Thị trường xe gắn máy – Cần một môi trường cạnh tranh lành mạnh

10:52 28/07/2018

Sau thời gian bỏ ngỏ, thị trường xe gắn máy (dưới 50cm3) của Hải Phòng lại được dịp nhộn nhịp. Tuy nhiên bên cạnh những yếu tố tích cực đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, xuất hiện không ít bất cập trong phân khúc hàng hóa này.

(Ảnh minh họa)

          Ngày trở lại

          Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ: “Xe môtô là xe cơ giới hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự để vận chuyển hành khách, di chuyển bằng động cơ có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên, trọng lượng không quá 400 kg đối với môtô hai bánh hoặc sức chở từ 350 kg đến 500 kg đối với môtô 3 bánh”.

          Còn “Xe gắn máy là phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương không được lớn hơn 50 cm3”. Chính bởi quy định này, nên hầu hết các loại xe gắn máy hiện đều có thông số động cơ từ 49cm3 trở xuống, và cũng theo quy định tại Việt Nam, người điều khiển dòng xe này không bắt buộc phải có giấy phép lái xe (bằng lái).

Trong quá khứ, xe gắn máy không có gì lạ đối với người tiêu dùng Việt Nam, bởi lẽ một thời gian dài dòng xe này rất phổ biến. Từ những loại xe được nhập khẩu từ các nước XHCN cũ như  Simson 50, Star 50 (Đông Đức), Babetta, Java (Tiệp Khắc)… đến các loại xe của các nước tư bản như Peugeot, Mobylette (Pháp), Yamaha Mate 50, Honda 50 (Nhật Bản)… đã một thời thống trị thị trường trong nước. Nhưng do kinh tế ngày càng phát triển, thị trường hội nhập ngày càng phong phú, nhu cầu người tiêu dùng cũng tăng cao, bởi vậy dòng xe động cơ tiết kiệm xăng nhưng yếu, đã không còn được ưa chuộng.

          Ngỡ tưởng trước xu thế thích sử dụng “hàng khủng”, phân khúc xe gắn máy sẽ bị triệt thoái tại Việt Nam. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhu cầu này lại được khơi dậy, mặc dù được định hình chủ yếu dành cho học sinh phổ thông trung học, đối tượng chưa đủ tuối lấy bằng lái. Lý giải về điều này, chủ một cửa hàng kinh doanh xe gắn máy trên đường Lê Lợi cho biết, mấy năm trước thị phần phương tiện này gần như là sự độc tôn của xe điện. Nhưng do vấn đề về chất lượng, tốc độ và nhất là giá trị kinh tế, nên ngày càng đông người tiêu dùng chuyển sang đầu tư mua xe gắn máy.

          Cuộc đua mới

          Cũng theo chủ cửa hàng trên, hiện thị trường Hải Phòng có 3 dòng xe gắn máy, hầu hết là động cơ 49cm3 gồm dòng nhập khẩu nguyên chiếc, dòng lắp ráp liên doanh và dòng xe nhái của Trung Quốc.

Trong đó dòng nhập khẩu nguyên chiếc xuất hiện sớm nhất nhưng có giá rất cao nên lâu nay ít người quan tâm, chủ yếu được tiêu thụ bởi những người nội trợ hoặc người trung cao tuổi. Chẳng hạn những chiếc xe Honda chính hãng nhập khẩu nguyên chiếc mang nhãn hiệu Little Cub, Zoomer, Scoopy… đều có giá dao động từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng/chiếc. Hoặc cùng thương hiệu, mẫu xe Honda Dunk  có giá tới 45 triệu đồng/chiếc. Còn Benelli Pepe 4T được giới thiệu nhập khẩu từ Ý cũng có giá trên dưới 30 triệu đồng/chiếc.

(Ảnh minh họa)

Trong hai năm trở lại đây, nhiều loại xe gắn máy đã được lắp ráp hoặc sản xuất tại Việt Nam, mở đầu là hai thương hiệu đến từ Đài Loan là Sanyang (SYM) và Kuangyang (KYMCO). Trong đó SYM giới thiệu mẫu xe tay ga Elite 50 (giá hơn 21 triệu đồng/chiếc), các mẫu xe số như Amigo 50, Galaxy 50, Angela 50 hay Elegant 50 đều có giá xoay quanh mức 16 triệu đồng/chiếc. Còn KYMCO cũng giới thiệu 4 mẫu xe với giá khác nhau như Visar 50 (15,5 triệu đồng/chiếc), Kpipe 50 (20,5 triệu đồng/chiếc), Candy 50 (23,1 triệu đồng/chiếc) và Like 50 (23,5 triệu đồng/chiếc). Đáng chú ý những mẫu xe của hai nhà sản xuất này đều khá đẹp, được phân phối theo đại lý chính hãng, đang được nhiều người ưa chuộng vì ưu thế về giá và chế độ hậu mãi ưu việt. Mặc dù vậy, hiện ở Hải Phòng cũng chỉ có một đại lý duy nhất của SYM và KYMCO trên đường Nguyễn Văn Linh.

Được biết, trước thành công bước đầu của hai nhà sản xuất đến từ Đài Loan, mới đây hãng Honda Việt Nam cũng tuyên bố sẽ giới thiệu dòng xe Honda Dunk sản xuất trong nước. Hy vọng động thái này sẽ thêm lựa chọn của người tiêu dùng đối với loại xe chính hãng có chất lượng, đồng thời khởi đầu cho một cuộc đua mới trên thị trường xe hai bánh gắn động cơ ở Việt Nam.

Tiềm ẩn sự nhộn nhạo

Dòng xe gắn máy thứ ba được phân loại riêng có lẽ cũng bởi tính nhộn nhạo của phân khúc thị trường này. Hiện trên nhiều tuyến đường của Hải Phòng, xe gắn máy  có đủ các kiểu dáng, đủ các nhãn hiệu được bày bán, nhưng trên thực tế đều xuất nguồn từ Trung Quốc.

Câu chuyện xe máy “Tàu” vốn dĩ rất quen thuộc một thời với thị trường Việt Nam, bởi sự lũng đoạn cục bộ do độ “liều” về nhái kiểu dáng công nghiệp, và cũng “nổi tiếng” nhờ… giá rẻ, chất lượng kém. Cũng như sự xuất hiện trước đó cách đây hơn 10 năm, hiện thị trường xe máy Trung Quốc chủ yếu là dòng xe gắn máy dưới 50 cm3 đang tràn ngập. Từ dạng phổ biến nhái theo mẫu Honda Little Cub 50, Honda Chaly 50 đến các mẫu nhái Yamaha Sirius hay Yamaha Exciter, giá dao động từ 9 triệu đồng đến 16 triệu đồng/chiếc.

Giải thích về khoảng giá rộng của các mẫu xe này, chủ một cửa hàng kinh doanh xe gắn máy (xin được giấu tên) bật mí: “Tùy thuộc vào người nhập và nguồn nhập”. Theo ông này, công thức xe máy “Tàu 50” cũng giống như xe máy “Tàu” trước kia và xe điện, đều rất khó xác định đâu là chính hãng. Bởi ngoài máy tổng thành, phụ tùng linh kiện tùy thuộc vào khả năng khai thác của nhà nhập khẩu, cũng bởi thế mà mức giá không thống nhất, và chất lượng cũng… phi tiêu chuẩn. Thậm chí, vì đua giảm giá nên nhiều linh kiện dù cũng nhập từ Trung Quốc nhưng không đồng bộ, dẫn đến có chiếc xe chỉ chạy vài tháng, máy vẫn tốt nhưng phần vỏ nhựa, bộ chế hòa khí, nhông, xích, vòng bi… không hư hỏng cũng rệu rạo.

Dù bộc lộ không ít bất cập nhưng các loại xe gắn máy xuất nguồn của Trung Quốc vẫn được bày bán công khai. Vấn đề đặt ra là thực trạng này không những làm tổn hại môi trường cạnh tranh, vi phạm các quy định về kiểu dáng công nghiệp và sở hữu trí tuệ, mà rất có thể còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Thiết nghĩ, trong bối cảnh này rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhằm làm minh bạch thị trường, không chỉ vì quyền lợi của doanh nghiệp chân chính, của người tiêu dùng, mà còn vì một nền kinh tế cạnh tranh lành mạnh.

                                                                                      ./.

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông