Thị trường gas: Nhiều chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh

09:51 09/10/2018

Theo quy định pháp luật, gas là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bởi đây là sản phẩm thiết yếu và đòi hỏi tính an toàn cao. Song, thời gian qua thị trường kinh doanh gas vẫn tiếp diễn những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh, gây bất ổn không chỉ đối với các doanh nghiệp mà còn với cả người tiêu dùng. Phải chăng chế tài xử phạt trong lĩnh vực này còn chưa đủ mạnh để răn đe?

 

Tang vật vụ san chiết gas trái phép tại Hải Dương

Ông Nguyễn Văn Bình-Phó Trưởng Phòng gas dân dụng và thương mại, Công ty TNHH gas Petrolimex Hải Phòng cho biết: Để hoạt động trong lĩnh vực gas, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, đại lý phải tuân thủ nhiều điều kiện liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành.

Đơn cử  như Sở KH&ĐT cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh; bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn về PCCC; Sở Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; Sở Tài chính kiểm soát về giá bán và Sở LĐTB&XH chịu trách nhiệm kiểm tra về an toàn lao động tại các cơ sở kinh doanh, san chiết gas…

Tuy vậy, trong những năm qua, song song với những khó khăn của môi trường kinh doanh chung, thì thị trường kinh doanh gas vẫn tiếp tục bộc lộ những bất cập trong công tác quản lý. Đơn cử như chất lượng vỏ bình gas không đảm bảo, các thương hiệu có uy tín liên tục bị nhái nhãn mác, tráo đổi bình, nạn san chiết gas trái phép gia tăng cả về quy mô và số vụ.

Đáng lo là, ngày càng xuất hiện nhiều trạm nạp tư nhân với chi phí đầu tư cơ sở thấp, cộng thêm nguồn hàng không chính thống, không tuân thủ các quy định của pháp luật khi tham gia kinh doanh, dẫn đến giá bán gas trên thị trường luôn có chênh lệch cao so với các hãng gas kinh doanh có thương hiệu, uy tín.

Minh chứng là từ tháng 5 đến tháng 9-2018 vừa qua, trên địa bàn hai tỉnh là Hải Dương, Thái Bình liên tiếp xảy ra các vụ san chiết gas trái phép.

Cụ thể, tháng 5-2018, Công an Thái Bình bắt quả tang cơ sở của ông Vũ Đình Thi đang có hoạt động san chiết gas tại xã Quỳnh Giao, huyên Quỳnh Phụ. Ông Thi không xuất trình được bất cứ loại giấy tờ nào liên quan đến hoạt động kinh doanh gas, cơ sở cũng không đảm bảo an toàn về kỹ thuật và PCCN.

Tại hiện trường vụ san chiết gas trái phép, ô tô xe bồn đang bơm trực tiếp khí gas vào bồn chứa của cơ sở và cơ quan chức năng cũng thu được 556 bình gas mang thương hiệu của 16 hãng kinh doanh gas.

 Tiếp đến là vụ việc tại phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương trong những ngày cuối tháng 9-2018 vừa qua, trực tiếp Cục Cảnh sát môi trường đã bắt quả tang cơ sở của ông Phạm Văn Quyền đang hoạt động san chiết gas trái phép.

Để nguỵ trang cho hành vi vi phạm kể trên, chủ cơ sở đã dùng thủ đoạn khá tinh vi là chọn địa điểm bãi đất hoang vắng ngoài bờ sông, gắn camera để theo dõi, giám sát người ra vào và che lều bạt trông giống như một trang trại nuôi gà vịt. Ông Quyền cũng thừa nhận đã mua gas trôi nổi, không rõ nguồn gốc để về bơm vào các bình loại 12, 48kg rồi đem đi tiêu thụ.  

Vụ san chiết gas trái phép tại Hải Phòng

Cũng theo các chuyên gia trong lĩnh vực này thì việc sử dụng bình gas trôi nổi, không qua kiểm định hay tráo đổi bình gas của các hãng gas uy tín, đem lại khoản lời không nhỏ cho các cơ sở kinh doanh trái phép.

Theo quy định: “Thời hạn kiểm định chai chứa gas theo quy định của nhà sản xuất, nhưng chu kỳ không quá 5 năm so với lần kiểm định gần nhất. Đối với bình đã sử dụng trên 20 năm, thời hạn kiểm định định kỳ không quá 2 năm” và cũng theo tính toán thì chi phí kiểm định mỗi bình gas là 200.000 đồng/lần. Tuy vậy với những cơ sở san chiết gas trái phép thì cũng đồng nghĩa chiếm dụng các loại bình gas trái phép của các hãng khác, tất yếu là họ sống chết mặc… người tiêu dùng. 

Thêm nữa, các trạm san chiết gas trái phép thường rất thủ công, sơ sài, không tuân thủ các quy định về an toàn kỹ thuật cũng như PCCN, do vậy cũng không tốn kém quá nhiều chi phí. Hệ luỵ của việc đầu tư không bài bản, chiếm dụng bình của các hãng gas, nhập gas không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nên giá thành của mỗi bình gas từ những cơ sở chiết nạp chui luôn thấp hơn so với gas chính hãng từ 60-80.000 đồng/bình.

Số tiền chênh lệch nói trên không phải là nhỏ, nhưng nguy cơ mất an toàn cho chính cộng đồng dân cư xung quanh khu vực chiết nạp và người sử dụng là rất cao. Khí gas rò rỉ gặp nguồn nhiệt sẽ dẫn đến cháy nổbất cứ lúc nào.

Các doanh nghiệp kinh doanh gas có uy tín và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng luôn mong muốn sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Thuế… để môi trường kinh doanh gas thực sự lành mạnh.

Kim Oanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông