Thực hiện nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố: Vai trò nền tảng của kinh tế tư nhân trong giai đoạn phát triển mới (Kỳ 2) - Rà soát để củng cố nguồn lực

08:36 09/01/2021

Nhìn rộng ra cả nước sau 35 năm đổi mới, đánh giá của Nghị quyết 10-NQ/TW nêu rõ: “kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Một góc khu nhà ở do Tập đoàn Hoàng Huy đầu tư tại Hải Phòng

Cụ thể, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 39 đến 40% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội. Tuy nhiên cũng tại Nghị quyết 10-NQ/TW, Trung ương đã phân tích: “Vẫn còn một số vấn đề về phát triển kinh tế tư nhân cần tiếp tục được cụ thể hoá, làm rõ hơn cả về lý luận và thực tiễn. Thể chế về phát triển doanh nghiệp, doanh nhân còn nhiều bất cập...”.

Thực tế từ Hải Phòng cho thấy, các dạng hình kinh tế ngoài nhà nước có mối quan hệ hữu cơ, mà trong đó kinh tế tư nhân có vai trò hạt nhân, là tiền đề hình thành lên các dạng hình kinh tế khác. Đơn cử, như chia sẻ của một cơ sở sản xuất giày da truyền thống trên đường Trần Nguyên Hãn (Lê Chân-Hải Phòng), thì hiện tại sản xuất giày tư nhân ở Hải Phòng hoạt động theo chuỗi.

Nghĩa là quy trình sản xuất phân bố cho mỗi hộ thực hiện một công đoạn khác nhau, cho đến khi sản phẩm hoàn thiện. Nhưng bản thân mỗi cơ sở lại có thể độc lập đăng ký thương hiệu riêng, chủ động tiêu thụ, điều này hết sức có lợi vì tiết kiệm nguồn lực đầu tư, có quy chuẩn về kỹ thuật, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, so với đầu tư khép kín sản xuất trong một hộ.

Nhìn về mặt sở hữu tư liệu sản xuất, bản chất đây là mô hình kinh tế HTX, nhưng lại hoạt động đa dạng hình trong mỗi thời điểm khác nhau, thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước khác nhau. Mô hình này rõ ràng phát huy hiệu quả tích cực, những năm gần đây đã đưa Hải Phòng trở thành trung tâm sản xuất giày từ da động vật lớn bậc nhất cả nước, đồng thời chiếm thị phần áp đảo, cơ bản loại bỏ sản phẩm của Trung Quốc ra khỏi các quầy hàng.

Tuy nhiên nếu không có cơ chế chính sách phù hợp, rất có thể sẽ gây hạn chế cho mô hình phát triển này. Đây là vấn đề lớn, bởi thực tế ngoài các doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư tầm cỡ như Vin Group, Sun Group, Him Lam… thuộc về ngoại lực, nội lực của Hải Phòng còn khá yếu. Những mô hình như tập đoàn Hoàng Huy hay một số tập đoàn lớn khác vốn dĩ được cổ phần hóa từ doanh nghiệp nhà nước cũng chưa nhiều.

Ở góc độ khác, đánh giá về những hạn chế của kinh tế tư nhân, các đánh giá cũng chỉ ra nhiều bất cập, đó là quy mô sản xuất nhỏ; trình độ công nghệ, quản lý, năng lực cạnh tranh cơ bản yếu… Về vấn đề này, một chủ doanh nghiệp xe đạp của Hải Phòng cho biết.

 Cách đây khoảng hơn hai chục năm, Hải Phòng từng nổi lên là địa phương đi trước cả nước về phục hồi nghề sản xuất xe đạp tư nhân, tỷ lệ nội địa hóa đạt tới 90%, trong nhiều năm đã đánh bật xe nhập ngoại ra khỏi thị trường. Phương pháp đầu tư theo chuỗi các hộ sản xuất cũng tương tự như ngành giầy kể trên, thiết kế ban đầu khá suôn sẻ, yếu tố kỹ thuật được chú trọng.

Tuy nhiên chỉ ổn định được thời gian ngắn, do lợi nhuận nên một số nhà sản xuất trong chuỗi bắt đầu bỏ qua khâu kỹ thuật, bớt xén hoặc thay thế bằng nguyên liệu phi tiêu chuẩn, dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm sút, mất thị trường và kết cấu chuỗi cũng vì thế mà tan vỡ. Đây quả là bài học đắt giá trong việc liên minh tự phát của các nhà sản xuất tư nhân, bởi tính chất làm ăn chụp giật, thiếu trách nhiệm.

Đối với các chính sách pháp luật, một phần vì năng lực tài chính giai đoạn khởi nghiệp yếu, trình độ quản lý hạn chế, nhận thức pháp luật chưa đầy đủ, trong khi mục tiêu và tham vọng lại lớn, nên một bộ phận không nhỏ các cơ sở kinh tế tư nhân vô tình vi phạm, nhất là các điều kiện về an toàn lao động, về môi trường, về chế độ lao động và việc làm…

Nhiều mô hình kinh tế tư nhân vẫn hoạt động theo mô hình manh mún, nhỏ lẻ.

Nhưng cũng không ít doanh nghiệp ngay từ lúc sinh ra đã hình thành ý thức vi phạm, phổ biến trên lĩnh vực mua bán hóa đơn, chứng từ giả; sản xuất, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng; lập dự án một đằng hoạt động một nẻo để chiếm dụng đất đai… mà thời gian qua Hải Phòng cũng như cả nước đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc lớn. Tồn tại trên có lẽ chính là nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch về thống kê số lượng doanh nghiệp ở Hải Phòng, giữa lũy kế đăng ký kinh doanh và đăng ký mã số thuế, phản ánh bất cập trong công tác hậu kiểm.

Mặt khác, báo cáo của cơ quan chức năng cho thấy, thời gian qua thành phố Hải Phòng đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản xác định hành vi và xử lý đối với nhiều dự án chậm tiến độ thực hiện dự án, sử dụng không đúng mục đích. Trong đó, đã ban hành quyết định thu hồi đất đối với nhièu dự án với diện tích hàng trăm héc- ta. Đây là hệ quả kéo dài thành quá trình của một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp tư nhân.

Ngược lại, về chính sách vĩ mô, Nghị quyết 10-NQ/TW cũng nêu rõ: “Quyền tự do kinh doanh và quyền tài sản, tiếp cận các cơ hội kinh doanh, nguồn lực xã hội chưa thực sự bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác…”. Nhìn vào Hải Phòng, việc hỗ trợ doanh nghiệp, hiện có khá nhiều chính sách khác nhau nhưng việc triển khai cũng bộc lộ hạn chế, chẳng hạn như việc tiếp cận nguồn vốn, việc bố trí mặt bằng sản xuất.

 Hơn nữa, do quy mô sản xuất nhỏ, nhiều doanh nghiệp không có nhu cầu hoặc không đủ khả năng thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp. Chính vì vậy, trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng, tỷ lệ được giải quyết về mặt bằng sản xuất chỉ đạt khoảng 25% nhu cầu.

          Trong khuôn lượng một bài viết, khó có thể phản ánh hết những bất cập liên quan đến thực trạng hoạt động của kinh tế tư nhân, cho thấy việc Trung ương ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW cũng như Nghị quyết Đại hội 16 Đảng bộ thành phố xác định vai trò động lực của kinh tế tư nhân là một chủ trương lớn, có tính thời điểm cao.

Nhưng để các Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, những động thái tiếp trong hoạch định vĩ mô cần phải dựa trên các căn cứ thực tiễn sâu sắc, mới có thể đạt được hiệu quả.

                                                                                          (còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông