Thực tiễn Hải Phòng và Cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 1): Trong xu hướng vận động

10:15 20/04/2019

Vừa qua tại Hải Phòng, Hội thảo khoa học quốc tế: “Quản lý Nhà nước bằng pháp luật thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) …” đã được tôt chức. Hội thảo diễn ra giữa bối cảnh tại Hải Phòng cũng như cả nước, những câu chuyện về CMCN 4.0 được nhắc đến khá nhiều, với dự báo về những tác động, kể cả cơ hội và thách thức.

Cách mạng CN4.0 mang đến nhiều cơ hội và thách thức

Kể từ khi xuất hiện lần đầu tại Đức năm 2011, khái niệm “cách mạng công nghiệp 4.0” đã trở thành phổ biến khắp thế giới, thời gian gần đây, những vấn đề liên quan đến “cuộc cách mạng” này được quan tâm nhiều ở Việt Nam. Trước sự kiện nêu trên, tại Hải Phòng vào tháng 12-2017, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cũng đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố đã tổ chức Hội thảo khoa học với chuyên đề: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Cơ hội và thách thức đối với phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hải Phòng”.

Vậy CMCN 4.0 là gì? Theo các nhà khoa học, thì lịch sử loài người từng diễn ra 3 cuộc “cách mạng công nghiệp”: Lần thứ nhất diễn ra năm 1784, khởi nguồn từ nước Anh gắn liền với sự kiện James Walt phát minh ra động cơ hơi nước, đây là kỷ nguyên sản xuất cơ khí; Lần thứ hai từ năm 1871 với đặc trưng là trên cơ sở điện cơ khí bước sang giai đoạn tự động hóa và khởi nguồn từ Mỹ; Lần thứ ba từ năm 1969 với sự ra đời của công nghệ thông tin, được xúc tác bởi chất bán dẫn, siêu máy tính, Inernet… và cũng bắt đầu từ Mỹ.

Như vậy, CMCN 4.0 là thời đại của công nghệ số, phát triển trên 3 trụ cột chính gồm kỹ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý, với đặc trưng là điều khiển hệ và robot, các hệ thống liên kết thế giới thực và thế giới ảo. Trong đó sự đột phá dựa trên nền tảng công nghệ số tích hợp trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, với điểm đòn bẩy là các công nghệ mới được kết nối vạn vật qua môi trường Internet. Thuật ngữ CMCN 4.0 (Industrie 4.0) xuất hiện trong một dự án của Chính phủ Đức năm 2011, chính thức được nhận diện khái niệm và nội hàm tại Diễn đàn kinh tế thế giới tháng 1-2016. Chỉ thời gian ngắn sau đó, những vấn đề căn bản của CMCN 4.0 đã được lan tỏa mạnh mẽ tại Việt Nam, thu sự quan tâm không chỉ các nhà nghiên cứu, mà cả các nhà quản lý, doanh nghiệp... Điều này cho thấy, Việt Nam đang có sự hội nhập nhanh chóng và từng bước thích ứng với diễn biến thời đại, đây là cơ hội đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai.

Có thể nói, phát triển công nghệ mới là xu hướng tất yếu, thể hiện khát vọng của con người. Trong thực tiễn cuộc sống, lấy ví dụ trong ngành cơ khí, để sản xuất một chiếc đinh vít, giữa việc dành thời gian cả ngày dùng tay rèn, giũa vài sản phẩm với việc dùng thiết bị cho ra hàng nghìn sản phẩm trong một giờ, nếu đủ điều kiện sẽ chẳng ai lựa chọn cách thứ nhất. Bởi lẽ công nghệ tiên tiến không chỉ rút ngắn thời gian, đáp ứng các yêu cầu về số lượng, tiêu chuẩn đồng nhất về chất lượng, mà còn tiết kiệm rất nhiều chi phí, bản chất này đã xuyên suốt các cuộc cách mạng công nghiệp từ trước đến nay. Đối với CMCN 4.0 cũng vậy, lợi thế của nó sẽ tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực, từ sản xuất kinh doanh đến quản lý, từ kinh tế đến văn hóa xã hội, và cả những lĩnh vực về môi trường, quốc phòng, an ninh, truyền thông…

Cầu Tân Vũ – Lạch Huyện mở hướng kết nối hoàn hảo cho Hải Phòng trong hội nhập quốc tế

Bên cạnh đó, lợi thế của CMCN 4.0 cũng như các cuộc cách mạng trước đó, sẽ đem lại thách thức lớn, nói đúng hơn là dẫn đến sự triệt thoái của những nguyên tắc truyền thống. Trong một bài nghiên cứu, PGS.TS Thượng tướng Nguyễn Văn Thành -Thứ trưởng Bộ Công an đã đề cập tới 11 tác động. Về thách thức, ông cho rằng công nghiệp 4.0 tạo ra một cuộc cách mạng thực sự đối với con người trên lĩnh vực lao động. Theo đó, dự báo trong hai thập niên tới, có khoảng 56% số lao động kỹ năng thấp, một số công việc hành chính, văn phòng tại 5 quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) có nguy cơ mất việc làm. Bằng chứng là thời gian gần đây, với sự thay thế của robot, 90% công nhân của một nhà máy đặt tại tỉnh Bình Dương đã phải nghỉ việc. Nhìn ra nước ngoài, tập đoàn Foxconn của Đài Loan vốn rất nổi tiếng khi dùng sức người để gia công phụ kiện cho các thương hiệu lớn như Apple, Sony, Nokia… vừa qua cũng phải cắt giảm khoảng 6 vạn công nhân khi đưa robot vào sản xuất. Rõ ràng đây là một thách thức rất lớn, khi mà Hải Phòng cũng như cả nước, đang có nhiều mô hình kiểu như Foxconn hoạt động.

Cũng liên quan đến Hải Phòng, GS.TS Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện hàn lâm KHXH Việt Nam đã đưa ra một số liệu: 14/20 thành phố tăng trưởng kinh tế nhanh nhất và 36/50 thành phố có năng lực cạnh tranh cao nhất trên thế giới thuộc về các thành phố cảng. Thực tế cho thấy, với vai trò là cửa ngõ giao thương hàng hải lớn nhất miền Bắc, tăng trưởng bình quân trong hơn 10 năm qua của Hải Phòng luôn cao gấp gần hai lần mức bình quân chung cả nước, Hải Phòng  đang nổi lên là một địa phương phát triển năng động không chỉ trong khuôn khổ Việt Nam. Đặc biệt trong thời gian qua, Hải Phòng đạt kỷ lục về thu hút vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, với nhiều dự án công nghệ cao của các tập đoàn xuyên quốc gia hiện diện. Cũng có nghĩa thành phố sẽ có điều kiện tiếp nhận nhanh và tương đối đầy đủ mọi ảnh hưởng của CMCN 4.0.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Thuấn, các thành phố cảng bao gồm cả Hải Phòng đang đón nhận cơ hội chưa từng có cho tiến trình hội nhập. Với sự ra đời của cuộc CM 4.0, sẽ tăng cường tính kết nối và tích hợp bên trong các cảng, các đô thị, giữa cảng và đô thị, đồng thời tạo ra những thay đổi đột phá về cơ sở hạ tầng, giải quyết triệt đề những hạn chế của công nghiệp, dịch vụ cùng nhiều vấn đề xã hội khác, hướng đến một thành phố cảng thông minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Lê Minh Thắng (còn nữa)

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông