Thị trường – Hàng hóa: Vui buồn tác động kép

17:28 05/09/2017

Có lẽ đã lâu rồi, thị trường thành phố mới có được không khí nhộn nhịp như những ngày nghỉ tết Độc lập 2-9 vừa qua, tính trên tổng thể các phân khúc hàng hóa tiêu dùng.

     Không khí mua sắm tại siêu thị

     Ngày hội mua sắm…

          Quốc khánh 2-9 năm nay rơi đúng vào thứ Bảy, ngày nghỉ bù được tính vào thứ Hai (4-9), vậy nên lực lượng lao động hành chính có tới 3 ngày nghỉ liên tục, điều này đã cung cấp cho thị trường một số lượng người tiêu dùng rất lớn. Cùng với đó, 3 ngày nghỉ cũng đồng thời là cao trào của dịp cúng lễ Vu Lan và xá tội vong nhân, nhu cầu mua sắm tăng cao. Chưa hết, thời tiết rất đẹp cũng là yếu tố quan trọng tạo thuận lợi lưu thông cho cả người và hàng hóa.

          Ông Bùi Đức C. ở 215 Lạch Tray cho biết, lịch “sử dụng” 3 ngày nghỉ đã được gia đình ông lập trước hàng tuần. Cụ thể ngày 2-9 cả nhà về quê nội cúng rằm tháng Bảy, nhân thể ông C. cũng có buổi họp lớp đồng môn của trường PTTH An Lão; Chủ nhật cả nhà ông C. đi dạo một vòng các điểm vui chơi của thành phố để lấy tinh thần cho hai đứa con nhỏ chuẩn bị bước vào năm học mới; thứ Hai gia đình ông C. mua đồ cúng rằm tại nhà riêng, cũng nhân thể rủ thêm mấy bạn đồng nghiệp về chén thù chén tạc… “Tôi tính sơ sơ vụ này tôi chi hết nửa tháng lương, nhưng mấy khi…”, ông C. tâm sự.

          Có thể thấy, nhờ những tác động nêu trên mà thị trường thành phố được phen sôi động, sức tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh, nên những ngày qua đã xuất hiện tình trạng khan hàng và tăng giá đáng kể. Tuy nhiên tình trạng trên chủ yếu xảy ra ở khu vực chợ truyền thống, còn các siêu thị vẫn khá ổn định nhờ thiết lập được hệ thống phân phối quản lý chặt từ nguồn cung đến giá cả.

          Chính vì vậy, giá bán các mặt hàng thiết yếu, nhất là thực phẩm kể cả tươi sống lẫn chế biến công nghệ ở chợ truyền thống và các siêu thị khá tương đồng, thậm chí một số mặt hàng trong siêu thị được bán rẻ hơn nhờ khuyến mại.

   Hàng khuyến mại điện máy kéo ra tận sảnh     

  Rộn ràng không khí khuyến mại

          Theo thông lệ hàng năm, văn hóa tháng Ngâu là lực cản cho việc mua sắm, vì vậy dịp nghỉ Quốc khánh 2-9 và cúng rằm tháng Bảy âm lịch là cơ hội lớn cho các nhà kinh doanh. Chớp thời cơ, rất nhiều điểm kinh doanh mở chương trình khuyến mại, quảng bá sản phẩm rầm rộ, góp phần làm thị trường thêm sôi động.

           Trên đường Lạch Tray, chỉ với vài trăm mét kéo dài từ ngã tư Thành Đội đến ngã tư Quan Mau, đã có tới trăm điểm bán thiết bị điện tử di động có hoạt động khuyến mại. Một số trung tâm chuyên dụng lớn còn mở các chương trình tưng bừng hút khách, có nhiều loại máy tính, điện thoại giảm giá nhắm tới các đối tượng học sinh, sinh viên.

          Còn trên đường Nguyễn Đức Cảnh, nơi tập trung nhiều cửa hàng giày dép, quần áo, không khí tập nập rất rõ nét. Chị Nguyễn Kim L.- một khách hàng chia sẻ: “Có mấy cửa hàng bán xả hàng mùa hè, em chọn mua cho cả nhà, mình ít tiền chỉ chờ cơ hội này thôi…”. Chị L. khoe mấy sản phẩm mới chọn được, như áo sơ-mi ngắn tay niêm yết 369.000 đồng nhưng giảm chỉ còn 120.000 đồng/chiếc, quần Jean 350.000 đồng giảm còn 190.000 đồng/chiếc, giày da 550.000 đồng cũng chỉ được bán 350.000 đồng/đôi…

          Nhưng khuyến mại được quảng bá bài bản và áp dụng trên nhiều sản phẩm nhất có lẽ chính là các trung tâm thương mại. Tại siêu thị BigC có các chương trình “thanh tịnh mùa Vu Lan” và “tự hào sản phẩm Việt”; tại Co-opMart có các chương trình “20 năm tự hào hàng Việt” và “nông sản Việt, giá tốt mỗi ngày”; siêu thị MM Mega Market có chương trình “khuyến mãi lớn, nhận quà hay”.

         Trong khi đó tại các trung tâm điện máy như MediaMart, Pico, Hùng Anh, HC… nhiều sản phẩm khuyến mại được trưng ra tận sảnh. Mặc dù vậy, hầu hết các chương trình khuyến mại ở các trung tâm này đều theo mô-típ cũ là giảm giá, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng, tích lũy điểm thẻ thành viên… nên cũng không tạo ra nhiều khác lạ.

      Hàng khuyến mại cho sinh viên tràn ngập các trung tâm điện máy   

Sóng đã tạm lắng?

          Tính chung dịp nghỉ Quốc khánh và lễ Vu Lan những ngày qua, chưa có số liệu thống kê nhưng chắc chắn doanh thu thương mại trên địa bàn thành phố tăng vọt so với tuần trước đó. Hơn nữa, nhiều nhóm hàng hóa, nhất là thực phẩm nhân cơ hội này cũng tăng giá đáng kể, ngoại trừ thịt lợn.

         Tạo dấu ấn tăng mạnh nhất là các mặt hàng thủy sản, với mức tăng bình quân 20%, những đặc sản bán chạy như cua biển tăng từ 220.000 đồng lên 270.000 đồng/kg, mực tươi đông lạnh từ 110.000 đồng lên 160.000 đồng/kg, ngao 30.000 đồng lên 40.000 đồng/kg…

         Nhưng theo đánh giá của ông Lê Hùng A. – một tiểu thương có nhiều năm lăn lộn trên thương trường, thì không khí tưng bừng cũng chỉ được như vậy. Vì hàng hóa được mua sắm nhiều những ngày qua ngoài thực phẩm, phần còn lại chủ yếu tập trung vào các đồ gia dụng nội trợ, quần áo, giày dép… có giá trị thấp.

         Trong khi tháng Ngâu còn tiếp tục, những sản phẩm đắt tiền chưa có dấu hiệu được cải thiện. Nhưng điều quan trọng nhất, là năm học mới đã bắt đầu, một bộ phận lớn người dân phải để dành tiền lo các khoản đóng góp đầu năm, nên cơn sóng mua sắm sau đợt này chắc chắn sẽ lắng xuống.

          Cũng theo ông A. thị trường sẽ khởi động trở lại vào đầu tháng 8 âm lịch, chuẩn bị cho tết Trung thu, đồng thời cũng bắt đầu mùa cưới và kéo dài đến tết Nguyên đán. Đây cũng là điểm rơi quan trọng nhất theo thông lệ hàng năm.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông