Các nhà thơ nữ đóng góp tích cực vào diện mạo văn chương đất Cảng

21:28 25/02/2022

Hội Nhà văn Hải Phòng hiện nay có 38 người, chiếm 1/4 tổng số hội viên, trong đó có 8 nhà văn, 27 nhà thơ, 2 nhà phê bình văn học, 1 dịch giả văn học. Mới đây, tại bàn tròn văn chương “Thơ nữ đất Cảng” do Hội Nhà văn Hải Phòng tổ chức các ý kiến đều thống nhất khẳng định thành quả lao động sáng tạo của các nữ hội viên đã và đang đóng góp tích cực vào diện mạo văn chương đất Cảng.

Phát huy nội lực sáng tác

Thơ là con đường gian nan, cần sự tìm tòi, khám phá, đam mê, nhất là càng gian nan hơn với nữ thi sĩ khi cuộc sống gia đình bộn bề lo toan. Bàn luận về đóng góp, phát triển của các nhà thơ nữ đất cảng, nhà biên kịch, nhà văn Nguyễn Long Khánh cho rằng, các nữ nhà văn, nhà thơ Hải Phòng ít viết về nhau, nên sự quảng bá, nâng đỡ nhau cùng bay xa vượt lên khuôn khổ nền thi ca Hải Phòng chưa nhiều.

Bên cạnh đó, một số tác giả cố gắng đổi mới cách viết, cách thể hiện thơ ca, nhưng mang tính gượng ép đưa vào những vần thơ triết lý, khó hiểu, khiến bạn đọc khó tiếp nhận. Thực tế này đòi hỏi các nhà thơ hãy viết về chính mình, về những gì mình hiểu biết nhất bằng cảm xúc chân thành sẽ chạm đến tâm hồn người đọc, mà không mất giọng viết riêng, tránh đường mòn trong từng trang thơ.

Những đóng góp của các nữ nhà thơ đất Cảng góp phần làm nên một trường thơ nữ Hải Phòng đặc sắc

Thế hệ trước, các nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh, Dư Thị Hoàn không viết nhiều, nhưng có những câu thơ, bài thơ khiến người đọc nhớ mãi đến tận giờ. Ngày nay, một số nhà thơ trẻ có thể tiến xa hơn trên con đường chinh phục, khẳng định bản thân nếu đam mê và không ngừng đổi mới, tiết giảm câu chữ. Như thơ Thy Nguyên độc đáo, mới lạ hoặc thơ của tác giả trẻ Trần Ngọc Mỹ trong sáng, giản dị, có nội lực… Ngoài ra, các nhà thơ nữ cũng cần mạnh dạn chức nhiều hoạt động giao lưu, giới thiệu, quảng bá tác phẩm xa gần trong và ngoài thành phố, khẳng định vị trí, phong cách thơ không thể trộn lẫn của các nhà văn, nhà thơ nữ Hải Phòng.

Tại hội nghị bàn tròn văn chương “Thơ nữ đất Cảng” Nhà thơ Thi Hoàng nhấn mạnh, không vì khó khăn mà chùn bước và coi sáng tác thơ ca chỉ để khỏa lấp nỗi lòng, mỗi nhà thơ nữ phải gắng đưa khả năng lên tài năng bằng cách không ngừng nạp kiến thức văn hóa, phải học, phải đọc, trong chừng mực nào đó phải lắng lại sẽ có độ sâu, để nhìn nhận làm bật vấn đề tư tưởng, thông tin, nhân văn trong thơ, văn. Điều này có nghĩa thơ phải là cái tôi chủ quan trong khách quan của đời sống để phản ánh, ghi nhận và dự báo những phát triển đổi thay của thành phố hôm nay.

Nữ nhà thơ Bùi Thu Hằng chia sẻ: “Sau bàn tròn văn chương về nhìn nhận, có khen, có chê của các nhà thơ, nhà bình luận, chúng tôi thêm động lực tự tin thể hiện cách nhìn, cách viết rõ nét hơn trên các trang thơ, văn. Để làm được điều đó, chúng tôi sẽ phải “vắt” mình hơn, hy sinh hơn để cho ra đời những đứa con tinh thần đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa của nhân dân thành phố và khẳng định tiếng nói của thơ nữ Hải Phòng trên dòng chảy văn chương đất Cảng”.

Bắt nhịp dòng chảy văn chương thành phố

Nhà thơ Vũ Thúy Hồng (Hội Nhà văn Hải Phòng) cho biết, thời gian qua, các nhà thơ nữ Hải Phòng bắt nhịp với dòng chảy chủ lưu của văn chương thành phố và cả nước. Hiện, Hội Nhà văn Hải Phòng quy tụ nhiều cây bút nữ đương đại như: Vũ Thị Huyền, Nguyễn Thị Thúy Ngoan, Trần Thị Lưu Ly, Phương Liên, Thy Nguyên, Trần Ngọc Mỹ…Bên cạnh đề tài quen thuộc về tình yêu gia đình, lứa đôi và thể hiện cái tôi bản thể của người phụ nữ, nhiều tác giả, tác phẩm thể hiện sự táo bạo, sôi nổi, mạnh mẽ để tạo nên sắc thái riêng của thơ ca đất Cảng.

Thế hệ nữ trẻ đương đại còn vượt qua cái tôi cá nhân, mang hơi thở thời đại và đưa tất cả sự vật, hiện tượng trong cuộc sống thành nhân vật trong tác phẩm. Nổi bật, các nhà thơ: Nguyễn Thị Kim Lan, Trần Thị Thị Lưu Ly, Trần Thị Ngọc Mỹ, nhất là Thuy Nguyên vừa ra mắt trường ca “Gửi…”. Trường ca tạo tiếng vang trong thi đàn thơ ca cả nước khi tác giả không chỉ thể hiện độc đáo cách viết, cách nhìn vấn đề, mà còn để lại nhiều sự trăn trở về sứ mệnh của nhà văn đối với những người cầm bút sáng tạo, đam mê văn chương.

Các nữ nhà thơ trẻ còn có những bước đi mới, phù hợp thời đại công nghệ số và văn học mạng. Nhờ đó, sự xuất hiện của các tác giả nữ ngày càng phổ biến hơn, bên cạnh đăng đàn trên báo chí hay in tập thơ, còn tự tin đăng đàn trên các diễn đàn, cộng đồng mạng, trên các trang cá nhân facebook, zalo… Đây là bước ngoặt trong sự cởi mở, bước ra xã hội và thế giới của các nhà thơ nữ Hải Phòng.

 Nhà thơ Thi Hoàng, Ủy viên thường trực Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Hải Phòng có 9 nhà thơ nữ, trong khi một số địa phương khác chỉ có 1-3 người, thậm chí không có hội viên nữ. Điều đó cho thấy lực lượng nữ nhà văn, nhà thơ Hải Phòng đủ mạnh để theo kịp dòng chảy của thơ Việt Nam. Các nhà thơ, nhà văn nữ thể hiện phong cách, sắc thái riêng, hình thành tính chuyên nghiệp. Những phong cách viết ấy không chỉ sống động trên trang giấy mà mang đậm chức năng giáo dục, nhận thức và cảm nghĩ của văn chương. Để thấy rằng sự đóng góp quan trọng, đầy sức nặng trong nền thi ca đất Cảng của các nhà văn, nhà thơ nữ.

VŨ DUYÊN

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông