10:48 27/10/2021 Được tiến hành tổ chức từ ngày 25-1 đến 1-2-2021, giữa bối cảnh Việt Nam cũng như thế giới căng mình trong vòng xoáy dịch bệnh Covid-19, thành công vang dội của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã trở thành một dấu ấn đặc biệt. Trong đó, Nghị quyết Đại hội vừa có giá trị tổng luận sâu sắc những bài học dài hạn của giai đoạn đã qua, vừa là kim chỉ nam có tính định hướng bền vững cho giai đoạn kế tiếp, để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tự tin đi tiếp trên lộ trình phát triển mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội 13 của Đảng (ảnh tư liệu)
Kỳ 1- Mục tiêu phát triển và 5 quan điểm mấu chốt
Với phương châm: Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển, Đại hội không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng mà còn đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991; 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 - 2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.
Trải qua 13 kỳ Đại hội, có lẽ chưa có kỳ Đại hội nào của Đảng thực hiện một khối lượng công việc mà phạm vi nghiên cứu rộng lớn và dài về thời gian như vậy. Điều này đã khẳng định vai trò, vị thế của Đảng trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước, gắn liền với vai trò, vị thế dân tộc Việt Nam trong thời đại, với tính chủ động, quyết đoán chưa từng có trong lịch sử.
Những bài học kinh nghiệm, được đúc kết từ thực tiễn 35 năm đổi mới, trải qua biết bao thăng trầm cả thành công và chưa thành công, được lý giải làm rõ tại Đại hội, thực sự là gạch nối quan trọng, mang ý nghĩa nền tảng cho một giai đoạn mới, cũng được xác định rất dài hạn, không chỉ trong nhiệm kỳ mới mà cho tới tận năm 2045.
Giá trị cốt lõi của 35 năm đổi mới đã định hình cho nước ta một mô hình phát triển mang đậm bản lĩnh Việt Nam, có vận dụng, kế thừa nhưng tổng quy là chưa từng xuất hiện trong tiền lệ lịch sử. Điều đó có thể thấy rõ trong 5 quan điểm tại Báo cáo Chính trị của Đảng.
Thứ nhất, chúng ta kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin nhưng bằng quan điểm “vận dụng, phát triển sáng tạo” trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng ta kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nhưng đồng thời kiên định đường lối đổi mới và kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ hai, về tổng thể phát triển đất nước nhanh, bền vững, Đảng ta chủ trương: Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Thứ ba về động lực phát triển, Đảng ta chủ trương khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn và khát vọng dân tộc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài. Đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Thứ tư về nguồn lực phát triển, Đảng chủ trương; Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.
Thứ năm, cũng là những yếu tố có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Đó là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.
Trên cơ sở 5 quan điểm trên, Đảng ta xác định mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Các mục tiêu cụ thể được ấn định có tính giai đoạn, trở thành đích phấn đấu rất thiết thực và rõ nét. Đó là: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Hoàng Minh (còn nữa)
09:07 09/11/2024