19:18 06/03/2022 Được công nhận là mô hình kiểu mẫu về phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương, mô hình “Trồng sen, thả cá” của chị Ngô Thị Nhâm (thôn Văn Hòa, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy) đã vươn lên làm chủ kinh tế, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.
Theo chia sẻ của chị Nhâm, trước khi lấy chồng, gia đình chị đã có nghề trồng sen bán hoa, bán củ, gương sen… Sản phẩm từ sen rất được ưu chuộng, thị trường lại ổn định.
Năm 2014, trong một lần ra thăm đồng, chị nhìn những khu ruộng trồng lúa mênh mông trước đây của bà con cỏ mọc um tùm, không người canh tác, thấy lãng phí, chị về bàn với chồng thuê lại ruộng bỏ hoang để mang giống sen về trồng.
Năm đầu tiên chị chỉ thuê một mẫu ruộng, tiến hành cải tạo và trồng sen. Chị nhận thấy sản phẩm từ sen bán rất chạy, không bỏ phí đi đâu tí nào. Lá sen tươi thì dùng để gói thực phẩm, lá phơi khô thì hãm nước uống thay trà. Củ và hạt sen được sử dụng chế biến các món ăn.
Chính vì vậy, trồng sen, thu hoạch đến đâu chị có thể tiêu thụ hết đến đó. Sau vài năm thử nghiệm, đến năm 2018, đã tích lũy được một số vốn nhất định, chị Nhâm tiếp tục thuê thêm diện tích là 10 mẫu để canh tác.
Đặc biệt, năm 2019, huyện Kiến Thụy triển khai có chương trình tích tụ ruộng đất, được nhất trí của Đảng uỷ - UBND xã Hữu Bằng, Ban chấp hành Hội phụ nữ xã Hữu Bằng đã làm công tác tuyên truyền, vận động nhân dân cho thuê lại ruộng của hội viên không canh tác. Chị Nhâm được Hội phụ nữ hướng dẫn tiếp cận với các nguồn vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ phụ nữ phát triển của thành phố.
Hội phụ nữ phối hợp với Phòng nông nghiệp huyện mở lớp tập huấn khoa học kỹ thuật hướng dẫn thêm về cách chăm bón. Đến nay tổng diện tích canh tác của gia đình chị Ngô Thị Nhâm là 5,3 ha, chủ yếu trồng sen và thả cá. Hiệu quả kinh tế từ mô hình của chị ngày càng tăng. Lợi nhuận thu được 1 vụ sen sau khi đã trừ chi phí, gia đình chị thu về đạt từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng.
Trong quá trình sản xuất kinh doanh, gia đình chị Ngô Thị Nhâm đã ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, học tập và tham quan nhiều mô hình trồng có hiệu quả để có sản phẩm đạt hiệu quả cao.
Việc thực hiện vệ sinh an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất nông sản sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ sức khỏe con người là yếu tố hàng đầu mà gia đình chị quan tâm. Gia đình chị đã tạo việc làm ổn định cho 3 lao động thường xuyên và từ 5-7 lao động thời vụ với mức lương 5-7 triệu đồng/tháng/người.
Với tinh thần tương thân tương ái, uống nước nhớ nguồn, hàng năm chị cùng với các hội viên trong Chi hội của Hội phụ nữ xã luôn tích cực tham gia các cuộc vận động tại địa phương, ủng hộ các loại quỹ, giúp đỡ những phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Đồng thời, bằng những kinh nghiệm và kiến thức mà chị đã tích lũy được trong quá trình sản xuất đảm bảo chất lượng, chị đã trao đổi và hướng dẫn cho nhiều hộ gia đình, động viên họ làm theo, cùng nhau phát triển kinh tế làm giàu cho quê hương, góp phần cho việc thực hiện đề án tích tụ ruộng đất của địa phương.
Đến nay toàn xã số ruộng bỏ hoang trên địa bàn đã giảm. Thay vào đó là những cánh đồng bạt ngàn hoa sen, tỏa hương thơm ngát và giúp bà con nâng cao thu nhập.
Mô hình chuyển đổi cây trồng của gia đình chị Ngô Thị Nhâm đã được công nhận là mô hình kiểu mẫu về phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương.
Chủ tịch Hội LHPN thành phố Vũ Thị Kim Liên chia sẻ: Quỹ Hỗ trợ phụ nữ thành phố Hải Phòng đi vào hoạt động từ tháng 5/2017 và là nguồn Quỹ đầu tiên dành riêng cho phụ nữ, do Hội LHPN thành phố quản lý.
Với số vốn điều lệ 30.793.639.000đ, đến nay, sau hơn 4 năm hoạt động, vận hành Quỹ đã hỗ trợ 4.828 lượt hộ gia đình thuộc 65 xã phường của 15 quận/huyện được tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cải thiện đời sống cho phụ nữ với lũy kế giải ngân tính đến 30/7/2021 đạt 91.520.000.000 đồng.
Số tiền vay còn khiêm tốn nhưng đã tạo tiền đề, động lực, tiếp sức để hội viên phụ nữ vượt qua khó khăn, phát triển những mô hình kinh tế phù hợp, hiệu quả.
VŨ DUYÊN