Thị trường tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022: Nguồn cung ổn định, không biến động lớn về giá

09:10 15/02/2022

Theo dự báo trước đó, tết Nguyên đán Nhâm Dần sẽ có nhiều diễn biến khó lường, bởi tác động do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng lớn hơn cả là diễn biến lan rộng của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên đến thời điểm này, khi ngày Rằm tháng Giêng đã cận kề, có thể khẳng định thị trường dịp tết Nguyên đán năm nay có cục diện cơ bản bình ổn.

Lượng khách đến siêu thị giảm mạnh so với mọi năm

          Nỗi lo trước tết

          Nói đến tác động của xã hội đến thị trường Hải Phòng ngay trước thềm tết Nguyên đán Nhâm Dần, không thể không nhắc đến dịch bệnh Covid-19, khi chỉ trong một thời gian ngắn, sức lây lan dịch bệnh tăng với cường độ rất mạnh, đã có lúc cả thành phố ngập trong sắc đỏ cảnh báo.

Sự việc khiến những người có nhiều kinh nghiệm về thương mại cũng khó mà dự báo chính xác, bởi rất khó tưởng tượng khả năng và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong bối cảnh như vậy.

          Trong khi đó, nhiều yếu tố không mấy tích cực còn bộc lộ ngay trong lộ trình cung cầu, nhất là sự tăng giá của những mặt hàng mang tính chi phối thị trường. Đơn cử như giá xăng dầu, mặt hàng tác động rất mạnh vào chi phí giá thành hầu hết các loại hàng hóa đã tăng liên tiếp và lập đỉnh cao nhất từ trước đến nay, khi vượt ngưỡng 25 nghìn đồng/lít.

Bên cạnh đó, việc phía Trung Quốc kiểm soát chặt biên mậu, cũng tạo ra những ảnh hưởng không nhỏ, bởi lâu nay hàng hóa trên thị trường dịp tết cũng phụ thuộc khá nhiều vào nguồn cung từ nước bạn.

          Theo thông lệ, hàng hóa dịp tết tập trung nhiều vào nhóm thực phẩm, đối với riêng nhóm hàng này, có thể nói chu kỳ tăng giá trước tết Nguyên đán Nhâm Dần xuất hiện khá sớm. Đầu tiên là giá nhóm các mặt hàng thực phẩm chế biến công nghệ như bánh kẹo, đồ uống, gia vị… tiếp đến là nông sản khô như măng, miến, mộc nhĩ, với cường độ tăng bình quân từ 15% trở lên so với mức bình quân những thời điểm khác trong năm.

Còn đối với thực phẩm tươi sống, đáng kể nhất là mặt hàng thịt lợn, với giá tăng liên tục từng ngày, càng gần đến tết giá càng cao. Tính bình quân trong tháng trước tết, giá lợn thịt tăng khoảng 35%, cụ thể lợn hơi tăng từ 47 nghìn đồng lên 63 nghìn đồng/kg, thịt lợn các loại tăng từ mức bình quân 80 nghìn đồng lên 120 nghìn đồng/kg.

Nhiều thời điểm nguồn cung lợn thịt đã có dấu hiệu cạn, không phải vì nhu cầu tăng mà do nguồn tái tạo chưa thực sự được phục hồi do đợt khủng hoảng kéo dài của thị trường lợn thịt trước đó.

          Cũng hòa vào bản đồng ca tăng giá trước tết, phải nhắc đến nhóm hàng rau củ quả, bởi cường độ tăng của nhóm mặt hàng này cũng mạnh mẽ không thua kém các thực phẩm khác, với mức tăng từ trên 30%.

Tuy nhiên, việc tăng của rau xanh mang nhiều yếu tố tác động bên ngoài hơn chứ chưa hẳn vì nhu cầu của người tiêu dùng. Chẳng hạn như rau có lá, bị ảnh hưởng vì đợt lạnh kéo dài nên tăng trưởng chậm, khiến nguồn cung giảm sút, còn các loại củ quả thì như như đã nói ở trên, do thiếu hụt lượng hàng nhập từ Trung Quốc.

Tựu chung có thể nói, đợt tăng giá mang tính tổng thế, nhất là các loại thực phẩm trước thềm tết Nguyên đán Nhâm Dần đã đem đến những nỗi lo lớn, trong hoàn cảnh thu nhập của đa số người dân đã bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Cây cảnh bày bán trong dịp tết

          Sức mua yếu, phản ánh rõ thực tế

          Theo ước lệ truyền thống, thị trường tết được tính từ dịp cúng ông Táo 23 tháng Chạp, kéo dài đến hết dịp cúng Rằm tháng Giêng. Còn thời gian trước đó bị tác động là do mang tính khởi động và tích trữ, thời gian sau đó là nhu cầu phục vụ lễ hội đầu năm.

Năm nay, dù dịch bệnh Covid hoàng hành nhưng dấu ấn này vẫn tương đối rõ nét, dù không phân hóa thành giai đoạn cụ thể như trước khi dịch bệnh xuất hiện.

          Điều đáng nói là, dù giá cả biến động nhưng diễn ra đều dặn trong khoảng thời gian dài nên không tác động cục bộ vào tâm lý tiêu dùng, còn nguồn cung giảm nhưng do nguồn cầu cũng giảm theo nên cán cân cung – cầu vẫn tương đối cân bằng.

Khảo sát cho thấy, thay cho việc lên kế hoạch cho các cuộc liên hoan, sum họp gia đình, hội họp khác và lịch trình giao lưu chúc tết liên quan đến mua sắm như mọi năm, rất nhiều gia đình năm nay lựa chọn phương án sinh hoạt nội bộ, dẫn đến không khí thị trường kém đi phân sôi động.

Tại các siêu thị bách hóa, không còn cảnh chen lấn ở quầy thu ngân, còn ở khu vực chợ truyền thống không khí mua sắm chỉ nhộn nhịp hơn mọt chút so với ngày thường.

          Một phân khúc đáng chú ý khác là thời tiết lại gây ra cho thị trường cây cảnh “kẻ khóc người cười”. Tại các vùng cây trước ngày cúng ông Táo, các lái đua nhau về mua sạch vườn, sau đó trời bỗng dưng dội nắng mấy ngày trước tết, làm cho tết chưa đến mà hoa đào đã nở rực.

Ngay từ chiều 28 tết, đã xuất hiện tình trạng bán phá giá, có lô quất ở đường Võ Nguyên Giáp treo biển bán 100 nghìn đồng/cây (to nhỏ như nhau) cũng không bán hết. Loạt đào nở bị vặt hoa rao thuê từ 70 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/cây không cần đặt cọc cũng bị “thượng đế” thờ ơ.

Ở diễn biến khác, nhiều loại cây-quả cảnh được chế tác đặc biệt, cũng chỉ thu hút trí tò mò và sự đồn đoán, chứ tiêu thụ cũng thuộc diện èo ọt.

Nhìn chung, dù hoạt động theo sóng hình sin nhưng do nhiều nguyên nhân tác động nên thị trường hàng hóa tết năm nay cơ bản không có sự đột biến đến mức tiêu cực. Chỉ có điều sau tết, khu vực siêu thị đang mất điểm, vì sự kém linh hoạt trong điều chỉnh giá, cũng như chưa kịp tập trung nguồn hàng thế chỗ, chất lượng hàng hóa tươi sống tại một số siêu thị chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Còn  tại khu vực chợ truyền thống, dù nguồn hàng vẫn phong phú nhưng giá tiếp tục tăng, khi mà nhu cầu của người tiêu dùng chưa thực sự trở lại cân bằng sau những ngày tết.

Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là các nhóm hàng như hoa quả, thủy sản, dịch vụ phương tiện vận tải vẫn duy trì ở mức khá cao. Sau tết giá thủy sản tiếp tục tăng tới 20% so với trước và trong tết, một phần do sản lượng đánh bắt sụt giảm, một phần do năm nay nghỉ tết kéo dài, nhu cầu tiêu thụ riêng đối với nhóm hàng này luôn cao.

Hơn nữa, sau tết còn hai lý do tác động trực tiếp đến thị trường, đó là nhu cầu vì niềm tin “cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng” và các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng dự kiến sẽ tái khởi động sau thời gian dài ém để tránh dịch.

 Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, theo nhu cầu đặc hữu truyền thống nên hầu hết lượng hàng thiết yếu đã dồn vào dịp tết, thời tiết rét kéo dài cũng không tốt cho việc phát triển các nguồn tươi sống thời điểm này, nên khoảng cách giữa nguồn cung và nguồn cầu chắc chắn sẽ bị tác động trong thời gian tiếp theo.

Đây chính là nỗi lo cho thị trường trong dịp tới, nếu không có giải pháp bù đắp hiệu quả, thì việc bình ổn giá vẫn còn nhiều việc phải làm.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông