17:44 29/07/2014
Ngày 20-5-2014, UBND thành phố Hải Phòng ra Chỉ thị 09/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm và kinh doanh sản phẩm gia súc gia cầm trên địa bàn thành phố. Quận Lê Chân được chọn là địa bàn trọng điểm bởi riêng trên địa bàn quận có 56 điểm giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) nhỏ lẻ, trái phép, gây ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm thực phẩm trầm trọng Trong 56 điểm có 13 điểm giết mổ lợn, 43 điểm giết mổ gia cầm, cùng với đó là các điểm giết, mổ GSGC nhỏ lẻ nằm rải rác trong trong các chợ, ở các khu dân cư... Theo đánh giá của Chi cục thú y thành phố, hầu hết các điểm này đều thực hiện quy trình chế biến trên sàn, sử dụng nước giếng khoan, sông ngòi, ao hồ, không có hệ thống xử lý chất thải, chủ yếu trực tiếp thải xuống sông, ao, hồ hoặc cống thải của khu dân cư… Đặc biệt, không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà nghiêm trọng hơn là việc các trang thiết bị, dụng cụ, công nghệ sử dụng tại các điểm giết mổ hoàn toàn thủ công, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho thịt, phụ tạng gia súc, gia cầm. Tại khu vực bờ đê sông Lạch Tray, phường Nghĩa Xá, có những hộ giết mổ GSGC trái phép đã tồn tại hơn chục năm nay, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm trên GSGC và đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng cho biết, thời gian qua đơn vị và các ngành chức năng đã thường xuyên kiểm tra khu tập trung giết, mổ gia súc, gia cầm tự phát nhưng lực lượng không mạnh nên không giữ được tang vật để xử lý do họ hoạt động rất sớm, từ tầm 3 - 4 giờ sáng. Thậm chí đoàn kiểm tra còn gặp phải sự chống đối của các chủ sơ sở vi phạm khi bị xử lý. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt chỉ vài triệu đồng, khó có thể răn đe các hộ giết mổ gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Vì thế, có hộ bị xử phạt hôm trước, hôm sau lại tiếp tục hoạt động. Theo quan sát của chúng tôi, tại một số chợ trên địa bàn quận Lê Chân như chợ Đôn Niệm, chợ Lán Bè, chợ Hàng… hay một số chợ lớn trên địa bàn thành phố như chợ Tam Bạc, chợ Ga, chợ Cầu Tre, chợ Vạn Mỹ…, công tác kiểm soát giết mổ GSGC chưa được thực hiện nghiêm túc. Các chủ hàng thường mang gia cầm sống đến bày bán, khách hàng có nhu cầu mua con nào thì chủ hàng sẽ giết mổ ngay tại chỗ. Việc giết mổ tự phát, không tuân theo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, giết mổ ngay trên nền đất, lông gia cầm, chất thải, nội tạng chất đống, bốc mùi hôi tanh. Nước thải chảy tràn xuống chợ, gây mất vệ sinh môi trường đang hàng ngày hàng giờ đe dọa chất lượng sống của người dân... Rất cần sự đồng bộ, thống nhất Thực hiện Chỉ thị 09/CT-UBND TP của UBND thành phố, UBND quận Lê Chân đã nhanh chóng kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật từ cấp quận đến các phường, chợ, giao trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo các cấp trong công tác giám sát dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin, khử trùng tiêu độc, quản lý hoạt động giết mổ, kinh doanh thịt và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn… Trong đó, quận tập trung giải tỏa các hộ giết mổ gia súc trái phép tại bờ đê phường Nghĩa Xá, vận động các hộ đưa vào giết mổ tập trung tại Công ty cổ phần thực phẩm Hải Phòng.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó chủ tịch UBND phường Nghĩa Xá cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố và UBND quận Lê Chân, UBND phường Nghĩa Xá nhanh chóng thành lập tổ công tác làm việc với các chủ lò mổ tại khu vực bờ đê phường Nghĩa Xá; vận động, tuyên truyền các hộ về chủ trương của thành phố. Ngay sau đó, phần lớn các chủ lò mổ ở đây đều nhất trí với chủ trương của thành phố và cam kết sẽ di chuyển vào khu giết mổ tập trung. Do đó, chỉ đến cuối tháng 6 vừa qua, 9/9 hộ giết mổ trái phép tại bờ đê phường Nghĩa Xá đã ký cam kết và di chuyển vào khu vực giết mổ tập trung tại Công ty cổ phần thực phẩm Hải Phòng; 47 hộ giết mổ gia súc gia cầm nhỏ lẻ đã ký cam kết ngừng giết mổ trái phép và di dời vào khu tập trung theo quy hoạch của thành phố; 430 hộ kinh doanh thịt tại các chợ cam kết chỉ bán sản phẩm có dấu kiểm soát thú y… Bên cạnh đó, quận tăng cường kiểm tra, xử phạt các phương tiện vận chuyển sản phẩm động vật vào địa bàn quận, xử phạt một số trường hợp vi phạm… Mặc dù đạt được những kết quả nêu trên nhưng theo đánh giá của ông Phạm Tiến Du - Chủ tịch UBND quận: Đó chỉ là kết quả bước đầu, thời gian tới, để duy trì và phát huy công dụng của các điểm giết mổ GSGC tập trung, tránh tái diễn các lò mổ tư nhân hoạt động trở lại còn rất nhiều khó khăn... Đại diện lãnh đạo Cty CP thực phẩm Hải Phòng kiến nghị: Để tránh tình trạng các lò mổ tư nhân tái diễn hoạt động trở lại, đề nghị các cấp, các ngành chức năng triển khai nhân rộng mô hình của quận Lê Chân đến các địa phương khác trên toàn thành phố, thiết lập trật tự trong công tác quản lý lưu thông và phân phối, kinh doanh sản phẩm giết mổ trên đường và tại các chợ tạo nên sự đồng bộ, thống nhất. Quyết tâm lập lại trật tự trong việc quản lý, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm, quận Lê Chân đã chủ động trong công tác kiểm tra và phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát nguồn thịt, sản phẩm gia súc, gia cầm từ các địa phương nhập vào quận. Thiết nghĩ, một vấn đề không kém phần quan trọng đó là cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tiêu dùng sử dụng thực phẩm đảm bảo VSAT, có dấu kiểm dịch thú y. THÁI BÌNH |
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão