18:37 22/10/2020 Có thể khẳng định, trong gần 20 năm trở lại đây, kể từ khi Hải Phòng triển khai thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”, không gian phát triển thương mại, dịch vụ nội địa Hải Phòng có độ mở khá lớn, với tăng trưởng GRDP bình quân 11,53%/năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 19,96%/năm.
Mô hình thương mại, dịch vụ hiện đại góp phần thay đổi diện mạo thành phố
Đặc biệt trong giai đoạn 2015-2020, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố, Hải Phòng chủ trương “Hoạt động thương mại mở phải đặt trong bối cảnh vừa cạnh tranh vừa hợp tác với các thị trường cả trong và ngoài nước… Phát triển thương mại phải gắn kết chặt chẽ với các ngành và hệ thống dịch vụ phức hợp khác, tuy nhiên không thể không kể đến các yếu tố bền vững như hạ tầng cơ sở, môi trường và cân bằng sinh thái”.
Trên cơ sở đó, Hải Phòng đã có nhiều cơ chế thoáng đạt nhằm thu hút nguồn lực đầu tư cho thương mại, dịch vụ nội địa. Điển hình là các mô hình trung tâm thương mại theo hướng hiện đại từ các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước như BigC (Pháp), Metro (Đức) nay được chuyển thành MM Mega Market (Thái Lan), Co-opMart (Liên minh HTX TP Hồ Chí Minh), VinMart (VinGroup)… mới đây là Aeon Mall (Nhật Bản), cùng với hệ thống các siêu thị chuyên doanh điện máy như đã nói ở kỳ trước.
Nhưng nhìn vào toàn cảnh, thương mại, dịch vụ nội địa Hải Phòng hiện hữu đa dạng hình lưu thông, tập trung vào các phân khúc như trung tâm thương mại bách hóa, trung tâm thương mại chuyên doanh, chợ truyền thống và nhiều nhất là hè – đường.
Cụ thể tính đến thời điểm này, toàn thành phố có khoảng gần 60 nghìn cơ sở thương mại hoạt động, nhưng số lượng các trung tâm thương mại bao gồm cả chợ truyền thống vẫn giữ tỷ lệ khá khiêm tốn. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn thành phố có tổng số 154 chợ các hạng từ 1 đến 3, cùng 34 mô hình trung tâm thương mại theo hướng hiện đại, chiếm thị phần chưa tới 10% so với tổng lượng.
Thực tế cho thấy, các hệ thống siêu thị chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu dùng của cả thành phố, nhưng nó đang hình thành một hướng đi mới, mà khu vực thương mại truyền thống nếu không thay đổi sẽ rất khó tồn tại.
Bởi trong khi khu vực thương mại hiện đại được đầu tư lớn, áp dụng phương pháp quản lý tiên tiến, điều chỉnh cung ứng linh hoạt, coi trọng văn hóa kinh doanh… thì thì thương mại truyền thống vẫn còn mang nặng tính ngẫu hứng, bảo thủ, chộp giật, gian lận công khai… và khó nhất là nguồn đầu tư bị xé nhỏ với mức vốn èo ọt, thể hiện điển hình ở các chợ, đường, vỉa hè.
Cần cải thiện mạnh mẽ với mô hình thương mại, dịch vụ hè đường
Một góc độ khác thuộc về cơ chế, nó đang “bóp chết thương mại truyền thống từ khi còn trong trứng”. Thử nhìn vào hệ thống các chợ Sắt, Tam Bạc, An Dương… là những khu được đầu tư rất lớn, cơ sở hạ tầng không thể nói là thua kém so với các siêu thị.
Nhưng việc tận thu mặt bằng, không gian, chi phí cục bộ, đã biến bộ mặt thương mại ở đây thành nhếch nhác, khó quản lý về hàng hóa cũng như lưu thông, không đảm bảo các yêu cầu về môi trường và an toàn. Trách nhiệm của tư duy kinh doanh này, rõ ràng là lỗi quy hoạch và quản lý, nên hậu quả là đầu tư lớn, nhưng hầu hết các chợ trên địa bàn thành phố đang thể hiện một sự lãng phí không nhỏ.
Trong khi đó, ngoài những mô hình siêu thị hoạt động theo chuỗi bán lẻ quy mô toàn quốc hoặc toàn cầu, thành phố cũng ngày càng xuất hiện nhiều mô hình MiniMart, từng bước ứng dụng khoa học công nghệ và quản lý, kinh doanh.
Sự cạnh tranh đã rõ, điều khiến cho thương mại truyền thống tồn tại được hiện nay, có lẽ là do thương mại hiện đại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về lượng. Nhưng rồi đây, nếu mô hình thương mại hiện đại phát triển mạnh hơn, việc kết cấu lại thị trường là khó tránh khỏi, vì nó là xu hướng tất yếu, cũng đồng nghĩa với việc hàng vạn hộ kinh doanh cá thể sẽ hướng tới… thất nghiệp. Nhưng điều đáng lưu tâm, là nguy cơ này chưa được dự báo trong quy hoạch thương mại của thành phố.
Cần phải nhắc lại, trong những năm gần đây, Hải Phòng trở thành hiện tượng của cả nước trên lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị và hạ tầng kinh tế, hạ tầng du lịch… tất cả đều liên quan trực tiếp đến kết cấu thương mại nội địa.
Chẳng hạn với việc sở hữu 5 dạng hình giao thông, đưa vào khai thác sử dụng hàng chục cây cầu vượt sông nối liền các địa phương, lưu thông hàng hóa thuận tiện sẽ tạo ra sức ép rất lớn cho các mô hình thương mại cố định. Chính vì vậy, việc phát triển hạ tầng thương mại cũng cần phải gắn liền với tốc độ phát triển của các hạ tầng cơ sở khác, đồng thời chất lượng kinh doanh, dịch vụ cũng đòi hỏi phải phát triển xứng tầm với vị thế trung tâm vùng của Hải Phòng.
Điều này đòi hỏi cần có một cuộc khảo sát, đánh giá, dự báo tổng thể thực trạng mô hình thương mại, dịch vụ nội địa để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Nếu định hướng là trung tâm cấp vùng thì quy mô luân chuyển hàng hóa, dịch vụ ở tầm cỡ nào? Phấn bố quy hoạch các mô hình thương mại ra sao và bao nhiêu cho đủ? Chứ không nhất thiết phải duy trì phương án phát triển chợ truyền thống theo quy hoạch cũ như hiện nay.
Mặt khác, nếu không có giải pháp hữu hiệu để quản lý mô hình tự phát, nhất là khu vực hè-đường, thì trong bối cảnh không gian đô thị, hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ, bản đồ thương mại sẽ thêm phần hỗn độn.
Tại Đại hội XVI Đảng bộ thành phố vừa qua, nội dung nêu trên đã được chuyển hóa thành những định hướng chiến lược, nhằm phát triển Hải Phòng thực sự trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ của vùng và cả nước.
Đây cũng là chủ trương cần thiết trong xu hướng hội nhập thương mại quốc tế tác động trên diện rộng, Hải Phòng sẽ định hình rõ nét hơn cho mục tiêu phát triển các mô hình thương mại nói riêng và kinh tế thương mại nói chung.
Lê Minh Thắng (còn nữa)