Thị trường quý 4 – Cơ hội tăng tốc của thương mại nội địa?

09:27 13/10/2021

Bước sang năm 2021, thương mại thành phố mang theo hành trang không mấy khả quan bởi tác động suy thoái kinh tế toàn cầu, sau một năm quay cuồng trong vòng xoáy của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trước những dấu hiệu mới hết sức tích cực từ kết quả kiểm soát dịch bệnh, cơ hội cho việc phục hồi thương mại đã hé lộ, hứa hẹn tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Dịch bệnh được kiểm soát tốt sẽ là cơ hội tăng tốc của thương mại nội địa dịp cuối năm

 Cũng trong hoàn cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nhưng năm 2021 so với năm  trước đó, tình hình chung của thành phố có nhiều điểm khác. Bởi năm 2020 các biện pháp phòng, chống dịch mang nhiều tính “bao đê”, lập tuyến phòng ngự để ngăn chặn dịch bệnh, và Hải Phòng đã xuất sắc giữ trận tuyến ấy.

Nhưng từ đầu năm 2021, mọi việc đã chuyển biến khác, khi thành phố có những ca bệnh đầu tiên, dù số bệnh nhân chiếm tỷ lệ nhỏ so với tình hình chung cả nước, nhưng xuất hiện trong nhiều thời điểm, nhiều nguồn lây khác nhau, đã khiến hoạt động của thành phố bị đứt quãng, khi phải nhiều lần ban hành, áp dụng và điều chỉnh các phương án phòng, chống dịch. Trong đó, kinh tế thương mại, nhất là thương mại nội địa là một trong những phân ngành kinh tế bị tổn hại nhiều nhất.

Chưa hết, Hải Phòng với vị thế cửa ngõ giao thương hàng hải quốc tế lớn nhất miền Bắc, đồng thời là đầu mối thương mại của khu vực phía Bắc, vì vậy ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 không chỉ mang tính tác động bên trong, mà thiệt hại bị tác động không nhỏ từ bên ngoài, khi các chuỗi cung ứng cả trong và ngoài nước liên tục bị đứt gãy.

Thực trạng là tổng cầu xã hội giảm, trong khi nhiều nguồn hàng khan hiếm do lưu thông gặp khó, thì cũng có không ít nhóm hàng vẫn ở tình trạng tồn kho cao làm trì trệ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Điều đó có thể thấy rõ ngay từ những tháng đầu năm, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Quảng Ninh, Thái Bình và nhất là Hải Dương, đã tạo thế “bao vây” Hải Phòng. Các biện pháp phòng, chống dịch đã buộc công tác kiểm soát hàng hóa phải tăng cường, thậm chí có thời điểm buộc phải đình trệ.

Đặc biệt từ ngày 27-4, thời điểm bùng phát đợt dịch thứ 4, với trọng tâm là các tỉnh Bác Ninh, Bắc Giang và vùng lân cận ở miền Bắc, rồi tiếp đó là toàn bộ khu vực phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội, tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng càng trầm trọng.

Khó khăn đã khiến doanh thu nhiều phân ngành thương mại dịch vụ không có tăng trưởng trong 9 tháng qua, thậm chí bị suy giảm như dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ lữ hành... Giữa bối cảnh đó, thành phố đã thực hiện hiệu quả các giải pháp, vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi, trong đó ngành thương mại đóng góp một phần quan trọng.

Dù dịch bệnh tác động vô cùng tiêu cực, nhưng thị trường thành phố đã cơ bản ổn định, gần như không có tình trạng loạn giá, việc khan hiếm nguồn hàng cũng chỉ cục bộ. Nhờ vậy, trong 9 tháng qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn thành phố vẫn đạt khoảng 112.070,7 tỷ đồng, tăng 7,49% so với cùng kỳ năm trước. 

  Ở góc đánh giá khác, theo báo cáo thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 giảm 0,21% so với tháng trước, tăng 1,15% so với tháng 12-2020. Trên bình diện kinh tế vĩ mô, việc tăng giảm của chỉ số giá tiêu dùng CPI là một kênh đánh giá cường độ hoạt động của thị trường, vì thông thường CPI luôn tỷ lệ thuận với nhịp độ tăng của tổng cầu tiêu dùng.

Nói theo cách khác, nếu giao dịch thị trường ảm đạm, CPI sẽ bị tác động theo chiều suy giảm, và ngược lại. Chính vì thế, việc giữ chỉ số CPI ở một tỷ lệ nhất định, không những kiểm soát được lạm phát mà còn để thúc đẩy tăng trưởng. Như vậy ở một thời điểm khác, có lẽ chỉ số CPI nêu trên được coi là khiêm tốn, nhưng hiện nay nó là dấu hiệu tích cực, với thực trạng thị trường chìm sâu trong nền kinh tế suy giảm kéo dài.

 Đến thời điểm này, thị trường quý 4 đã khởi động. Thông tin về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 những ngày gần đây đã đem đến tín hiệu vui, về cơ bản đợt dịch lần thư 4 đang được kiểm soát tốt, nhiều địa phương đã bắt đầu triển khai nới lỏng giãn cách, chuyển dần sang trạng thái bình thường mới, phục hồi kinh tế thích ứng linh hoạt trong hoàn cảnh dịch bệnh.

Nếu diễn biến tiếp tục khả quan, thì các chuỗi cung ứng sẽ trở lại bình thường, hoạt động thương mại sẽ thông suốt cả nước, đồng nghĩa Hải Phòng sẽ thông tuyến, tạo cơ hội tốt cho ngành thương mại nội địa tăng tốc.

          Mặt khác, theo thông lệ thì hoạt động thương mại cũng bị tác động rất cao ở tính thời điểm, thì quý 4 chính là “điểm rơi” quang tọng nhất của năm, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh vào mùa “nước rút”. Hơn nữa, sức mua đối với đa số sản phẩm tiêu dùng tập trung nhiều vào cuối năm, điểm nhấn là dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Đối với thị trường xuất khẩu, thông thường mật độ đáo hạn các hợp đồng cũng dày hơn vào thời điểm này, chưa kể các hoạt động thanh khoản và xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ khiến thị trường tiền tệ thêm nhộn nhịp. Tần suất giao dịch tiền tệ gia tăng là yếu tố rất quan trọng, tác động đến tăng trưởng thương mại.

          Về chính sách, đây có lẽ cũng là lúc thành phố cần đề ra nhiều giải pháp, với quyết tâm tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, liên quan đến thương mại là tích cực giải quyết  kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định sản xuất kinh doanh.

Nhưng điều quan trọng hơn, thực hiện chiến lược tái cơ cấu kinh tế, với mục tiêu dài hạn, có kịch bản chủ động với mọi diễn biến của dịch bệnh Covid-19, để thương mại thành phố sẽ có cơ hội phục hồi mạnh hơn và tăng trưởng ổn định.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông