Thị trường thực phẩm ổn định trở lại sau đợt mưa lớn

10:16 26/08/2020

Thời gian qua, đợt mưa lớn kéo dài cùng với tác động do cơ chế phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thị trường thực phẩm thành phố có biến động đáng kể do lưu thông gặp khó khăn. Trong đó xuất hiện cục bộ tình trạng giảm nguồn cung và tăng giá bán lẻ đối với một số mặt hàng.

Giá rau xanh khu vực siêu thị vẫn ở mức cao so với chợ truyền thống

Sau thời gian nắng nóng dữ dội, trong khoảng hơn nửa tháng qua thời tiết thay đổi, với những trận mưa lớn liên tục và kéo dài. Theo ông Nguyễn Văn Th.- một thương lái rau ở huyện An Dương, ảnh hưởng của đợt mưa đã làm hư hại một lượng không nhỏ rau xanh đang chuẩn bị được thu hoạch không chỉ địa bàn Hải Phòng mà cả các địa phương lân cận.

Đồng thời, lưu thông bị cản trở khi mưa lớn xuất hiện nhiều vào khoảng thời gian nửa đêm về sáng, là lúc các thương lái đi thu gom rau từ nơi sản xuất về tập kết phân phối.

Ông Th. cho biết thêm, do các vùng rau lớn vẫn cung cấp cho Hải Phòng như Hải Dương, Thái Bình đều xuất hiện ca nhiễm dịch Covid-19. Để phục vụ phòng, chống dịch bệnh, thành phố đã lập nhiều chốt kiểm soát ở các cửa ô ra vào Hải Phòng. Đây cũng là lý do khiến việc vận chuyển rau xanh ở ngoài Hải Phòng bị gián đoạn, do một số tiểu thương tạm ngừng khai thác tuyến này.

Trong khi đó, cũng vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều loại rau nhất là rau dạng củ quả ở các địa phương khác trong cả nước và nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm nguồn cung cho thị trường Hải Phòng.

 Cùng với rau xanh, một lượng không nhỏ các loại thực phẩm khác như thịt lợn, gà các loại được phân phối theo kênh trên cũng giảm nguồn theo, dẫn đến thị trường thực phẩm trên địa bàn Hải Phòng tháng qua tăng giá đáng kể. Chị P.- một chủ hàng cơm nhỏ trên đường Lạch Tray cho biết: “Dịch dã đi lại đã ngại, nhiều lúc ra chợ muốn mua được hàng ưng ý cũng khó…”.

Theo chị P., thường ngày chị đều xuống chợ Cầu Rào mua hàng, vì đây là một trong những đầu mối lớn cung cấp thực phẩm tươi sống của thành phố. Nhưng đợt mưa vừa qua, những người bán hàng quen của chị có người thì nghỉ, có người đến chợ muộn. Chị nói: “Hôm ra sớm thì chưa có người bán, lúc ra muộn thì có khi chưa kịp mua đã hết hàng”.

 So sánh hiện tại, thì đợt tăng lần này của thực phẩm khác với tháng trước, khi giá ở các chợ truyền thống có mức dễ chịu hơn, mức tăng cũng chỉ ở cường độ nhẹ. Chị P. cho biết thêm, nhưng muốn mua được đủ hàng, chị phải đến siêu thị, dù tại đây các loại rau, đơn cử như rau xanh có lá cũng đã tăng giá bình quân 20%. Các loại rau củ nhập từ địa phương khác có thể bảo quản lâu như bắp cải, dưa leo, cà chua, súp-lơ, đậu cô-ve… đều tăng bình quân 10% so với tháng trước.

Vì mua nhiều hàng, thời tiết xấu nên chị P. phải gọi taxi, vừa để giữ sức khỏe cho mình, vừa bảo đảm chất lượng cho sản phẩm, thành thử chi phí tăng thêm. Không riêng rau xanh, mà thịt lợn vẫn đang ở mức rất cao, các loại thủy sản cũng tăng bình quân 10%, dẫn đến khẩu phần ăn của người lao động tại các quán ăn bình dân hoặc phải tăng giá, hoặc phải giảm số và chất lượng.

Nguồn cung thủy sản tại các siêu thị khá dồi dào

  Chị P. chia sẻ, mặc dù thị trường có những khó khăn nhưng còn dễ chịu hơn rất nhiều so với đợt cách ly xã hội đầu năm, khi hầu hết các hoạt động kinh doanh bị đình trệ. Rất may là những ngày gần đây đợt mưa lớn đã bị “cắt”, diễn biến dịch bệnh cũng xuất hiện những yếu tố tích cực, cửa hàng nhà chị P. vẫn duy trì  hoạt động đều đặn, vì phải giữ khách quen và phục vụ một bộ phận dân chúng “láng giềng” do ngại đi chợ mà đến mua hàng ăn sẵn.

Cùng với đó, tình hình thị trường đã được cải thiện, nguồn cung rau xanh của thành phố trở lại dồi dào, giá giảm nhanh khoảng 30% trong vòng một tuần qua.

 Ở một diễn biến khác, một thương lái ở xã Kiến Quốc (Kiến Thụy) tên là S., chuyên đem hải sản giao mối cho nội thành tâm sự: “Em phải đi từ 1h đêm xuống Đồ Sơn lấy hàng, rồi mới ngược về nội thành, mấy ngày mưa đi lại vất vả, hàng hóa đã khó mua, nhưng bán giao lại càng khó”.

Vì theo anh S., những đầu mối giao của anh đều là nhà hàng lớn, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên đợt này lượng hàng bán giao giảm nhiều. Trong đợt mưa, thực tế thủy sản vẫn có đủ nguồn cung, nhất là các loại tôm cá nuôi thả, nhưng do chi phí lưu thông tăng, vận chuyển vất vả nên giá bán cũng được điều chỉnh tăng để bù đắp.

Nhìn lại thị trường thực phẩm đợt mưa, thủy sản tăng giá bình quân 20%, ví dụ tôm thẻ loại trung bình từ 190.000 đồng tăng lên 230.000 đồng/kg, cá trắm sống nguyên con loại to từ 65.000 đồng lên 75.000 đồng/kg… riêng các loại đông lạnh tăng ở mức nhẹ hơn.

Còn hiện tại, giá bán lẻ thủy sản đã giảm khoảng 10%, giá thịt lợn khá ổn định ở khu vực chợ truyền thống với mức bình quân 150.000 đồng/kg. Giá gia cầm cũng đang rẻ hơn rất nhiều so với đầu tháng 8, cụ thể thịt ngan làm sẵn chỉ từ 80.000 đồng/kg, thịt vịt từ 65.000 đồng/kg, thịt gà ta nuôi công nghiệp từ 110.000 đồng trở lên/kg. Tại khu vực siêu thị, giá thực phẩm cơ bản ít có thay đổi.

Nhìn chung toàn cảnh thị trường thực phẩm thời điểm hiện tại ở khu vực nội thành lưu thông hàng hóa đang được cải thiện trở lại. Việc khan hiếm và tăng giá đợt mưa cũng chỉ mang tính cục bộ, vì hiện phải lệ thuộc nhiều vào nguồn cung tại chỗ, trong điều kiện hầu hết lượng hàng nhập từ biên giới và các địa phương lân cận đang tiếp tục gặp khó do dịch bệnh.

          Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích