Thực tiễn Hải Phòng và Cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 3): Chuẩn bị tốt hướng tiếp cận?

10:12 22/04/2019

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thắng (Trung tâm phân tích và dự báo Viện hàn lâm KHXH Việt Nam), cuộc CMCN 4.0 đang hiển hiện ngày càng rõ nét. Nếu như các cuộc cách mạng trước đây diễn ra với tốc độ theo cấp số cộng, thì tốc độ phát triển của CMCN 4.0 hiện đang diễn biến theo cấp số nhân. Nghĩa là thời gian từ ý tưởng đến phòng thí nghiệm và thương mại hóa được rút ngắn, điều này đã hiển hiện khá rõ tư mô hình Tổ hợp sản xuất công nghiệp mang tên Vinfast tại Hải Phòng thời gian gần đây.

Tổ hợp Vinfast trở thành biểu tượng của Hải Phòng trong CMCN4.0

Điều quan trọng hiện nay là chúng ta cần phải nhìn nhận đúng vị trí trong cuộc cách mạng này. Cũng giống như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, vai trò của Hải Phòng cũng như Việt Nam không phải là tiên phong, mà từ vị thế bị ảnh hưởng dẫn đến thụ hưởng và hòa nhập. Trước hết về thụ hưởng tích cực, chúng ta được sở hữu và sử dụng các sản phẩm ưu việt từ kết quả các cuộc cách mạng công nghệ.

Chẳng hạn trong cuộc CMCN 3.0, Internet và các thiết bị di động đã góp phần làm thay đổi toàn diện xã hội, nhưng chính điều này đã dẫn đến sự thụ hưởng tiêu cực, đó là sự lệ thuộc vì không làm chủ được công nghệ, và hiển nhiên trở thành thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các nước phát triển. Mặt khác, để có được những sản phẩm đó, Việt Nam phải đánh đổi bằng nhiều nguồn tài nguyên, vật chất, trí tuệ và sức lao động.

Nhưng khác với trước đây,  khi Việt Nam được hưởng lợi thế về nhân công giá rẻ, từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thời đại của CMCN 4.0 sẽ khó giữ được lợi thế này. Thứ nhất bản chất của CMCN 4.0 là hướng đến những công nghệ tiêu hao ít nguyên liệu, đột phá về năng lực sản xuất, thì nguồn tài nguyên từ Việt Nam đương nhiên cũng giảm giá trị.

Thứ hai, CMCN 4.0 coi trọng công nghệ mới, khi các “nhà máy thông minh” xuất hiện, dòng đầu tư sẽ chuyển ngược trở lại các nước phát triển, thay cho hướng về các nước nhân công giá rẻ như hiện nay. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến Hải Phòng, khi các ngành gia công còn chiếm đa số sản phẩm xuất khẩu, đồng nghĩa với việc một lượng lớn lao động phải thất nghiệp, và nguồn thu từ đầu tư nước ngoài cũng khó mà tồn tại.

Vậy còn hòa nhập? Nghĩa là Việt Nam đồng hành cùng cuộc CMCN 4.0, cùng tham gia nghiên cứu, sáng tạo và phát triển? Trên thực tế, điều này có khá nhiều thách thức bởi như đã phân tích, năng lực nội tại về công nghệ của Việt Nam rất yếu. Giả như làm một phép trừ, loại bỏ hết những yếu tố ngoại nhập, thì cũng khó xác định hiện năng lực và  trình độ của Việt Nam đang ở vị trí nào trong các cuộc CMCN nói chung.

Nếu CMCN 4.0 thực sự bùng nổ, vẫn biết Việt Nam cần phải chủ động tiếp cận, nhưng tiếp cận theo hướng nào rõ ràng là một câu hỏi rất đáng quan tâm. Hơn nữa, CMCN 4.0 không chỉ đơn thuần làm thay đổi phương thức sản xuất, mà còn ảnh hưởng đến tổng thể mọi lĩnh vực khác trong xã hội, như 11 tác động căn bản mà PGS.TS Nguyễn Văn Thành đã chỉ ra.

Không gian mạng sẽ thống trị các ngành sản xuất trong tương lai?

Kinh nghiệm từ các cuộc CMCN trước đây cho thấy, đối với các nước ít lợi thế hơn về công nghệ, con đường ngắn nhất để phát triển là thu hút đầu tư và nhập khẩu công nghệ, điều này đã dẫn đến sự thành công của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan… và gần đây là Việt Nam.

Hoặc một ví dụ khác cũng không kém điển hình, đó là đầu tư mạnh mẽ cho dịch vụ, mà Singapore đã nổi lên thành “rồng châu Á” nhờ hướng đi này. Mặc dù vậy, như đã đề cập, đòi hỏi quốc gia thực hiện phải có giải pháp và nguồn lực thực, để đổi lấy những giá trị tương ứng.

Trở lại với hoàn cảnh của Hải Phòng, dù thế nào thì điều kiện tiên quyết là thành phố cần có một cuộc tổng rà soát để xác định rõ vị trí của mình, từ đó đưa ra các kịch bản đối với từng dạng tác động, bao gồm cả thụ hưởng và hòa nhập.

Về vấn đề này, nhiều học giả đều chung quan điểm, đó là Hải Phòng cần chuẩn bị cho mục tiêu phát triển bền vững, tiếp cận đầy đủ tác động của CMCN 4.0. Trên thực tế, nội dung này liên quan trực tiếp đến mục tiêu phấn đấu mà Nghị quyết 45-NQ/TW đã định hướng: Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững; kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại kết nối thuận lợi với trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không; trọng điểm dịch vụ logistics; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển…”.

Điều quan trọng là Hải Phòng cần xây dựng bộ tiêu chuẩn của thành phố, trong đó, tập trung giữ vững sự cân bằng giữa môi trường và kinh tế xã hội, lấy bảo vệ môi trường là nền tảng, tương xứng với đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời thỏa mãn cộng đồng địa phương và hài hòa các lợi ích quốc gia cũng như khu vực.

Biện pháp thực hiện là cần tầm nhìn chiến lược và hành động ngay để thích ứng, chuyển đổi phương thức quản lý, tập trung giải quyết dứt điểm những hạn chế nội tại, hướng tới xã hội hóa, nâng chất lượng mọi mặt theo cơ chế vận động hội nhập quốc tế.

Vấn đề đặt ra là, hiện ở Việt Nam CMCN 4.0 vẫn lớn ở dạng khái niệm, chưa được định hình chính xác và tính toán tác động đến từng lĩnh vực, từng địa phương một cách cụ thể. Vì vậy việc rà soát, khoa học các tác động của CMCN 4.0 cần được phân nhiệm, từ đó đề xuất chiến lược tiếp cận.

Song hành với giải pháp này, cũng rất cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, để cả cộng đồng chung sức vì mục tiêu phát triển bền vững trong tương lai.

 Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích