Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW - Hải Phòng với khát vọng phát triển kinh tế biển: (Kỳ 2) Xác định khai thác tiềm năng, lợi thế

15:37 13/10/2022

Nhìn về tổng quan, Hải Phòng có hơn 125km chiều dài bờ biển, nằm trên diện tích thềm lục địa 100 nghìn km2, nơi có gần chục con sông lớn đổ ra từ đất liền, tạo một vùng gắn liền với biển. Diện tích mặt nước nội hải trên 4.000 km2, quỹ đất ngập nước ven biển của thành phố tới 24,58 nghìn hec-ta, chưa kể tới 24 nghìn hec-ta mặt nước của những cửa sông, luồng lạch, tùng, áng, vùng, vịnh quanh các đảo, mang lại lợi thế ưu đãi phát triển đa ngành.
Ngành dịch vụ cảng tiếp tục khẳng định là trụ cột phát triển kinh tế biển của Hải Phòng.

Hải Phòng có ngư trường Bạch Long Vỹ là 1 trong những ngư trường lớn nhất cả nước, riêng tôm cá có 189 loài trữ lượng có thể khai thác khoảng 160.000 tấn/năm, đáp ứng nhu cầu của đội tàu 12.000 chiếc đang hoạt động. Trên địa bàn thành phố có nhiều cơ quan nghiên cứu biển, có thể kể Viện hải sản, Viện nghiên cứu thủy sản 1, Viện tài nguyên môi trường biển, Trung tâm quốc gia giống thủy sản miền Bắc, trường cao đẳng thủy sản và các trường dạy nghề liên quan khác., tạo lợi thế rất lớn cho phát triển kinh tế thủy sản của Hải Phòng.

Về phát triển du lịch biển, cũng nhìn từ góc độ tự nhiên, lợi thế cạnh tranh của du lịch Hải Phòng với trọng tâm là du lịch biển đã rất rõ. Trong đó, Cát Bà nổi tiếng với việc sở hữu quần thể gồm 367 đảo với kho lưu trữ sinh học tự nhiên vô giá, được Unesco công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Chưa kể hệ sinh thái quần đảo đá vôi thuộc diện lớn nhất Châu Á, tạo thành chuỗi kế tiếp những rừng nhiệt đới nguyên sinh, rừng ngập mặn, vùng triều, hồ nước mặn, rạn san hô... Điều quan trọng là, qua hàng chục nghìn năm tiến hóa, Cát Bà vẫn cơ bản giữ được tính nguyên thủy, tạo sức hút lý tưởng đối với du khách thập phương. 

Cũng như Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn thu hút khách nhờ được thiên nhiên ban tặng một địa thế lý tưởng, với dãy núi 9 ngọn kéo thành một bán đảo dài hơn 20km trên miền thềm lục địa, được ví như con rồng hướng ra biển, tạo nên cảnh sơn thủy hữu tình. Chính vì vậy, sự hấp dẫn của Đồ Sơn mang sắc thái đặc trưng thuần túy của du lịch biển, với mọi sự thưởng ngoạn đều gắn với biển, nhưng cũng đủ để hình thành tổng thể của một khu du lịch phức hợp, bao gồm cả các công trình lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng.

          Những năm qua, bên cạnh sự khai thác nguồn đa dạng sinh học biển, vẻ đẹp tự nhiên từ biển, Hải Phòng cũng trở thành điểm đến đầu tư của những doanh nghiệp lớn nhất cả nước. Cụ thể đã hình thành nhiều khu du lịch biển mới, được tạo bởi các tập đoàn Vin Group, Sun Group, Geleximco…

          Trong đó, điểm nhấn mang dấu ấn nhân tạo phải kể đến việc VinGroup đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, biến vùng đảo rừng ngập mặn Vũ Yên trở thành khu vui chơi – nghỉ dưỡng. Tiếp đó, tập đoàn Sun Group đã khởi công dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái, vui chơi giải trí Cát Bà, được coi là dự án lớn nhất của tập đoàn này tại Việt Nam. Còn Tập đoàn Geleximco thực sự tạo ấn tượng mạnh mẽ với quần thể khu di lịch quốc tế Đồi Rồng ở Đồ Sơn

          Trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2025, Nghị quyết Đại hội 16 đã xác định “Phát triển lĩnh vực du lịch và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Theo đó, điểm nhấn là “Xây dựng, phát triển khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn, Vũ Yên trở thành trung tâm du lịch quốc tế, có cơ sở vật chất hiện đại, phát huy các giá trị di sản văn hóa lịch sử đặc biệt của Hải Phòng, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch của cả nước.

          Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại lớn, đồng thời với việc chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do”.

Với những tiềm năng và định hướng khai thác nêu trên, nếu như không bị đứt gãy bởi dịch bệnh Covid-19 trong 3 năm qua, thì du lịch Hải Phòng đã tiếp cận được mục tiêu đề ra. Bước sang năm 2022, dù diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, nhưng điều quan trọng là Hải Phòng đã chủ động chuyển sang trạng thái mới, kiểm soát tốt dịch bệnh, mở cửa phát triển tái sinh hoạt động du lịch.

Cũng tính trong 9 tháng năm 2022, số lượng khách du lịch đến Hải Phòng đạt con số trên 5,5 triệu lượt, vượt trên 23% kế hoạch năm (Kế hoạch năm: Thu hút 4,53 triệu lượt khách).

Những gì đang hiện hữu cũng đang chứng tỏ khát vọng của Hải Phòng trong định hướng là trọng điểm phát triển kinh tế biển. Đây là hướng đi có tính bứt phá, không chỉ khai thác đúng tiềm năng, lợi thế, mà còn đảm bảo tính chiến lược lấy phát triển kinh tế biển làm nền tảng vững chắc để phục vụ công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo của Tổ Quốc.

Tuy nhiên trước yêu cầu phát triển trên tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, cũng như đúc rút kinh nghiệm cả thành công và chưa thành công trong quá khứ, thành phố đang thể hiện quyết tâm cho mục tiêu bền vững hơn.

Chính vì vậy, Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, cũng như Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hải Phòng.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương lớn, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Chương trình hành động số 72-CTr/TW về thực hiện nghị quyết 36, với mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đưa Hải Phòng trở thành địa phương mạnh về biển, giàu từ biển, là trọng điểm phát triển kinh tế biển của cả nước.

 (Còn nữa)

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông