09:26 29/08/2017 Các khoản thu từ đất là một trong những nguồn quan trọng để tăng ngân sách thành phố. Trong đó, đáng kể là thu từ đấu giá quyền sử dụng đất các dự án và đất xen kẹt. Nếu đảm bảo tiến độ đấu giá theo đúng kế hoạch thì thành phố có thể thu được hàng nghìn tỷ đồng từ hoạt động này.
Diện tích đất đấu giá chưa… vượt hai con số?
Tuy nhiên, đến nay đã quá nửa năm 2017 trôi qua, song số thu đấu giá đất lại khá khiêm tốn, thậm chí có quận, huyện còn chưa tiến hành đấu giá phiên nào hoặc nếu có lại rất thấp?! Vậy, nguyên nhân do đâu và giải pháp nào để đẩy mạnh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian tới?
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên-Môi trường, tính đến nay, các quận, huyện trên địa bàn thành phố đã tiến hành đấu giá thành công 8,15ha đất với tổng số tiền trúng giá là gần 457 tỷ đồng. Hiện, các đơn vị trúng giá đã nộp về ngân sách hơn 361 tỷ đồng, số tiền còn phải thu là hơn 95 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, năm 2017 trên cơ sở Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố, Sở TNMT đã trình UBND TP phê duyệt kế hoạch sử dụng đất của 15/15 quận, huyện.
Trong đó, trừ huyện Cát Hải và Bạch Long Vỹ thì 13/15 quận, huyện còn lại đều có các điểm đấu giá với tổng diện tích là 198,21ha.
Cụ thể là huyện Thuỷ Nguyên hơn 71 ha; Vĩnh Bảo gần 39ha; Tiên Lãng hơn 22ha; An Dương gần 12,5ha; An Lão hơn 11ha; Kiến An 9,4ha; Hồng Bàng 8,5ha; Lê Chân 7,4ha; Hải An 6,6ha…
Thế nhưng, đã qua 7 tháng của năm 2017 thì điểm mặt chỉ có 2 địa phương được đánh giá là tích cực trong công tác đấu giá là Hồng Bàng, Kiến Thuỵ, trong đó Hồng Bàng đấu giá thành công 1,64ha/8,5ha, đạt 19%; Kiến Thuỵ đạt 26%.
Như vậy, những địa phương đạt được hai con số là rất ít, phần lớn đạt tỷ lệ dưới… 5%; một số quận, huyện có kết quả đấu giá đất chưa cao, số thu ít là quận Dương Kinh, Đồ Sơn, huyện An Lão.
Riêng quận Đồ Sơn, diện tích đấu giá là 0,09ha nhưng lại là điểm được phê duyệt từ năm trước, không nằm trong kế hoạch của năm 2017. Hai địa phương chưa đấu giá đất là quận Lê Chân và Ngô Quyền?!
Bắt đúng mạch để…điều trị
Là địa phương dẫn đầu thành phố và vượt thu từ đấu giá quyền sử dụng đất nhưng lãnh đạo quận Hồng Bàng cũng có không ít tâm tư.
Ông Tô Đình Đại-Chủ tịch UBND quận cho biết: Đấu giá không khó mà khó ở việc thực hiện các… thủ tục hành chính.
Mặc dù đã được phân cấp nhưng vẫn còn nhiều thủ tục quận phải xin ý kiến thẩm định của các ngành khiến thời gian hoàn thiện hồ sơ kéo dài. Từ thực tế của địa phương thì có hồ sơ phải mất đến 6 tháng mới tiến hành đấu giá?!
Hay như khâu xây dựng giá khởi điểm, hiện quận phải thuê một đơn vị tư vấn với chi phí hàng trăm triệu đồng mà chưa chắc đã làm giá sát với thị trường như cán bộ chuyên môn của quận?!
Ông Đại cũng khá khảng khái: Thành phố đã phân cấp, nếu địa phương làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm, bị xử lý!
Ông Lê Anh Quân-Chủ tịch huyện An Dương cũng không giấu diếm: Riêng khâu quy hoạch chi tiết, huyện cũng phải mất 2 lần xin ý kiến, khâu duyệt giá có hồ sơ mất 4 tháng và có dự án phải mất đến… 8 tháng mới tiến hành đấu giá?!
Như vậy có thể thấy, khâu thủ tục hành chính đang khiến các địa phương bức xúc và được xem là nguyên nhân chính “kéo rào ngược” đối với tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực đất đai, có được địa điểm đẹp thì phải chớp thời cơ khi có nhà đầu tư, do vậy việc thực hiện các thủ tục cần phải đúng nhưng cũng phải nhanh, kẻo sẽ bỏ lỡ cơ hội, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản của thành phố cũng còn chưa thực sự sôi động như hiện nay.
Thêm nữa, một thực tế là các thủ tục cũng chỉ loanh quanh các sở, ngành của thành phố như Tài nguyên-Môi trường, Xây dựng, Tài chính, nếu đấu giá thành công, một phần để lại cho địa phương, còn lại nộp ngân sách thành phố. Vậy lẽ nào, các ngành… buộc chính chân mình?!
Bên cạnh nguyên nhân về sự chậm trễ trong thực hiện các thủ tục thì một nguyên nhân nữa cũng được các địa phương “kêu khóc” là kinh phí giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo quận Hải An, Hồng Bàng, huyện An Dương, Vĩnh Bảo đều kiến nghị được “vay” trước ngân sách thành phố để sớm có các khu đất sạch đưa vào đấu giá. Trong trường hợp ngân sách quá eo hẹp thì các địa phương xin được đấu giá đất thô để giảm chi phí.
Trước những kiến nghị của lãnh đạo các địa phương, trong cuộc họp gần đây, Phó Chủ tịch UBND TP Phạm Văn Hà đã khẳng định: Để đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách, trong những ngày tới, các ngành, địa phương tập trung cao cho công tác này.
Sau khi các ngành rà soát lại, thành phố sẽ xem xét cắt giảm hoặc rút ngắn thời gian thực hiện một số thủ tục của quy trình hoàn thiện hồ sơ đấu giá.
Đồng thời, đẩy mạnh việc phân cấp cho các quận, huyện, nhất là đối với khâu tính giá đất. Hạn chế tình trạng hồ sơ bị đẩy đi, đẩy lại từ cán bộ này sang cán bộ khác thì các sở, ngành cũng sẽ phân công trách nhiệm đối với lãnh đạo và cán bộ phụ trách cụ thể, từ đó đảm bảo công việc, thông tin từ địa phương tới các ngành được thông suốt.
Tháo gỡ khâu khó khăn về kinh phí, thành phố đồng ý chủ trương cho đấu giá đất thô. Song chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm giám sát đơn vị trúng giá thực hiện nghiêm về quy hoạch, thiết kế đầu tư, xây dựng… không để xảy ra kiểu làm “đầu voi, đuôi chuột”, sử dụng đất không đúng mục đích, không hiệu quả.
Kim Oanh
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão