23:50 19/12/2020 Đây là trụ cột kinh tế thứ hai định hướng chiến lược cho Hải Phòng trong giai đoạn 2020-2025, được thể chế hóa tại Nghị quyết Đại hội 16. Theo đó, mục tiêu phấn đấu là: Hải Phòng thành trung tâm cảng biển, dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế. Đến năm 2025, sản lượng hàng hoá thông qua các cảng trên địa bàn đạt 300 triệu tấn; tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30% - 35%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP của thành phố từ 20% - 25%.
Dịch vụ cảng – Logistics là mối tương quan hữu cơ không thể tách rời
Cũng như đối với phát triển công nghiệp, quyết đoán chiến lược này dựa trên những cơ sở khoa học xác đáng, gắn với tiềm năng, tiềm lực, lợi thế mang tính truyền thống đã làm nên tên tuổi thành phố Cảng. Sở hữu chiều dài bờ biển trên 125km, có 6 cửa sông lớn với mật độ bình quân 0,7km/km2 đổ ra biển, cấu trúc địa lý đã kiến tạo Hải Phòng thành đầu mối giao thông thủy huyết mạch.
Ngược dòng lịch sử, chính vì vị trí có tầm chiến lược này, mà ngay từ năm 1857 Cảng Hải Phòng đã được hình thành, là cửa ngõ giao thương hàng hải lớn nhất khu vực phía Bắc, bản chất đã hình thành một phân ngành kinh tế dịch vụ rất lớn.
Những năm gần đây, Hải Phòng bứt tốc ngoạn mục trên lộ trình phát triển kinh tế đa dạng hình và hội nhập quốc tế. Nhưng hầu hết các phân ngành kinh tế đều xoay quanh trụ cột là kinh tế biển, trong đó hệ thống dịch vụ cảng là cốt lõi, là trung tâm kết nối của những dạng hình còn lại. Đến nay, trên địa bàn thành phố có hệ thống hơn 40 cảng biển, với 69 cầu cảng có tổng chiều dài gần 12km, có đủ các dạng hình xếp dỡ như container, hàng dời, hàng lỏng…
Ngoài ra cảng biển Hải Phòng còn được bố trí 3 khu neo chuyển tải là Bạch Đằng, Lan Hạ và Hạ Long cùng với 5 bến phao chuyển tải có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải lớn. Đặc biệt, năng lực xếp dỡ của hệ thống cảng biển Hải Phòng có sự đột phá ấn tượng, với tăng trưởng bình quân 15%/năm, hiện đã ở mức trên 100 triệu tấn/năm.
Điểm nhấn quan trọng có lẽ chính là việc quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Hải Phòng. Từ hướng phát triển này, năng lực xếp dỡ của hệ thống cảng biển Hải Phòng đã có sự gia tăng cao trong những năm tới, kỳ vọng lớn là hướng phát triển cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, nơi được xác định là trung tâm hệ thống cảng biển Hải Phòng trong tương lai.
Đây là cảng tổng hợp hiện đại, có khả năng tiếp nhận tàu hàng 10 vạn tấn giảm tải, tàu container đến 8.000 TEU giảm tải, tàu du lịch đến 6.000 khách và kết hợp vai trò trung chuyển quốc tế, năng lực thông qua khoảng 115 đến 125 triệu tấn hàng hóa/năm.
Và đương nhiên, theo khái niệm đơn giản, “cảng” là nơi đầu mối dịch vụ cho xếp dỡ hàng hóa vận tải, thì hệ thống cảng càng phát triển, càng thể hiện rõ nét sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.
Có lẽ nói về tiềm năng, vị thế của Hải Phòng trong dịch vụ logistics, trước hết phải nói đến điểm nhấn quan trọng nhất là thế mạnh về dịch vụ giao thông. Tính về quy mô ở thời điểm hiện tại, ít có địa phương nào của có được hạ tầng đồng bộ các hình thức giao thông như Hải Phòng: đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không… và đặc biệt là hàng hải.
Nhưng thực tế, các hoạt động trong chuỗi cung ứng logistics từ Hải Phòng đa số gắn với dịch vụ sau cảng. Cụ thể, từ việc bao tiêu nhận vận chuyển hàng xuất nhập, dịch vụ kho bãi, đến làm các thủ tục liên quan đến hàng hóa của đối tác… góp phần giảm rất nhiều chi phí cũng như thời gian cho các doanh nghiệp. Mặt khác, dạng hình dịch vụ khép kín cũng hết sức an toàn, suôn sẻ hơn nhờ tính chuyên nghiệp hóa.
Hiện tại, giữ vai trò kết nối chính hình thành dịch vụ logistic sau cảng tại Hải Phòng vẫn thuộc về vận tải đường bộ. Đây là điều kiện quan trọng để phân ngành kinh tế vận tải trong chuỗi logistics của Hải Phòng phát triển, đang chiếm ưu thế vượt trội so với cả khu vực phía Bắc về dạng hình vận tải hàng hóa từ cảng.
Theo số liệu thống kê, Hải Phòng có khoảng trên 1.000 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa đường bộ bằng xe container, với hàng chục nghìn đầu xe các loại, lưu lượng xe qua các tuyến ra vào cảng bình quân 30.000 lượt/ngày đêm. Chưa tính để phục vụ cho yêu cầu vận tải sau cảng, thành phố còn có hệ thống dịch vụ với 41 bãi container diện tích khoảng 200ha, đáp ứng cơ bản nhu cầu hàng hóa qua cảng, đồng thời góp phần không nhỏ vào doanh thu dịch vụ trên địa bàn.
Quá trình mở rộng đầu tư hệ thống cảng biển nêu trên cũng như việc đầu tư hạ tầng giao thông đa dạng hình thời gian qua đã tạo điều kiện đặc biệt cho việc triển khai chuỗi dịch vụ logistics, đưa Hải Phòng thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đây là lời giải cho bài toán phức hợp, có chức năng kết nối hoàn hảo hơn dịch vụ vận tải với các loại dịch vụ khác như: kho bãi, lắp ráp sản phẩm, hỗ trợ tài chính, thủ tục chính sách…
Không dừng ở đó, việc thể chế hóa chính sách trong quy hoạch logistics của Hải Phòng, sẽ mở đường để các nhóm dịch vụ phân ngành trong chuỗi cung ứng, có điều kiện tiếp cận, kết nối với các chuỗi cung ứng khác ngoài Việt Nam.
Nhằm chủ động chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển mới, trước Đại hội 16, UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: chính sách về thu hút vốn đầu tư, chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics; phát triển cơ cấu hạ tầng kết nối với các Trung tâm logistics, danh mục dự án ưu tiên đầu tư; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics; chính sách phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, quỹ đất phát triển logistics.
Đây là điểm nhấn quan trọng, nhằm khai thác hiệu quả mối tương quan hữu cơ giữa dịch vụ cảng biển và logistics, thể chế thành khái niệm định hình trong Nghị quyết Đại hội 16.
Từ căn cứ quan trọng này, giai đoạn phát triển mới sẽ hợp nhất hóa hai dạng hình dịch vụ thành một lộ trình đồng bộ, trở thành cốt lõi của phát triển kinh tế tổng thể.
Hoàng Minh (Còn nữa)