Thiếu nhi yêu sách - Chuyên đề ý nghĩa ở Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền)

    18:12 12/12/2019

    Những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực viễn thông, truyền hình, đặc biệt là công nghệ thông tin đã kéo theo phong trào đọc sách có chiều hướng giảm sút. Song thực tế cũng cho thấy rằng, công nghệ thông tin không thể thay thế cho việc đọc sách bởi, sách có nhiều ưu thế, nội dung phong phú, có thể sử dụng mọi lúc, mọi nơi. Hơn nữa, việc cầm một cuốn sách bằng giấy trên tay vẫn có nhiều điều thú vị riêng của nó, nhất là cuốn sách mà chúng ta yêu thích…

    Chuyên đề “Thiếu nhi với Ngày hội đọc sách” tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền)

    Dòng chảy lịch sử từ những trang sách

    Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền) vừa tổ chức chuyên đề Đội cấp thành phố “Thiếu nhi với Ngày hội đọc sách” và khai trương “Thư viện thân thiện”. Tham dự chuyên đề có lãnh đạo Đoàn Thanh niên, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngô Quyền, Ban Giám hiệu, các thầy cô giáo và gần 1.000 học sinh nhà trường.

    Trong không khí sôi nổi, chuyên đề “Thiếu nhi với Ngày hội đọc sách” tổ chức với nhiều nội dung, hoạt động hấp dẫn nhằm nâng cao văn hóa đọc cho học sinh. Tiêu biểu là nội dung “Dòng chảy lịch sử từ những trang sách” với các tiết mục kịch, hoạt cảnh xây dựng hình tượng nhân vật lịch sử, câu chuyện đời thường, nhằm khắc họa chân dung những tấm gương hiếu học, ham đọc sách của dân tộc. Tái hiện cảnh thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản bóp nát quả cam thề giết giặc, các em học sinh đã được hòa mình trong không khí của Hội nghị Diên Hồng, với lòng yêu nước nồng nàn, ý chí căm thù giặc sâu sắc.

    Hình ảnh của thầy giáo Chu Văn An, người mà ngôi trường các em được vinh dự mang tên, lại hiện lên trong hoạt cảnh đối thoại giữa thầy giáo Chu Văn An và học trò Phạm Sư Mạnh (đã trở thành Tể tướng đương triều). Phạm Sư Mạnh là học trò của thầy Chu, lần nào về thăm thầy cũng khép nép, giữ gìn. Một ngày nọ, Phạm Sư Mạnh cùng quân lính của mình trở về quê thăm thầy, gặp phiên chợ quê, người mua kẻ bán tấp nập, để dọn đường cho kiệu quan đi qua, quân lính vung roi, thét loa huyên náo cả vùng. Chuyện đến tai thầy Chu, lúc Phạm Sư Mạnh vào nhà, ông chỉ thẳng vào mặt và trách rằng: Về thăm thầy mà làm náo động cả bàn dân thiên hạ thì ta còn mặt mũi nào mà ngẩng đầu lên nhìn mọi người… Hình ảnh người thầy như một tấm gương sáng về lòng say mê ham học và bản tính cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, là bậc thầy hiền tài đức độ, và hiếu nghĩa tôn sư trọng đạo.

    Bài học về thiếu niên anh hùng Nguyễn Ngọc Ký - tấm gương cho lòng can đảm và nghị lực vượt qua nỗi bất hạnh của bản thân để bao thế hệ học trò noi theo học tập… Cũng tại ngày hội, các em học sinh tham gia trả lời các câu hỏi về các hoạt cảnh đã được xem, cũng như tìm hiểu về ý nghĩa, bài học rút ra từ những tấm gương thầy giáo, thiếu niên anh hùng. Kết lại là hình ảnh của Hải Phòng hôm nay đang vươn ra biển lớn, đang vươn mình đứng dậy trong niềm hân hoan phấn khởi của bao người con đất Cảng.

    Cô giáo Hiệu trưởng Phạm Thị Diện và các em học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An bên sản phẩm trưng bày sách

    Các em học sinh cũng được đọc sách và tra cứu tài liệu miễn phí từ xe sách lưu động của Thư viện Khoa học - Tổng hợp thành phố, từ những giá sách do chính các thầy cô giáo và học sinh nhà trường tự tay sắp đặt. Từ trong những trang sách của ngày hội đọc sách hôm qua, hôm nay và ngày mai, các em học sinh càng có thêm niềm tin vào tương lai của thành phố biển - một thành phố rực đỏ màu hoa lửa luôn kì vọng vào lớp lớp học trò sẽ đem công sức miệt mài say mê học tập để cùng xây dựng quê hương đất nước.

    Thư viện thân thiện - nguồn tri thức vô tận

    Văn hóa đọc đã là một phần máu thịt không thể tách rời trong mỗi người con nước Việt. Truyền thống đó luôn được lan tỏa từ đời này qua đời khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác, đó là cội nguồn, là trí tuệ, là hào khí oai hùng của dân tộc Việt Nam trải qua hơn 4000 năm lịch sử. Thông qua đọc sách và yêu quý sách đã thắp lên ngọn lửa về tinh thần hiếu học của bao thế hệ học trò, để rồi cũng từ mỗi trang sách, chúng ta lại rút ra những bài học quý giá, bổ ích, qua đó cảm thấy yêu và tự hào về kho tàng văn học Việt Nam.

    Dịp này, Trường Tiểu học Chu Văn An khai trương “Thư viện thân thiện” do tổ chức phi Chính phủ Room to Read hỗ trợ xây dựng. Năm 2019, Trường Tiểu học Chu Văn An là một trong 17 trường Tiểu học trên địa bàn thành phố được tổ chức này hỗ trợ, triển khai xây dựng thư viện thân thiện để phát triển văn hóa đọc cho học sinh, nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Với quyết tâm cao trong thời gian ngắn, thầy và trò nhà trường đã bắt tay vào cải tạo, tu sửa, sắp xếp để thư viện thực sự trở thành thư viện thân thiện.

    Tại thư viện này, các kệ sách được phân lọai theo các mã màu phù hợp với trình độ của các em: như các mã màu xanh lá, đỏ, cam, trắng, xanh dương, vàng để các em thảo sức lựa chọn; thư viện còn có hệ thống các văn bản hướng dẫn học sinh đọc, mượn trả sách hàng ngày theo lịch.

    Thư viện thân thiện tại Trường Tiểu học Chu Văn An (quận Ngô Quyền)

    Đặc biệt đến với Thư viện thân thiện, học sinh được hòa mình trong không gian ấm áp, được thỏa sức sáng tạo với 4 góc đặc trưng, như: Góc tra cứu - nhằm rèn các em kĩ năng quan sát, tìm kiếm nhanh để tìm cho được được quyển sách có mã màu gợi ý phù hợp với khả năng tiếp thu kiến thức của mình; Góc trò chơi - góc dành riêng cho tuổi thơ mà bạn nào cũng thích và muốn đến với không gian không rộng lắm, nhưng góc trò chơi đã là điểm đến và là lựa chọn đầu tiên của hàng nghìn các bạn nhỏ khi bước vào thư viện; ở đây, các em được gợi ý để chơi những trò chơi mới và phù hợp.

    Góc trưng bày nhiều sản phẩm sáng tạo nhất, nhiều ý tưởng hay hay độc đáo. Nhiều tình cảm sâu lắng của các bạn nhỏ về nhân vật hay nhiều câu chuyện nhất thì phải kể đến Góc viết, nơi đây lưu giữa những bức tranh, những hình ảnh, những chia sẻ và cảm nhận của các em sau khi đọc sách. Nhằm giáo dục truyền thống của dân tộc, những nét văn hóa đặc trưng của các vùng miền hay địa phương, ở góc địa phương của thư viện nhà trường, thông qua những di vật , những sản phẩm được trưng bày, một lần nữa chúng ta thêm tự về các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương mình.

    HẢI HẬU

    Từ khóa:
    Bình luận của bạn về bài viết...

    captcha

    Bản tin Pháp luật

    Video clip

    Phóng sự ảnh

    An toàn giao thông