Thủ tướng chỉ đạo chống dịch tại 5 thành phố lớn

14:38 29/03/2020

Sáng 29-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ và thị sát qua hệ thống trực tuyến với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng cho biết, hôm nay Thường trực Chính phủ làm việc với các đồng chí lãnh đạo 5 thành phố lớn bởi lẽ đây là các thành phố có dân cư đông, mật độ lớn, nhu cầu tiếp xúc tập thể rất cao.

Trong gần 3 tháng qua, cùng với cả nước, 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương đã làm nhiều việc triển khai phòng chống dịch COVID-19. Đặc biệt, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh sau 2 ngày thực hiện Chỉ thị số 15 của Thủ tướng đã làm khá kiên quyết, đạt kết quả bước đầu quan trọng; các thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đã chủ động triển khai nhiều bài học rất tốt.

Ví dụ Hải Phòng họp 2 ngày một lần, có Chỉ thị riêng của Ban Thường vụ Thành uỷ; Đà Nẵng xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm, nhất là người nước ngoài; Cần Thơ đã tổ chức cách ly, tiếp nhận máy bay, xử lý tốt số người cách ly ở khu vực này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp.

Thủ tướng cho rằng, thời gian này là những tuần quyết định, là những “giờ vàng” quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh. Với vị trí của các thành phố đông dân cư như vậy tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm rất lớn. Tập thể Chính phủ, Thường trực Chính phủ sẽ nghe các trung tâm này báo cáo cụ thể để kiểm tra tình hình dịch bệnh và quyết tâm chính trị của các đồng chí lãnh đạo các thành phố lớn trong việc ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh, nhất là các biện pháp mới, quyết liệt, cụ thể hơn.

Chẳng hạn, Hà Nội cần đề xuất với Trung ương về việc xử lý ổ dịch trên địa bàn mình. Chính phủ trong tình trạng “tiền khẩn cấp” sẽ lắng nghe các kiến nghị của các đồng chí để giải quyết sát với thực tiễn”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng khẳng định, những biện pháp góp ý cho Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia là rất quan trọng, đề nghị các giải pháp phòng, chống dịch cho các thành phố trực thuộc Trung ương phải sát hợp với thực tiễn ở địa phương, bởi các địa phương đóng vai trò chính trong triển khai chống dịch.

Thủ tướng đánh giá cao ngành Y tế, các địa phương đã tập trung điều trị cho người bệnh, nhất là các ca bệnh nặng, hiện chưa có người tử vong và yêu cầu xử lý việc thông tin thất thiệt về vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, tính đến 8h sáng nay, 29/3, thế giới có 662.402 ca nhiễm, gần 31.000 người tử vong. Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Tại Hoa Kỳ, từ ngày 23/3 đến nay, số trường hợp mắc gia tăng liên tục với hơn 10.000 trường hợp mắc mỗi ngày, trong đó riêng ngày 27/3 đã ghi nhận gần 19.000 trường hợp mắc mới, trở thành quốc gia trường hợp mắc cao nhất thế giới.

Tại châu Âu, trong một tuần gần đây, số mắc mới dao động từ 5.000÷7.000 ca mỗi ngày tại các quốc gia Italia, Đức và Tây Ban Nha. Tại châu Á, tiếp tục ghi nhận sự chững lại về số trường hợp mắc mới tại Trung Quốc và Hàn Quốc với lần lượt khoảng 30÷50 và khoảng 100 trường hợp mắc mới mỗi ngày trong một tuần gần đây.

Tại Việt Nam sáng nay đã ghi nhận thêm 5 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 của Việt Nam lên 179. Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đã xuất hiện lây lan trong cộng đồng và sẽ có diễn biến phức tạp trong thời gian tới đây do các trường hợp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện hoặc các trường hợp xâm nhập có mang virus nhưng không có triệu chứng lâm sàng.

Về số người mắc ở Việt Nam có 85 trường hợp là nữ (chiếm 50,3%), 70 trường hợp trong nhóm 20÷29 tuổi và chỉ 19 trường hợp trên 60 tuổi trở lên; 118 trường hợp hợp xâm nhập từ nước ngoài. Việt Nam cũng có một số ổ dịch như: Sơn Lôi, Trúc Bạch, chuyến bay VN0054, quán bar Budda, bệnh viện Bạch Mai.

Báo cáo thống kê của Ban Chỉ đạo cho thấy, có tới 60,1% không có triệu chứng khi phát hiện, điều này gây khó khăn cho việc phòng chống. Nếu tính hệ số lây nhiễm là 2,5 (1 người lây cho 2,5 người), ước tính số nhiễm COVID-19 ở cộng đồng sẽ khá cao.

Tính đến nay đã tổ chức cách ly an toàn cho 34.776 người tại các khu cách ly tập trung, 943 người tại cơ sở y tế, 39.519 người tại nhà, nơi lưu trú chưa kể các ổ dịch mới phát sinh.

Đối với ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã triển khai nhanh chóng nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh. Từ ngày 26/3 đến nay đã tiến hành lấy mẫu và xét nghiệm cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh đang điều trị tại bệnh viện, số mẫu đã lấy sàng lọc SARS-CoV-2 tính đến 8h ngày 27/3 là 5.419 mẫu. Cùng với đó là tổ chức cách ly toàn diện bệnh viện bệnh viện Bạch Mai, đưa ra các biện pháp cụ thể khoanh vùng, dập dịch…

PV

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông