19:17 23/02/2022 Trước diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh Covid-19, thời gian qua bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 (Kit test nhanh) trở thành mặt hàng “nóng” trên thị trường, bao gồm cả dạng hình giao dịch trực tiếp lẫn mua bán online. Bên cạnh những sản phẩm đã được cấp phép và lưu hành đúng quy định, có không ít sản phẩm chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ đang được rao bán tràn lan, tạo ra những bất cập trong công tác quản lý.
(Ảnh minh họa)
Nhận diện kit test nhanh Covid-19
Theo cơ quan chức năng, bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 là dụng cụ xét nghiệm có tính đặc hiệu, phát hiện các protein trên bề mặt của vi-rút ở niêm mạc đường hô hấp (khoang mũi và họng). Ưu điểm của phương pháp này là thao tác lấy mẫu đơn giản, nhanh chóng, phân tích kết quả không yêu cầu thiết bị, máy móc y tế phức tạp, có kết quả chỉ sau khoảng 15 phút.
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 khởi đầu, phương pháp này được xem như một giải pháp hiệu quả trong công tác sàng lọc, nhất là đối với những trường hợp không có triệu chứng để phát hiện hoặc loại trừ, qua đó triển khai nhanh các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh.
Khi mới được ứng dụng, nhóm sản phẩm này được quản lý, phân bổ chặt chẽ và chỉ định sử dụng trong các cơ sở y tế nhà nước, chưa thực sự trở thành hàng hóa theo đúng nghĩa.
Từ khi dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, nhất là đợt dịch thứ tư hoành hành trong khu vực phía Nam, nhu cầu sàng lọc tăng cao, trong khi hệ thống y tế quá tải, bộ Kit test nhanh được nhiều người dân tìm mua để tự kiểm tra tình trạng sức khỏe.
Từ đây, thị trường nhóm hàng này bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng phát triển, trong hoàn cảnh dịch bệnh liêc tục phát sinh tình huống mới, các chính sách, cơ chế liên quan cũng liên tục thay đổi cùng với nhận thức xã hội.
Mặt khác các quy định mang tính pháp lý cũng chưa kịp thời điều chỉnh, là những kẽ hở khiến thị trường Kit test Covid-19 nở rộ. Ở khu vực phía Nam, vào lúc cao điểm giá Kit test trôi nổi đã từng lên tới trên 500 nghìn đồng/bộ.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc người dân tự test nhanh kháng nguyên Covid-19, ban hành danh mục 16 loại Kit test đã được cấp phép. Trong đó có 10 loại được sản xuất ở Hàn Quốc, còn lại là sản phẩm của Việt Nam, Trung Quốc (gồm cả Đài Loan), Mỹ, Pháp và Nhật Bản. Đồng thời, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân không nên mua các bộ test nhanh được rao bán ngoài luồng, không có tên trong danh mục được cấp phép.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh mẽ trên địa bàn cả nước, nhu cầu sử dụng bộ Kit test nhanh ngày càng cao. Tại Hải Phòng, thị trường Kit test nhanh chóng phát triển khi tốc độ lây lan dịch bệnh tăng cao trong những tháng qua. Theo đánh giá, về cơ bản hệ thống các nhà thuốc, các cơ sở y tế đã tuân thủ quy định về lưu thông nhóm hàng hóa này, đáp ứng nhu cầu của người dân.
Lô hàng Kit test Covid-19 có dấu hiệu vi phạm mới được Hải quan phát hiện tại sân bay Nội Bài (nguồn tư liệu)
Cần tăng cường kiểm soát
Có thể khẳng định, nhu cầu tự xét nghiệm sàng lọc Cvid-19 trong Nhân dân là chính đáng, được khuyến khích bằng những cơ chế mới ban hành, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế cũng như kịp thời phát hiện, phòng ngừa, chữa trị.
Hơn nữa, hiện cũng có nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị tiếp tục quy định kết quả sàng lọc là một trong những điều kiện công tác, làm việc, học tập, đây là yếu tố tác động không nhỏ làm phát sinh nhu cầu test nhanh của cộng đồng.
Ở một diễn biến khác, cần phải thẳng thắn nhìn nhận, việc giá xét nghiệm nói chung liên quan đến dịch bệnh Covid-19 thời gian đầu bị đẩy lên quá cao so với thực tế, có lỗi từ công tác quản lý, mà vụ việc xảy ra ở Công ty Việt Á là một ví dụ.
Điều đó không những làm phát sinh những hành vi trục lợi trong một bộ phận xã hội, mà còn khiến người dân có nhu cầu tìm đến những nhà cung cấp mới với giá rẻ và phương thức dịch vụ thuận lợi hơn.
Từ đây, thị trường Kit test có dấu hiệu chuyển hướng, việc khai thác tự phát gia tăng, khiến trên thị trường không chỉ có 16 loại Kit test được cấp phép nữa, mà có vô số loại được rao bán, giới thiệu những tiện ích mới, giá bán cũng chỉ từ 50 nghìn đồng đến trên 70 nghìn đồng/bộ.
Trước tình trạng này, các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phát hiện nhiều vụ việc sai phạm. Trong đó, nhiều sản phẩm Kit test nhanh Covid-19 được rao bán không rõ xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, được “xách tay” hoặc nhập trái phép qua cửa khẩu.
Mới đây nhất, vào ngày 17-2, Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã phối hợp với Hải quan Hà Nội đã phát hiện lô hàng nhập qua sân bay Nội Bài có dấu hiệu sai phạm. Lô hàng được vận chuyển từ Hàn Quốc về Việt Nam, kết quả khám xét phát hiện hơn 85.000 test nhanh Covid-19 trị giá khoảng trên 8 tỷ đồng.
Đối với thị trường Hải Phòng, hiện đa số các loại Kit test được người dân mua ở các hiệu thuốc đều thể hiện nhãn mác khá đầy đủ, bao gồm cả nhãn phụ ghi nguồn gốc xuất xứ.
Nhưng theo thói quen, hầu như người dân không thực hiện xác minh qua hóa đơn, chứng từ cũng như khảo nghiệm danh mục được cấp phép của Bộ Y tế.
Trong khi đó, trên mạng xã hội vẫn tồn tại việc rao bán những sản phẩm được quảng bá nhập khẩu từ nhiều quốc gia với nhiều tiện tích khác nhau mà rất khó kiểm chứng.
Mặc dù hiện chưa có đánh giá cụ thể về những hệ lụy của các loại Kit test ngoài luồng, nhưng nhìn từ góc độ thị trường thì đây là mọt vấn đề cần được quan tâm kiểm soát.
Vẫn biết đây là một bài toán nan giải, nhưng thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường quyết liệt hơn, nhằm giữ bình ổn thị trường cũng như góp phần đảm bảo sức khỏe người dân nói riêng, giữ môi trường lành mạnh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nói chung.
Lê Minh Thắng