13:37 07/03/2020 Không có nguồn thu, lại phải gánh tiền lương, tiền thuê nhà đến hàng chục triệu/tháng, nhiều trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình đang gồng mình để vượt qua những tháng học sinh nghỉ học vì phòng chống dịch Covid-19, hoặc có thể phải chấp nhận đóng cửa…
Trường mầm non Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng vắng lặng ngày không có học sinh đi học
Không lương vẫn trực trường
Sáng 5-3, tại Trường mầm non Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng (quận Lê Chân), các cô giáo trong ca trực vẫn có mặt để trông nom trường, lau dọn các phòng học.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà, giáo viên dạy lớp 5 tuổi, vẫn đang lau dọn các phòng học, mở cửa phòng, đun bồ kết cho bay mùi ẩm mốc sau cơn mưa rào ngày hôm trước. Cô Hà cho biết, từ sau Tết Nguyên đán, học sinh mới học được mấy buổi đã được thông báo cho nghỉ để phòng chống dịch. Gần hai tháng trời, các phòng học không có học sinh, nay lại gặp mùa mưa ẩm nên phải thường xuyên lau dọn, tránh mùi ẩm mốc. Để chờ các con quay trở lại trường học, các giáo viên, cô nuôi của nhà trường thường xuyên đốt bồ kết xông phòng, lau hóa chất để “ấm phòng”, tránh các loại vi khuẩn thường phát sinh vào mùa mưa ẩm, cũng là để khử khuẩn phòng dịch Covid-19 của năm nay.
Tay lau dọn, mắt cô giáo Hà thấm buồn. Cô tâm sự: “Chúng tôi là những giáo viên trường mầm non tư thục. Giai đoạn này thực sự phải nói rất khó khăn. Học sinh nghỉ học, trường học đóng cửa là các thầy cô cũng không có lương. Khác với trường công, các đồng nghiệp được nghỉ nhưng vẫn hưởng lương còn chúng tôi nghỉ dạy đồng nghĩa với việc không có lương. Trong thời điểm này, có nhiều cô giáo còn phải làm thêm những nghề khác để kiếm thu nhập. Nếu cứ tiếp tục nghỉ học như thế này chắc chúng tôi phải bỏ việc hoặc bị cho nghỉ”.
Bô giáo Nguyễn Thị Hà lau dọn phòng học chờ đón học sinh trở lại trường
Gia đình cô giáo Nguyễn Thị Hà, hai vợ chồng làm viên chức, trông cả vào đồng lương để nuôi hai con nhỏ, một con học lớp 4, một con mới lên 3 tuổi. Nay, một nửa nguồn thu nhập đã không còn. Những ngày cô giáo Hà đi trực tại ngôi trường không có học sinh này, cô đem theo con đến chỗ làm vì không gửi được ở nhóm trẻ nào gần nhà…
Không có khoản thu, khó trăm bề
Cô giáo Đinh Thị Lý, Hiệu trưởng Trường mầm non Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng cho biết, trường có 24 cán bộ, giáo viên, nhân viên quản lý và chăm sóc khoảng 300 cháu mầm non, con em nhân dân trên địa bàn phường Niệm Nghĩa. Nguồn thu để trả lương cho người lao động của trường đa phần là từ học phí. Mỗi tháng, từ nguồn thu của phụ huynh học sinh, trường chi trả tiền lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động của trường. Tuy nhiên, mấy tuần qua, thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, các học sinh được nghỉ học.
Theo nguyên tắc, học sinh đến trường ngày nào đóng học phí ngày đó, nên từ khi học sinh được nghỉ học, trường không có nguồn thu và cũng không được Nhà nước hỗ trợ bất kỳ khoản nào. Các cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường từ đó đến nay vẫn chưa được nhận lương, chờ đến khi học sinh đi học trở lại. Trong khi đó, theo chỉ đạo chung, nhà trường vẫn phải thường xuyên điều động giáo viên, nhân viên đến vệ sinh, khử khuẩn khu vực trường lớp ngay cả khi học sinh nghỉ ở nhà.
Các phòng học được xông bồ kết để tránh ẩm thấp những ngày không có học sinh
“May mà nhà trường không phải chi trả các khoản tiền thuê cơ sở như nhiều trường ngoài công lập khác, ngay cả tiền thuê đất cũng được Tổng công ty lo rồi. Trong những ngày khó khăn này, nhà trường cũng mong muốn được Tổng công ty hỗ trợ, nhưng vẫn chưa được nên phải tự lực cánh sinh thôi. Các cô giáo mong học sinh đến trường, gia đình các cháu cũng muốn gửi con. Nhưng do dịch, dù khó khăn đến mấy cũng đành để các con ở nhà…”, Hiệu trưởng Đinh Thị Lý nói.
Không phải cơ sở mầm non ngoài công lập nào cũng chỉ phải chi lương như Trường mầm non Tổng công ty xây dựng Bạch Đằng, nhiều trường còn phải đi thuê nên mỗi tháng ngoài tiền lương, bảo hiểm của cán bộ, giáo viên, còn phải chi trả hàng chục triệu tiền thuê trụ sở. Chủ nhóm lớp Thiên thần ở phường Thượng Lý (quận Hồng Bàng) Trần Thị Thu Hà cũng cho biết, chị chưa biết xoay xở thế nào trong thời điểm khó khăn này, trong khi phải thuê trụ sở mức 15 triệu đồng/tháng, chưa tính tiền lương cho giáo viên, nhân viên.
Không có quỹ dự phòng tiền lương cho giáo viên, nhiều cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thu đến đâu chi hết đến đó. Vì vậy, học sinh nghỉ thì giáo viên chậm lương và chậm đóng bảo hiểm.
Mong được hỗ trợ vượt khó
Dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp và bùng phát ở nhiều nước ngoài Trung Quốc. Để phòng, chống dịch bệnh, đã có 60/63 tỉnh, thành phố quyết định cho học sinh nghỉ đến giữa tháng 3-2019, trong đó có học sinh mầm non. Mỗi lần nhận được thông báo tiếp tục nghỉ học thêm một tuần nữa, nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập tăng thêm gánh nặng kinh tế. Phó phòng Giáo dục quận Lê Chân Nguyễn Thị Liên nhận định, với việc tiếp tục nghỉ học phòng chống dịch Covid-19, các trường mầm non công lập khó khăn đã đành nhưng vẫn còn đảm bảo lương cơ bản, nhưng các trường mầm non ngoài công lập, nhóm lớp mầm non thì đang đứng bên bờ vực.
Trường, lớp đẹp nhưng lại... để không rất nhiều ngày nay
Toàn quận hiện có 17 trường mầm non tư thục, 48 nhóm lớp mầm non có phép. Để phòng chống dịch, phòng GD-ĐT quận đã hỗ trợ các trường mầm non công lập về công tác tuyên truyền phòng chống dịch, hướng dẫn công tác chuyên môn qua mạng; mới đây nhất, quận đã nhận cấp từ thành phố 9.560 chiếc khẩu trang vải và đã phát cho tất cả các trường mầm non. Tuy nhiên, đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, việc hỗ trợ không được nhiều. Tuy đến nay các cơ sở vẫn đang cầm cự, nhưng nhiều nơi cho biết khó đối mặt với khoản chi vài chục triệu đến cả trăm triệu/tháng trong khi không có nguồn thu, có nguy cơ đóng cửa.
Xác định tình trạng này là khó khăn chung, nhưng hiện nay rất nhiều cơ sở mầm non tư thục lao đao. Đời sống của hàng trăm giáo viên, nhân viên tại các cơ sở này bấp bênh vì không có việc làm, không có lương. Tâm lý của giáo viên hoang mang vì không biết đến khi nào hết dịch bệnh, các cháu học sinh đi học trở lại. Trước tình hình đó, nhiều giáo viên, nhân viên phải xoay xở tìm việc làm thêm mới hoặc tìm hướng chuyển nghề vì phải lo cho kinh tế gia đình, bảo đảm cuộc sống hằng ngày. Nhiều giáo viên chuyển sang bán hàng online hoặc ship hàng, vào làm việc tại các khu công nghiệp VSIP (huyện Thủy Nguyên), Nomura (huyện An Dương)… Các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập mong mỏi, đề nghị với cấp, ngành thành phố, chung tay góp sức hỗ trợ thêm phần nào đối với các giáo viên các cơ sở giáo dục ngoài công lập, để họ gắn bó với nghề.
HẢI HẬU
21:17 22/11/2024
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão