19:37 02/05/2020 Dù thời gian qua, việc thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 khiến ranh giới giữa ngày nghỉ và ngày thường gần như không còn khoảng cách, không khí mua sắm có phần ảm đạm. Nhưng với những gì đã diễn ra trong 4 ngày nghỉ dịp 30-4 và 1-5, đã thực sự phản ánh sự sôi động trở lại của thị trường hàng tiêu dùng thành phố.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị BigC
Thức dậy hoạt động dịch vụ
Điều quan trọng nhất, ngay trước thời điểm bắt đầu đợt nghỉ tới 4 ngày (bao gồm cả nghĩ lễ và nghỉ tuần), Chính phủ cũng như thành phố Hải Phòng đã ban hành các văn bản điều chỉnh giải pháp phòng chống Covid-19. Trong đó, cơ chế quan trọng nhất liên quan trực tiếp tới thị trường, là cho phép mở cửa hoạt động trở lại với một số lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
Cơ chế này ngay lập tức đã có tác động, trước hết là mảng dịch vụ ăn uống, vốn đã “thất thủ” dài ngày, kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay. Theo ông Nguyễn Văn Long – Chủ một nhà hàng ở quận Ngô Quyền, thì mấy ngày nghỉ vừa qua lượng khách đặt suất ăn đã có những tín hiệu tốt, ông đã gọi nhân viên quay trở lại làm việc và kết nối với các mối cung ứng nguyên liệu thực phẩm.
Du khách đến một điểm du lịch cộng đồng ở huyện An Lão
Điểm kích cầu quan trọng nhất khách hàng chủ yếu là các hội cựu quân nhân, cựu chiến binh, tổ chức gặp gỡ nhân Ngày thống nhất đất nước. Bên cạnh đó cũng có một số khách thuộc diện họp lớp, họp nhóm. Tuy nhiên, ông Long cho biết thêm, so với cùng thời điểm năm trước thì lượng khách còn kém xa, chỉ đạt khoảng 40%.
Ở một diễn biến khác cũng liên quan đến cơ chế, đó là sự hoạt động của các trung tâm du lịch như Đồ Sơn, Cát Bà, cũng đúng vào dịp khởi động mùa du lịch biển như mọi năm. Cùng với đó là các điểm du lịch cộng đồng cũng mở cửa, thu hút đông khách đến vừa hội họp, vui chơi vừa ăn uống.
Mặc dù vậy, kết quả khảo sát thực tế cho thấy, đa số lượng khách đều là người Hải Phòng, chưa có đông du khách ở các địa phương khác đến.
Thủy sản là một trong những mặt hàng được cung ứng nhiều dịp nghỉ lễ
Chợ truyền thống biến động nhẹ
Sự kích hoạt trở lại của thị trường hàng hóa liên quan đến các phân khúc nêu trên đã tạo ra nhiều tích cực. Tại khu vực chợ truyền thống, các mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ khá tốt, nhất là hàng tươi sống.
Bà Nguyễn Thị T. - một tiểu thương chuyên kinh doanh rau ở chợ An Đồng cho biết, doanh số bình quân trong mấy ngày nghỉ lễ tăng gần gấp ba so với lượng hàng bà bán ra trong dịp giãn cách xã hội. Không chỉ các nhà hàng đã đặt với số lượng khá, mà nhiều khách hàng lẻ cũng mua số lượng nhiều để tổ chức nấu ăn sum họp tại nhà riêng.
Bên cạnh đó, một số lượng sản phẩm tươi sống thuộc diện cao cấp cũng được chuyển tới các trung tâm du lịch. Điều này đã kích giá một số mặt hàng, nhất là thủy sản, với mức tăng khoảng 10%. Cụ thể giá một số loại được bán lẻ trên thị trường như sau: mực tươi từ 180 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng/kg; cá vược từ 120 nghìn đồng đến 140 nghìn đồng/kg; cá tầm và cá song từ 220 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng/kg…
Giá thủy sản khu vực chợ truyền thống tăng đáng kể
Một số loại thủy sản nước ngọt cũng tăng giá với mức tương ứng, như cá trắm sống được bán nguyên con 75 nghìn đồng/kg, tôm thẻ loại to 230 nghìn đồng/kg, tôm đồng tự nhiên 270 nghìn đồng/kg… Nhờ thời tiết tốt, cước vận chuyển đang giảm vì giá xăng rẻ, nên lượng hàng cung ứng trên thị trường thành phố cơ bản đủ trên tất cả các kênh phân phối.
Nhưng một điểm cũng hết sức đáng lưu ý, những ngày này thời tiết cũng nóng lên rất nhiều, như thường lệ việc trao đổi mua bán ở khu vực chợ truyền thống sẽ tiềm ẩn nhiều yếu rố về an toàn thực phẩm. Nhất là sự giảm sút chất lượng của các loại thịt, thủy sản vì không có chế độ bảo quản thích hợp.
Khách hàng mua sắm tại siêu thị MM Mega Market
Siêu thị hút khách
Hiện Hải Phòng có các hệ thống siêu thị tổng hợp đáng chú ý nhất là VinMart, BigC, Co-opMart và MM Mega Market (Metro cũ). Mỗi siêu thị đều có thế mạnh riêng, nhưng điểm chung là những ngày này tất cả các siêu thị đều đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, nên khách đến khá đông. Đơn cử như khách hàng của BigC sẽ được tặng phiếu mua hàng trị giá 40 nghìn đồng cho lần mua tiếp theo với mỗi hóa đơn thanh toán trị giá từ 400 nghìn đồng.
Một trong những nhóm sản phẩm được tiêu thụ tốt nhất của các siêu thị trong những ngày nghỉ lễ là thực phẩm sơ chế, hoa quả, thực phẩm chế biến công nghệ, thực phẩm đông lạnh... Chị Vũ Kim Dung – một khách hàng của siêu thị BigC chia sẻ, do vẫn “ngại” đến nhà hàng vì tâm lý dịch bệnh Covid-19, nên năm nay nhóm bạn học cũ của chị Dung quyết định tổ chức ăn uống tại nhà.
Chị Dung được phân công cùng mấy bạn đi mua thực phẩm, nên hầu hết là cá cắt khúc, tôm bóc nõn, chả nem đóng gói, gói nguyên liệu lẩu… “Mua loại này để tiết kiệm thời gian và bảo đảm an toàn anh ạ…” – Chị Dung bộc bạch. Bên cạnh đó, các siêu thị cũng tập trung khuyến mại nhiều sản phẩm thời trang dành cho mùa hè, nhưng chưa thực sự được nhiều khách hàng quan tâm.
Nguồn cung dồi dào góp phần bình ổn thị trường
Còn ở khu vực các siêu thị chuyên doanh hàng điện tử gia dụng, không khí khuyến mại cũng khá tưng bừng, nhất là các mặt hàng chuyển mùa như tủ lạnh, máy điều hòa, quạt điện….
Một chi tiết đáng chú ý nữa là, trong dịp này thành phố sẽ tiến hành đưa dự án nút giao thông Nam cầu Bính vào hoạt động. Như vậy việc mua sắm của khách hàng đến các trung tâm thương mại trên đường Hồng Bàng như MM Mega Market, HC, Điện Máy Xanh, Âu Á… sẽ thuận tiện hơn, sau khoảng thời gian gián đoạn vì phục vụ thi công công trình.
Nhìn chung, dù có một số biến động nhỏ về giá, nhưng thị trường hàng hóa dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 mang nhiều hơn tính tích cực. Đây là tín hiệu tốt để các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trở lại bình thường, sau một giai đoạn có phần đình trệ bởi tác động của dịch bệnh Covid-19.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão