15:06 23/10/2020 Nhìn lại tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ, thương mại những năm qua, cho thấy dù có nhiều cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp, tổng cầu tăng chậm. Trong khi năng lực cạnh tranh của những sản phẩm mang thương hiệu thuần túy Hải Phòng rất hạn chế, phần lớn sản phẩm tiêu dùng được lưu thông trên địa bàn thành phố là chuyển từ khu vực khác đến.
Trung tâm thương mại Aeon Mall Lê Chân chuẩn bị vào hoạt động.
Nhưng ngay cả kênh hàng hóa này dù chính thống cũng bộc lộ nhiều bất cập về nguồn gốc, về hình thức đa số có xuất xứ trong nước, nhưng thực tế cũng đa phần trong số đó là sản phẩm gia công từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu, với tỷ lệ nội địa hóa nhỏ.
Nhằm khắc phục tình trạng này, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố đã xác định rõ cho giai đoạn tới, đó là “… Phát triển 3 trụ cột kinh tế của thành phố: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại theo tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố đã được Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra”.
Theo đó giải pháp được đưa ra là “khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, thực sự trở thành một động lực quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, đặc biệt trong các ngành kinh tế chủ lực”.
Nghị quyết Đại hội XVI cũng chủ trương “Có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp để trở thành nhà cung cấp, doanh nghiệp phụ trợ, tham gia chuỗi giá trị, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu…”.
Như vậy có thể thấy, với tiềm năng, vị thế cũng như trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, phân ngành thương mại, dịch vụ nội địa của Hải Phòng không chỉ hướng vào các hoạt động tại chỗ, mà cần hòa nhập theo xu hướng vận động tất yếu. Để đạt được điều đó, bên cạnh tiềm lực nội tại, phải cần nhiều hơn nữa những yếu tố ngoại lực, nhằm phát triển mạnh hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Trong đó khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên quỹ đất để thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư tổ hợp thương mại quy mô lớn phải đi đôi với hiện đại hóa hệ thống chợ, trung tâm thương mại và hạ tầng truyền thống.
Đồng thời thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mở rộng, đa dạng hóa thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu; chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như. Đây cũng là những nội dung quan trọng được Đại hội XVI thảo luận và thống nhất thông qua.
Hiện đại hóa ngành thương mại, dịch vụ là xu hướng tất yếu
Mặt khác, những cảnh báo gần đây cũng cho thấy, trong điều kiện các Hiệp định thương mại tự do đang phát huy hiệu lực, hiệu quả, bên cạnh những yếu tố tích cực, hàng hóa sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ quá trình hội nhập. Trong những năm qua, thành phố cũng đã đẩy mạnh điều chỉnh cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.
Trong đó chuyển từ tăng trưởng chiều rộng hiện nay sang tăng trưởng theo chiều sâu trong giai đoạn 2015-2020, dựa trên những ngành tham gia mạng sản xuất toàn cầu, chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao. Nâng dần tỷ trọng đóng góp của yếu tố TFP trong tốc độ tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Tiếp tục phát triển kinh tế theo hướng kết nối với thị trường thế giới, đồng thời coi trọng thị trường trong nước; thay đổi cơ cấu sản phẩm xuất khẩu; mở rộng, đa dạng hóa thị trường…
Đó là lời giải mang tính vĩ mô, nhưng vấn đề đặt ra là, bản thân những người trong cuộc, cả doanh nghiệp và nhà quản lý cần nhiều hơn tư duy manh tính cách mạng. Để chuyển hóa từ định hướng vĩ mô nêu trên, thì ngay từ bây giờ thành phố cần có sự đánh giá toàn diện năng lực thực sự của nền kinh tế thương mại, rà soát hoạt động của từng khu vực dịch vụ và hệ thống các doanh nghiệp.
Từ đó đánh giá đúng chất lượng hạ tầng và năng lực cung ứng các dịch vụ về thương mại, vận chuyển, lưu trú, du lịch… Trên cơ sở khảo sát, dự báo và đưa ra các kịch bản giả định từ thực tiễn, mới có thể đem lại hiệu quả cho tái cơ cấu và đổi mới mô hình thương mại, dịch vụ.
Đáng mừng là trong suốt nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp, quyết tâm tập trung mọi nguồn lực, phấn đấu thực hiện ở mức cao nhất các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, liên quan đến thương mại, dịch vụ là tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Nhưng điều quan trọng hơn, thực hiện chiến lược tái cơ cấu kinh tế với mục tiêu dài hạn, thương mại thành phố sẽ có cơ hội phục hồi mạnh hơn và tăng trưởng ổn định. Kinh nghiệm cho thấy, nếu không có cuộc cách mạng thực sự, thì thương mại, dịch vụ thành phố rất dễ phải đối mặt với những khủng hoảng, không chỉ riêng về hàng hóa, công nghệ, mà còn cả nguồn lực tài chính, nguồn lực lao động… Vẫn biết là tham gia sân chơi mới sẽ gặp nhiều trở ngại, nhưng đã là kiến trúc thượng tầng, dù muốn hay không Hải Phòng cũng phải nhập cuộc.
Hy vọng rằng trong tương lai gần, khi các công trình dự án hạ tầng, phân ngành sản xuất ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được đưa vào hoạt động, sẽ là cơ sở vững chắc để đổi mới các mô hình thương mại, dịch vụ. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, thể hiện chủ trương đúng đắn trong việc tăng cường đa dạng hóa nguồn lực để thành phố phát triển bền vững.
Quan trọng hơn là để thương mại, dịch vụ Hải Phòng nói riêng và Việt Nam nói chung, hòa nhịp cùng thị trường thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiện hữu. Thiết nghĩ, đó chính là những động thái thiết thực, kết nối giữa lý luận và thực tiễn để Nghị quyết Đại hội XVI đi vào cuộc sống.
Lê Minh Thắng
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão