Thị trường cuối năm: Tập trung kiểm soát chống hàng hóa ngoài luồng

15:00 15/11/2021

Còn gần tháng nữa là đến tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhưng theo thông lệ, thị trường hàng hóa liên quan đến dịp tết luôn khởi động trước vài tháng. Năm nay do tác động của dịch bệnh Covid-19 nên hoạt động thị trường chưa thực sự rõ nét và nhộn nhịp, nhưng người tiêu dùng lại có cớ để lo với điệp khúc hàng lậu, hàng gỉ, hàng nhái, hàng kém chất lượng… (gọi tắt là hàng hóa ngoài luồng).

Các bao hàng quần áo không rõ nguồn gốc bị lực lượng chức năng phát hiện thu giữ

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) thành phố, Hải Phòng là thành phố cảng biển, lợi dụng một số cơ chế mở, nguy cơ xảy ra những hoạt động vận chuyển các loại hàng hóa ngoài luồng, đặc biệt là những loại sản xuất ở nước ngoài luôn ở mức cao.

Việc sản xuất kinh doanh dạng này diễn biến phức tạp, xuất hiện rất nhiều chủng loại, ngày càng tinh vi, không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, mà còn qua mặt cả các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của các cơ quan chuyên ngành, những năm gần đây mặt bằng chung về kinh tế của thành phố có nhiều khởi sắc, nguồn cung nội địa dồi dào, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường, nên việc buôn bán vận chuyển hóa ngoài luồng có xu hướng giảm so với trước.

Đặc biệt trong hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động kiểm soát biên giới của Việt Nam cũng như các quốc gia khác đều được tăng cường, cùng với đó thị trường trong nước cũng giảm bớt sự sôi động do phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, vì vậy cường độ hoạt động của các kênh hàng hóa ngoài luồng đã giảm mạnh.

Mặc dù vậy, tại Hội nghị sơ kết của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa qua, một vấn đề mới được lưu ý đó là tình trạng lợi dụng kinh doanh bằng hệ thống thương mại điện tử để buôn bán hàng hóa ngoài luồng.

Tại các tỉnh biên giới,  hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, các Ban Chỉ đạo 389 của bộ, ngành, địa phương đã tập trung lực lượng tuyến đầu vừa tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19, góp phần phát triển kinh tế, bình ổn thị trường, bảo đảm ANTT.

Số tinh bột sắn gồm hơn 1.000 bao có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc bị phát hiện trên địa bàn phường Quán Toan (Hồng Bàng)

Báo cáo cũng cho thấy, từ đầu năm đến nay sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng như công an, hải quan, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng ngày càng chặt chẽ, qua đó các vụ việc lớn đã được phát hiện và xử lý kịp thời.

 Nổi bật là phối hợp phát hiện, ngăn chặn các vụ việc có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại là mặt hàng trang thiết bị, vật tư y tế phòng chống dịch bệnh Covid-19, bên cạnh đó các kênh hàng hóa ngoài luồng khác vẫn lén lút được thực hiện trên diện rộng.

Các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 100.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 7.500 tỷ đồng, khởi tố 1.615 vụ việc với 2.148 đối tượng.

Tại Hải Phòng, nhiều vụ việc vi phạm thời gian qua đã được các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Có thể kể: Ngày 6-4-2021 Đội QLTT số 2 – Cục QLTT thành phố Hải Phòng phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Lê Chân tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh quần áo có địa chỉ số 21/50/29 đường Vòng Hồ Sen, phường Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng.

Đây là một trong những địa chỉ bán hàng qua mạng, tại thời điểm kiểm tra, chủ cửa hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa của gần 1.000 sản phẩm là quần áo, đồ gia dụng các loại do nước ngoài sản xuất, chưa qua sử dụng.

Tiếp đó, ngày 4-5-2021 Đội QLTT số 2 phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế Công an Quận Lê Chân tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm tại địa chỉ số 104 Chợ Con, phường Trại Cau (quận Lê Chân). Đoàn kiểm tra đã tiến hành tạm giữ gần 700 sản phẩm là mỹ phẩm các loại để xác minh làm rõ nguồn gốc xuất xứ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Ngày 15-5-2021, Đội Quản lý thị trường số 4  phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - CATP kiểm tra, phát hiện khoảng 1.057 bao tinh bột sắn có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc, xuất xứ tại Công ty Cổ phần H.G ở phường Quán Toan (Hồng Bàng)…

Cho thấy tình hình còn diễn biến không đơn giản, nhất là khi phần lớn các vụ vi phạm, bộc lộ ý thức và văn hóa kinh doanh yếu kém của một bộ phận không nhỏ thương nhân. Có thể các con số thống kê chưa phản ánh được thực tế, nhưng phần nào đã nói lên thực trạng đang diễn ra, mà càng về cuối năm tiềm ẩn càng cao.

Hơn nữa, khi mà trình độ vi phạm mỗi ngày được nâng cao, thì những giải pháp quản lý cũ dù có quyết liệt cũng khó bề xoay chuyển. Đáng chú ý, những sản phẩm bị làm giả, lảm nhái hay vi phạm về an toàn thực phẩm cũng thuộc nhóm những mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp cuối năm, thuộc diện thiết yếu đối với dịp tết truyền thống.

Những năm gần đây, diễn biến thị trường tết Nguyên đán luôn được Chính phủ và các địa phương quan tâm đặc biệt, trong đó có Hải Phòng. Dường như không năm nào Thủ tướng Chính phủ cũng có Công điện, chỉ đạo các địa phương quyết liệt với nhiệm vụ bình ổn giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng hóa ngoài luồng… đặc biệt là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, kiểm soát thị trường thực phẩm trên địa bàn thành phố Hải Phòng

Nhưng có một thực tế là hiện nay, hầu hết nhiệm vụ kiểm tra kiểm soát hàng hóa, bình ổn thị trườn hiện đều do một lực lượng chuyên trách rất mỏng, của các đơn vị như Công an, Hải quan, Quản lý thị trường, An toàn vệ sinh thực phẩm, Tiêu chuẩn đo lường… thực hiện. Lực lượng mỏng, địa bàn rộng, khu vực càng xa trung tâm thành phố càng khó quản lý, gánh nặng từ hàng hóa ngoài luồng đang đè trên vai lực lượng chuyên trách.

Theo thông lệ hàng năm, thị trường tết Nguyên đán luôn là thách thức lớn nhất đối với các nhà quản lý, trước vấn nạn hàng hóa ngoài luồng, bởi lẽ đây là thời điểm nhu cầu của người dân tăng cao nhất, tạo cơ hội để hàng hóa ngoài luồng có dịp trà trộn, tiêu thụ.

Kinh nghiệm từ những năm trước cho thấy, dù trong hoàn cảnh nào thì sức mua trong dịp tết luôn tăng từ 20 đến 30%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ tăng từ 15 đến 20% so với các thời điểm khác trong năm. Kể cả khi thị trường bị tác động bởi dịch bệnh, mà diễn biến của thị trường tết Nguyên đán Kỷ Sửu 2021 vừa qua là một minh chứng.

Theo một lãnh đạo ngành chuyên môn, để chống chọi với hàng hóa ngoài luồng, từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, có nhiều giải pháp cần triển khai thực hiện, nhưng việc chủ động chuẩn bị nguồn hàng có kiểm soát, chính là một trong những giải pháp hữu hiệu để đấu tranh với hàng hóa ngoài luồng.

Tuy nhiên, để phòng ngừa những sai phạm, cơ hội xấu trong dịp tết, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát thị trường, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, chống đầu cơ tăng giá, kiểm soát về vệ sinh an toàn thực phẩm… đồng thời theo sát diễn biến thị trường để báo cáo, đề xuất với thành phố có biện pháp xử lý kịp thời.

Về lý thuyết, quyết tâm đã được thể hiện. Nhưng thiết nghĩ, để có được một cái tết an toàn, lành mạnh, xua đi những khoảng tối xám do dịch bệnh Covid-19 đem đến, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ban ngành và các địa phương một cách thiết thực.

Bên cạnh đó, việc phòng chống hàng hóa ngoài luồng rất cần sự hợp tác của các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng. Vì nếu doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, còn người tiêu dùng vì tham rẻ nên dù biết vẫn tiêu thụ, thì cơ quan chức năng có nỗ lực đến đâu cũng khó có thể ngăn chặn hiệu quả vấn nạn này.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích