Thị trường hàng hóa Hải Phòng: Đảm bảo nguồn hàng, bình ổn giá

15:01 13/02/2020

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) gây ra, thành phố Hải Phòng đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ về việc bình ổn giá sau dịp Tết Nguyên Đán, đặc biệt là việc chuẩn bị các nguồn hàng, nhu yếu phẩm cần thiết cho công tác phòng chống dịch Covid-19.

 

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tại các siêu thị vẫn đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường

Giá cả các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn

Dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố có diễn biển phức tạp vào thời điểm sau dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tuy nhiên tình hình cung cầu hàng hóa các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên thị trường vẫn giữ ổn định, không có biến động lớn. Ghi nhận tại các chợ, giá cả các mặt hàng lương thực thực phấm như gạo, mì, miến, bánh đa... có xu hướng ổn định so với dịp Tết; giá các loại rau xanh như: su hào, bắp cải, súp lơ... cao hơn dịp Tết khoảng 5-l0%; giá các loại thực phẩm như: thịt, trứng, cá, tôm, cua không tăng.

Tại các chợ đầu mối rau quả, lượng rau củ quả trung bình một ngày khoảng 70 tấn. Các mặt hàng này được tiêu thụ trực tiếp trên địa bàn thành phố và bán sang các địa phương lân cận. Nhiều loại quả do không xuất được sang Trung Quốc như dưa hấu, thanh long đã được các thương lái mua lại với số lượng lớn.

Còn tại hệ thống các siêu thị như: Vinmart, Coopmart, MM Mega Market, Intimex Minh Khai, Big C, các đơn vị cũng đang tích cực chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo ghi nhận, tính đến ngày 11-2, nguồn cung các mặt hàng dồi dào, không có đột biến về giá cả; lượng hàng hóa thiết yếu tại các siêu thị tăng từ 30-40% so với thời điểm trước Tết, lượng khách hàng mua sắm tăng so với cùng kỳ từ 10-15%.

Cụ thể, tại siêu thị Big C, trung bình mỗi ngày siêu thị bán khoảng 400-500 thùng mỳ các loại; 200kg gạo; 300 thùng sữa; 50-100 chai các loại nước rửa tay, dung dịch vệ sinh…; cung cấp khoảng 450-480kg rau củ quả ra thị trường…

Còn tại siêu thị Coopmart, lượng hàng hóa tương đối dồi dào như mặt hàng mỳ tôm có khoảng 2000 thùng, khẩu trang có khoảng 500 hộp với giá bán ra thị trường 9.900 đồng/hộp 10 chiếc; tại siêu thị Intimex Minh Khai, lượng gạo cung ứng khoảng 70-100 kg/ngày, sữa 30-45 thùng/ngày; các loại rau củ quả cung cấp khoảng 50-70 kg/ ngày…

Kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng

Bên cạnh một số mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho người tiêu dùng, một số mặt hàng phục vụ y tế như: khẩu trang, dụng cụ khử trùng, khử khuẩn, các loại thuốc bổ, thuốc tăng sức đề kháng.... có sức mua tăng mạnh khi dịch bệnh bùng phát. Ghi nhận tại một số nhà thuốc, cửa hàng bán thiết bị y tế, giá của các loại dịch vụ trên đã tăng trên 20% so với ngày thưòng, mặt hàng khẩu trang có chỗ tăng giá gấp 4-5 lần so với giá bán lẻ thông thường.

 

Nhiều gia đình đã vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích, cửa hàng bách hóa mua hàng dự trữ

 

Thông tin từ Sở công thương thành phố cho biết, tính đến ngày 10-2, giá khẩu trang dao động từ 70.000 – 150.000 đồng/hộp tùy loại; giá nước rửa tay khô dao động từ 120.000 – 200.000 đồng/hộp. Một số hiệu thuốc đã có tình trạng không còn khẩu trang và nước rửa tay để bán. Tuy nhiên với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng trên địa bàn thành phố, hiện giá cả các mặt hàng trên đã được kiểm soát tốt hơn.

Cho đến nay dịch bệnh Covid-19 chưa tác động lớn đối với hoạt động sản xuất công nghiệp và thưong mại trên địa bàn thành phố. Ngay sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Canh Tý nhiều doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn đã khẩn trương bắt tay vào sản xuất nhằm đảm bảo nguồn hàng cung ứng cho thị trường. Tuy nhiên, nếu dịch Covid-19 còn kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các ngành dịch vụ giải trí, lễ hội, du lịch; đặc biệt là các doanh nghiệp phụ thuộc nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc như may mặc, da giày... Do đó, cung cầu thị trường hàng hóa trên địa bàn thành phố dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Để đảm bảo ổn định giá, không để thiếu hàng hóa trong mùa dịch Covid-19, Sở Công thương thành phố đã ban hành văn bản số 218/SCT-VP ngày 7-2 nhằm theo dõi, báo cáo tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn thành phố trong thời gian dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, trong đó kịp thời ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình để đầu cơ, găm hàng, tăng giá, kinh doanh hàng giả, chất lượng không đảm bảo (khẩu trang, nước rửa tay...).

Trước đó, tại buổi kiểm tra tình hình cung cầu hàng hóa và bình ổn thị trường phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, đồng chí Nguyễn Văn Thành – Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Cục QLTT, các ban, ngành liên quan tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình cung cầu, bình ổn giá cả thị trường tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh; bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tăng giá bất hợp lý theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, thành phố.

Hải Ngân

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông