiến thắng - Như nỗi nghẹn ngào được gặp mặt người thân sau bao năm cách trở. Và trên tất cả là niềm vui không thể nào tả nổi khi từ nay đất nước vĩnh viễn sạch bóng quân thù. Sẽ không còn bom đạn, không còn B52, không còn hầm trú ẩn, không còn chết chóc và thù hận...

Tròn một tháng phục vụ đồng bào và chiến sỹ thành phố Đà Nẵng kết nghĩa với những vở diễn đã được chuẩn bị kỹ càng: CỬA MỞ HÉ, NHẬT KÝ NGƯỜI MẸ, ĐƯỜNG PHỐ DẬY LỬA, ĐÂU CÓ GIẶC LÀ TA CỨ ĐI, chúng tôi tiếp tục hành quân vào thành phố mang tên Bác, miền đất có sức quyến rũ kỳ lạ và đang cất giấu nhiều bí ẩn cần khám phá...

   Ngọc Hiền


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông