21:19 20/09/2018 Thông lệ hàng năm, cứ đến tháng Tám âm lịch, khi mùa cưới bắt đầu là thị trường thời trang thu đông cũng khởi động, sau đó thời tiết chuyển mùa sẽ là điểm nhấn quan trọng. Tuy nhiên năm nay, diễn biến có nhiều thay đổi, đến tận thời điểm này dù đã có vài đợt gió bắc, nhưng khí tiết mùa hè vẫn chưa dứt, nắng lắm mưa nhiều khiến thị trường chưa có nhiều thay đổi.
Quần áo thu đông đã được bày bán khá nhiều
Buồn người bán, chán khách mua
Dạo quanh các chợ truyền thống, điều nhận thấy rõ là mặt hàng quần áo mùa hè đã được thu bớt, bù vào đó là một số mẫu quần áo thu đông. Tuy nhiên, theo chủ một quầy hàng ở chợ Tam Bạc thì thời điểm này còn ít mẫu mã mới, giá cả cũng tùy thuộc theo từng loại và…từng đối tượng khách hàng. Vả lại, cơ bản các cửa hàng cũng chưa bày bán những loại áo khoác, ngoại trừ một sỗ mẫu quá cũ bán theo dạng thành lý.
Tại khu vực trung tâm thương mại, mặt hàng quần áo là cuộc đua tam mã giữa BigC, MM MegaMarket và Coopmart. Nhưng điểm chung là các siêu thị đang khuyến mại giảm giá hoặc thanh lý những mẫu mã cũ, lỗi mốt hoạch hàng trưng bày cũ. Cùng với đó, nhiều quần áo may sẵn giá rẻ cũng đã được bày bán, nhưng chủ yếu vẫn là hàng giao mùa dùng cho cả hai vụ thu-đông. Đi vào chi tiết, nếu như BigC đa dạng sản phẩm với nhiều thương hiệu khác nhau, thì MM Mega Market lại tạp trung khai thác nhiều thương hiệu hàng may sẵn có tên tuổi hơn nhưng đồng thời giá cũng đắt hơn. Trong khi đó Co-opmart cũng thực hiện cạnh tranh khá ấn tượng, thể hiện trong chương trình “Tuần lễ vàng săn hàng Asean”, với nhiều sản phẩm khá ấn tượng.
Một phân khúc thị trường thời trang thu đông khác được dành cho các loại giày dép. Trên các quầy hàng thuộc đường Nguyễn Đức Cảnh, loại giầy nữ bán chạy làm từ chất liệu giả da phổ biến với khung giá từ 110.000 đồng đến 160.000 đồng/đôi, sản phẩm từ da thật iys kiểu dáng hơn và có giá tương đối đắt. Trong khi đó loại giày da cho nam giới lại phong phú, như giày da nội đế nhựa loại rẻ tiền chỉ từ 300.000 đồng/đôi, loại đắt tiền dùng đế nhựa kếp hoặc nhựa “phíp” có giá từ 450.000 đồng trở lên/đôi. Một chủ cửa hàng tâm sự: “Giày dép chưa thực sự bán chạy, mẫu mã cũng đa phần của năm cũ…”. Chủ cửa hàng cũng cho biết thêm, mấy năm gần đây giày dép Trung Quốc nhập về ít, vì hàng nội địa cũng ngày càng phong phú và chất lượng.
Trỏ lại với thời trang may mặc, nhìn tổng thể, mức giá thời điểm giao mùa đang cao hơn vụ năm trước khoảng 5 đến 10%, ví dụ một chiếc áo thun dài tay được cho là xuất xứ Trung Quốc loại rẻ chỉ có 70.000 đồng/chiếc cho cả nam lẫn nữ, nhưng cũng có loại lên tới 600.000 đồng. Ở khu vực chợ truyền thống, nhiều chủ hàng này cho biết, ngược với cùng thời điểm năm ngoái, mùa thu năm nay quần áo mùa hè bán vẫn chạy, nhất là áo phông và quần “jean” trong khoảng giá từ 150.000 đồng đến dưới 250.000 đồng/chiếc.
Vẫn chưa định hình
Đó là tình cảnh chung của mặt hàng chăn, ga, gối, đệm tại thời điểm này. Khảo sát cho thấy, dù mấy ngày nay, khi thời tiết có dấu hiệu chuyển mùa, nhưng thị trường chăn ga gối đệm thành phố cơ bản chưa khởi sắc.Có lẽ dự báo trước được nên các siêu thị và đại lý cũng khá khiêm tốn khi chỉ khai thác những mặt hàng giá rẻ và chủng loại cũng hạn chế.
Như tâm sự của một chủ cửa hàng đệm Hàn trên đường Lạch Tray, tháng Tám âm lịch cũng là bắt đầu mùa cưới, lượng hàng bán ra cũng tương đối, nhưng doanh thu chỉ đạt hơn một nửa so với năm ngoái, vì đa phần bán được là hàng giá rẻ. Kinh tế khó khăn khiến các cặp uyên ương cũng tằn tiện trong chi tiêu, những nhà thực sự giàu thì lại ít người để mắt đến, nhất là thương hiệu nổi tiếng. Còn một đại lý khác nhưng chuyên về đệm Việt cũng trên đường Lạch Tray thì chia sẻ: “Thương hiệu Việt tiếp thị kém, nên hàng hóa tiêu thụ rất chậm…”. Ông này cho biết, hiện cửa hàng phải bỏ hợp đồng đại lý độc quyền, để trở lại với phương thức đa sản phẩm. “Độc quyền như năm ngoái, tôi phải bán tống bán tháo các loại đệm của một hãng nội địa, thu về chưa đủ hoàn vốn”. – Chủ hàng này ngậm ngùi nói.
Khảo sát cho thấy, hiện thị trường Hải Phòng vẫn còn khá nhiều đại lý bán chăn ga gối đệm xuất nguồn chủ yếu từ Hàn Quốc, nhưng được sản xuất trong nước như Everon, EverHome, Hanvico… như đã nói ở trên, sức tiêu thụ rất hạn chế. Tuy nhiên đa số các sản phẩm bán đồng bộ thuộc phân khúc đắt tiền đã tăng giá từ 5 đến 15% so với vụ mùa năm trước, tập trung vào nhóm khoảng 10 sản phẩm được cho là có khả năng tiêu thụ tốt, chủ yếu cho nhu cầu của các đôi “uyên ương” mùa cưới. Còn lại nguồn phục vụ tiêu dùng rất ít khi được bán đồng bộ, đây cũng là chỉa sẻ của một chủ cửa hàng trên đường Ngô Gia Tự: “Nhà mình nằm giữa khu bán hàng giường tủ và nội thất khác, nên mọi năm khách hàng cứ sắm là hàng loạt…”. Theo ông này, hàng giá rẻ bán đồng bộ ngày càng giảm, thường thì khách hàng chỉ mua đệm, rồi chợ hoặc ra vỉa hè mua ga gối nhãn hiệu khác hoặc hàng nhái có giá rẻ hơn.
Để kích cầu, mấy ngày nay không ít đại lý áp dụng các chiêu khuyến mại “đại hạ giá”, chiết khấu hoặc tặng quà… thậm chí có đại lý thông báo giảm sốc tới 50%? Nhưng theo lời khuyên của những người có kinh nghiệm, khách hàng khi lựa chọn mua chăn ga gối đệm, nên đến các đại lý độc quyền đặt nhiều ở các đường Cầu Đất, Lạch Tray, Tô Hiệu, Ngô Gia Tự… để mua hàng chính hãng. Ngược lại nếu mua hàng giá rẻ thì lên các đường Quang Trung, Phan Bội Châu tìm mua hàng Trung Quốc, nhưng phải chấp nhận mặc cả giá. Bởi càng những chỗ quảng cáo khuyến mại khủng, càng phải thận trọng.
Trong khi đó, tại đường Phan Bội Châu, một người bán hàng bật mí: “Nếu người ta nói là hàng Việt thì cũng phải cẩn thận, vì nhiều hàng Trung Quốc giả hàng mình lắm, hàng hiệu đại lý chính hãng họ cũng không khuyến mại đến mức khủng khiếp như cho thế đâu …”. Theo người này “tư vấn”, nếu mua cứ thấy chữ Trung Quốc xịn mua thì không sao, chứ hàng Việt mà bán ở cửa hàng có quá nhiều thương hiệu, rất dễ “ngậm” phải hàng nhái.
Lê Minh
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão