Thị trường đồ chơi trẻ em: Hàng ngoại vẫn chiếm ưu thế

18:53 15/03/2018

Dạo một vòng qua những tuyến phố như Nguyễn Đức Cảnh, Quang Trung, Tô Hiệu, Đà Nẵng, Trần Nguyên Hãn…, nơi có nhiều cửa hàng chuyên bán đồ chơi cho trẻ trên địa bàn thành phố, một điều chúng tôi dễ nhận thấy là những sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) vẫn chiếm ưu thế trên thị trường…

Chị Trần Thị Trang, nhân viên bán hàng trên đường Quang Trung cho biết: "Đồ chơi dành cho trẻ hiện nay không chỉ tiêu thụ mạnh trong dịp Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu mà sức mua rải quanh năm. Ngoài nguyên nhân mức sống ngày càng cao nên con trẻ càng được quan tâm, tạo điều kiện còn bởi đồ chơi trên thị trường hiện nay quá đa dạng và phong phú về chủng loại mà giá thành khá “mềm” nên các bậc phụ huynh không cần phải quá đắn đo khi quyết định mở hầu bao mua 1 sản phẩm cho trẻ.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện trên thị trường bày bán khá nhiều chủng loại đồ chơi. Hàng cao cấp được nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Úc, Hàn, Đức… có giá thành khá cao được bày bán tại các cửa hàng chuyên đồ xách tay và các trung tâm thương mại. Hàng bình dân chủ yếu có nguồn gốc từ Việt Nam và Trung Quốc chiếm tới 90% thị trường. Ở phân khúc giá rẻ, các bộ đồ chơi lắp ráp, mô hình xe, nhân vật hoạt hình quen thuộc có giá từ 50.000 - 300.000 đồng/sản phẩm. Chị Nguyễn Thị Mai – chủ cửa hàng chuyên bán đồ chơi ở chợ Cầu Tre - cho biết, hiện những món đồ chơi vừa giải trí, vừa phát triển tư duy thông minh của trẻ được tiêu thụ mạnh như xếp hình, ghép chữ, bộ đất nặn... với giá trung bình dao động từ 150.000 - 450.000 đồng.

Có một điều đáng chú ý là, những năm gần đây, do lo lắng các chất độc hại có trong đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ nên nhiều bậc phụ huynh có xu hướng ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam. Tuy nhiên, anh Bùi Tuấn Ngọc, ở Trần Nguyên Hãn, cho biết: Hàng Việt Nam sản xuất giá thành cao hơn nhưng an toàn cho con trẻ nhưng hàng Việt sản phẩm không đa dạng, chỉ xoay quanh một số mặt hàng truyền thống. Trong khi hàng Trung Quốc cực kỳ hấp dẫn về màu sắc, đa dạng về chủng loại, giá thành lại rất “mềm” nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng tìm mua.

Được biết, hiện nay ngoài những cửa hàng, trung tâm siêu thị bày bán những sản phẩm được kiểm định nguồn gốc thì hầu hết những cửa hàng bán lẻ, bán rong đồ chơi trẻ em đa phần vẫn bày bán những sản phẩm không đảm bảo chất lượng, xuất xứ không rõ ràng. Đặc điểm dễ nhận biết nhất của những mặt hàng này là không có nhãn mác, giá thành rẻ, thậm chí có những đồ chơi làm bằng nhựa chất lượng kém không bán theo sản phẩm mà bán theo kg (trọng lượng sản phẩm) được bán tại nhiều chợ cóc để đánh vào tâm lý ưa rẻ của người tiêu dùng. Ngoài ra, các loại đồ chơi bạo lực như: súng, gươm, giáo… vẫn còn bày bán tại những điểm tập trung đông người như gần trường học, công viên, khu vui chơi.

Chị Phạm Thị Nhã, một phụ huynh tại phường Vạn Mỹ lo ngại: Mặc dù báo đài đã thông tin rất nhiều lần về việc các sản phẩm đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu nhưng hiện nay vẫn bán tràn lan, công khai trên vỉa hè. Các cháu nhỏ thấy hình thức đẹp, bắt mắt là háo hức, còn phụ huynh thì thấy giá rẻ, hợp túi tiền nên mua cho con. Trong khi hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng của Mỹ, Nhật… được bán trong các trung tâm siêu thị lớn thì giá thành lại khá đắt cho mỗi sản phẩm nên không phải phụ huynh nào cũng mua được cho con.

Để có những món quà ý nghĩa cho con em và đảm bảo chất lượng cho trẻ phát triển kỹ năng, trí tuệ một cách toàn diện, các bậc phụ huynh khi chọn đồ chơi cho con cần lưu ý xem kỹ xuất xứ, thương hiệu của sản phẩm. Tuy nhiên, với tình trạng hiện nay, ngoài lời khuyên phải trở thành người tiêu dùng thông thái, có lẽ các bậc phụ huynh còn phải thêm tiêu chí “mạnh” hầu bao mới bảo đảm được tính an toàn trong sản phẩm...

Bùi Hạnh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông