Thu ngân sách đối với các khoản thu từ đất: Tiến độ chậm và nhiều vướng mắc

14:37 04/06/2023

Năm 2023, dự toán thu ngân sách nội địa của Hải Phòng là 42.500 tỷ đồng. Trong đó, số thu từ đất là 15.200 tỷ đồng, bao gồm 13.000 tỷ đồng tiền sử dụng đât và 2200 tỷ đồng tiền thuê đất. Đây là một khoản thu quan trọng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu ngân sách năm 2023 của thành phố với nhiều kỳ vọng nhưng kết quả thu qua 5 tháng còn quá thấp. Tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng chỉ đạo: tập trung cao, thực hiện giải pháp đồng bộ, quyết liệt để hoàn thành khoản thu từ đất.

                                                                                                       Số thu quá thấp

          Theo Sở Tài chính, trong số 13.000 tỷ đồng dự toán thu tiền sử dụng đất thì khối thành phố được giao thu 7824 tỷ đồng; khối quận, huyện là 3676 tỷ đồng; ghi thu ghi chi 1500 tỷ đồng.

          Ước 5 tháng, số thu tiền sử dụng đất mới đạt 1277 tỷ đồng, bằng 9,8% dự toán được giao. Trong đó, số thu của khối thành phố phụ trách mới đạt 301 tỷ đồng, bằng 3,8% dự toán; khối quận, huyện đạt 976 tỷ đồng, bằng 26,6% dự toán. Mới chỉ có 2 địa phương thu đạt và vượt tốc độ bình quân thu tiền sử dụng đất 5 tháng là  huyện Cát Hải đạt 49,8%; quận Hải An đạt 45,3%. Trong đó, huyện Cát Hải chủ yếu do phát sinh thu tiền sử dụng đất khu tái định cư Cát Hải 21,4 tỷ đồng. Quận Hải An có số thu tiền sử dụng đất của dự án Duy Hưng 383 tỷ đồng. Còn lại 12 quận, huyện chưa đạt tốc độ thu bình quân. Trong đó, có một số quận, huyện đạt thấp như Hồng Bàng (16,3%); Thủy Nguyên (16%); Tiên Lãng (11,9%); Kiến An (1,7%); Kiến Thụy (1,4%).

                             

Khu đất tại xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên chuẩn bị tổ chức đấu giá thu tiền sử dụng đất

          Theo các địa phương, nguyên nhân khiến số thu tiền sử dụng đất thấp là do thị trường trầm lắng, giá đất giảm, giao dịch thành ít. Một số địa phương dù đã chuẩn bị khá kỹ càng cho các khu đất đấu giá nhưng không thành. Như ở huyện Kiến Thụy, dự án đấu giá đất Hữu Bằng đã hoàn thành nhưng nhà đầu tư bỏ cọc; huyện tổ chức đấu giá lại lần 2 nhưng không thành do vướng mắc về giá khởi điểm và giá thực đấu ở lần 1. Còn ở Thủy Nguyên, có trường hợp mời gọi đấu giá nhưng kết thúc chỉ có 4 hồ sơ. Đây cũng là tình trạng chung ở một số địa phương khác khi các dự án đấu giá đất không còn thu hút đông đảo người tham gia nữa, ngược lại vắng vẻ và khó thực hiện.

          Còn ở khối thành phố, 5 tháng qua mới thu tiền sử dụng đất ở 2 dự án cũ là số 3 Lê Lai, quận Ngô Quyền với số thu 291 tỷ đồng; thu nợ dự án Hòn Dấu, quận Đồ Sơn 10 tỷ đồng. Còn lại vẫn đang trong quá trình thu. Số 1500 tỷ đồng ghi thu ghi chi tiền sử dụng đất chưa phát sinh.

          Về tiền thuê đất, 5 tháng mới thu đạt 288 tỷ đồng, bằng 13% dự toán năm. Theo Sở Tài chính, tiền thuê đất giảm gần 3000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022 là do lúc đó có số thu dự án Khu Du lịch quốc tế Đồi Rồng hơn 2400 tỷ đồng; dự án tại số 4 Trần Phú 420 tỷ đồng… Theo lý giải của các ngành, trong số 2.200 tỷ đồng dự toán tiền thuê đất có thu theo sổ bộ 700 tỷ đồng; thu 1 lần dự án Vịnh Trung tâm Cát Bà 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án Vịnh Trung tâm chưa triển khai nên tỷ lệ thu tiền thuê đất 5 tháng đầu năm đạt thấp. Nếu loại trừ khoản thu 1 lần dự án Vịnh Trung tâm Cát Bà, thu tiền thuê đất ước 5 tháng đạt 41,1% dự toán HĐND thành phố giao.

                                                             Khẩn trương đôn đốc thu tiền đất

           Cho dù có nhiều lý do chủ quan và khách quan nhưng kết quả thu tiền đất 5 tháng quá thấp là điều khó có thể chấp nhận. Số thu này chiếm tới 30,6% tổng thu nội địa nên càng không thể lơ là. Bởi vậy, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng; Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân nhiều lần họp, kiểm tra, đôn đốc và sẽ tiếp tục dành nhiều thời gian, sự quan tâm chỉ đạo cho công việc này trong những ngày tới với yêu cầu phải quyết tâm, quyết liệt thực hiện bằng được dự toán đề ra.

          Thực tế, tiềm năng thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất của thành phố không nhỏ. Cụ thể, theo các ngành thành phố, về thu tiền sử dụng đất, thành phố sẽ đôn đốc thu từ dự án phát triển khu dân cư tại thị trấn Vĩnh Bảo, huyện Vĩnh Bảo do Công ty CP May Diêm Sài Gòn là chủ đầu tư với số thu dự kiến 559 tỷ đồng; dự án VSIP, huyện Thủy Nguyên 201 tỷ đồng; dự án Khu đô thị Our City tại quận Dương Kinh dự kiến thu hơn 2000  tỷ đồng; dự án Cầu Vồng Hoa Lan 35,8 tỷ đồng…Đây chủ yếu là các dự án nợ đọng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nên càng cần có các giải pháp quyết liệt, hiệu quả để đôn đốc thu kịp thời  vào ngân sách.

                          

                                               Dự án Our City sẽ phải nộp hơn 2000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất

          Theo Sở Tài nguyên Môi trường, Trung tâm phát triển quỹ đất đang quản lý 45 khu đất với tổng diện tích 3.766.622 m2. Trong đó có 13 khu đất dự kiến đưa vào kế hoạch đấu giá năm 2023 với diện tích 654.357m2, với tổng số tiền dự kiến thu được là 2834 tỷ đồng. Tiêu biểu có thể kể tới các khu đất trong khu đô thị mới bắc sông Cấm; khu đất thu hồi của Hội CTĐ thành phố, của Công ty CP vận tải xăng dầu VIPCO; Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng; Công ty TNHH Total Gas Hải Phòng; khu đất thu hồi của Tổng công ty 28- Bộ Quốc phòng.

           Còn tại các quận, huyện, theo dự kiến có khoảng 570.419 m2 đất sẽ được đưa ra đấu giá với tổng số tiền sử dụng đất dự kiến thu được là 4287 tỷ đồng. Một số quận, huyện khá nóng bỏng trong đấu giá đất như huyện An Dương có 15 dự án nằm tại các vị trí khá đắc địa, dự kiến thu về 517 tỷ đồng. Quận Hải An có 12 dự án, dự kiến thu 623 tỷ đồng. Quận Lê Chân có 6 dự án, dự kiến thu hơn 1300 tỷ đồng. Huyện Thủy Nguyên có 13 dự án, dự kiến thu 725 tỷ đồng…

          Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay vẫn là các thủ tục còn nhiều và còn bị kéo dài qua các cấp phê duyệt. Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương cũng chưa chặt chẽ, nhịp nhàng, kịp thời. Do đó, thời gian tới, UBND thành phố sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu có thể phân cấp, tăng thẩm quyền phê duyệt cho các quận, huyện, kể cả về xác định giá đất để tăng tính chủ động và tự chịu trách nhiệm của các địa phương nhằm giảm bớt thời gian, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất.

      Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị UBND thành phố giao UBND các quận, huyện căn cứ theo kế hoạch thu ngân sách được giao năm 2023 khẩn trương rà soát, bổ sung các điểm đấu giá quyền sử dụng đất, lập đường găng tiến độ cụ thể để bảo đảm kế hoạch đấu giá năm 2023 theo quy định, gửi Sở Tài nguyên Môi trường hàng tuần, hàng tháng để tổng hợp chung, bảo đảm tiến độ và kế hoạch thu ngân sách theo chỉ đạo của UBND thành phố./.

                                                                                                                                    Hồng Thanh

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông