Thiệt đơn, thiệt kép

18:19 31/10/2016

Nguồn khoáng sản chủ yếu của Hải Phòng là đá vôi, đá silic, sét phong hóa và cát san lấp, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất xi măng, các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố và các địa phương lân cận.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy thời gian qua, việc chấp hành các quy định pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản chưa nghiêm và công tác quản lý của các ngành chức năng cũng chưa chặt chẽ. Có những doanh nghiệp chưa đủ điều kiện hoạt động khai thác khoáng sản nhưng vẫn tự ý tiến hành khai thác. Cùng với đó, hoạt động khai thác khoáng sản không phép vẫn còn, thậm chí xâm phạm đến khu vực cấm, làm tổn thất tài nguyên và thất thu ngân sách.

Nghiêm trọng hơn, có trường hợp doanh nghiệp đã hết hạn giấy phép khai thác, trong khi làm thủ tục đóng mỏ nhưng đã cố tình khai thác xuống sâu dưới mức dương 5 mét, làm thay đổi địa hình và khó khăn cho việc hoàn thổ phục hồi môi trường trong khu vực. Con số vài chục tỷ đồng thu từ tiền thuế tài nguyên, tiền thuê đất, mặt nước, cấp quyền khai thác khoáng sản, phí bảo vệ môi trường… theo đánh giá của chính quyền, Hội đồng nhân dân thành phố thì chưa tương xứng.

Trong khi đó, các địa phương nơi có khoáng sản thì kêu trời vì không đủ nhân lực, vật lực để thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản. Các lực lượng như Bộ đội Biên phòng, Công an, Thanh tra giao thông, Cảng vụ… hàng ngày vẫn phát hiện, xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép hoặc không rõ nguồn gốc, xuất xứ nhưng cũng không khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”?!

Tài nguyên khoáng sản có hạn và hệ lụy của việc khai thác không tuân thủ theo quy trình là khôn lường. Bài học từ sự cố môi trường, suy kiệt hệ sinh thái và thảm họa đối với đời sống dân sinh từ khu vực các mỏ than ở Quảng Ninh, quặng ở Bắc Kạn… không dễ dàng khắc phục, thậm chí còn là gánh nặng cho các thế hệ sau.

Với thực trạng hoạt động khoáng sản của Hải Phòng hiện nay, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành, kiểm soát từ khâu thẩm định, cấp phép, khai thác đến việc vận chuyển, tiêu thụ tại các bến bãi, công trình. Có như vậy mới hạn chế được việc thất thoát tài nguyên, thất thu các loại thuế, phí, đặc biệt là kiểm soát được nguồn ô nhiễm, phòng ngừa sự cố môi trường.

Kim Oanh


Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông