Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cháy nổ tại các chung cư cũ

14:44 10/11/2022

Phòng cháy chữa cháy tại các chung cư đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm bởi sự nguy hiểm, tính chất phức tạp và nguy cơ gây thiệt hại lớn về người và tài sản nếu sự cố cháy xảy ra và không được ứng cứu kịp thời.

Hiểm họa luôn rình rập

Vụ hỏa hoạn tại khu tập thể B9 Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, xảy ra ngày 21- 4 vừa qua đã để lại hậu quả vô cùng thương tâm, làm 5 người chết, 2 người bị thương. Trước đó, vào cuối năm 2021, một vụ cháy lớn diễn ra tại khu tập thể Thành Công có kết cấu 5 tầng với khoảng 80 hộ dân đang sinh sống. Vụ cháy tuy không gây thiệt hại về người, nhưng ước tính có hơn 10 căn hộ bị cháy lan, lực lượng chức năng đã kịp thời giải cứu thành công 4 người dân và hướng dẫn những người ở các tầng trên chạy thoát...

Không ít hộ dân tự ý cải tạo, lắp buồng lồi ra ngoài  gây khó khăn cho công tác PCCC&CNCH 

Lý giải nguyên nhân xảy ra các vụ cháy tại các khu tập thể cũ thời gian qua, lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH CATP cho biết, khi xây dựng, cải tạo các căn hộ trong khu tập thể cũ, nhiều gia đình có tâm lý sợ trộm cắp nên cố gắng làm các biện pháp bảo vệ chắc chắn như làm lồng sắt kiên cố, lắp nhiều lớp cửa xếp, cửa sắt... không có bất cứ lối thoát hiểm nào. Khi xảy cháy thì hầu như không có cơ hội thoát nạn vì nơi ở lúc này đã bị biến thành một chiếc lồng sắt và bê tông khổng lồ không lối thoát.

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà ở Hải Phòng có tới gần 70% số hộ dân sống tại các khu chung cư cũ do đơn vị quản lý đã tự ý cơi nới làm buồng lồi, chuồng cọp, bịt kín ban công, cầu thang. Các khu chung cư này hầu hết được xây dựng trên 40 năm đa phần đã xuống cấp. Việc cơi nới không chỉ làm ảnh hưởng đến kết cấu công trình mà còn cản trở công tác cứu hộ cứu nạn khi hỏa hoạn xảy ra.

 Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra khu chung cư Vĩnh Niệm, quận Lê Chân

Ông Trương Văn Sơn, Giám đốc Xí nghiệp nhà ở, Công ty TNHH MTV Quản lý và Kinh doanh nhà ở Hải Phòng cho biết: Hiện tại công ty chúng tôi đang quản lý quỹ nhà chung cư cũ được xây dựng từ thập kỷ 1970, 1980. Các hộ dân trong quá trình sử dụng đã tự cải tạo phần lồng sắt ra ngoài để mở rộng diện tích cũng như để đảm bảo ANTT chiếm 60 – 70% quỹ nhà chung cư. Điều này vô hình chung đã đe dọa lớn đến công tác PCCC &CNCH vì khi phát sinh buồng lồi mà có hỏa hoạn, thiên tai xảy ra thì việc thoát hiểm rất khó khăn.

Tăng cường phòng ngừa cháy nổ

Xác định rõ tầm quan trọng về an toàn phòng chống cháy, nổ, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an thành phố và Công an các đơn vị, địa phương nơi tập trung nhiều nhà chung cư cũ đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà tập thể tự tháo dỡ lồng sắt, mở lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định PCCC đối với khu vực này.

Nhiều vật dụng để chắn lối thoát nạn

Mới đây, Đoàn kiểm tra an toàn PCCC liên ngành thành phố do Đại tá Phạm Viết Dũng – Phó Giám đốc CATP, Phó Trưởng đoàn thường trực đã tiến hành kiểm tra tại một số khu nhà tập thể trên phố Tôn Đản và Nguyễn Thái Học thuộc quận Hồng Bàng và khu nhà chung cư tái định cư Vĩnh Niệm thuộc quận Lê Chân.

Tại các khu nhà trên, Đoàn kiểm tra phát hiện nhiều thiếu sót, vi phạm quy định PCCC và CNCH như: không có hệ thống chống sét, bố trí hàng hoá gây cản trở đường thoát nạn, không lắp đặt đèn báo sự cố, đèn báo cháy không hoạt động, gara để xe không có cửa chống cháy, chưa tổ chức diễn tập phương án PCCC và CNCH, chưa thành lập Đội dân phòng hoặc lực lượng chữa cháy cơ sở. Nghiêm trọng hơn là nhiều hộ dân lắp đặt lưới, khung sắt, inox kiên cố tại ban công gây khó khăn cho công tác chữa cháy và CNCH khi gặp sự cố.

Trước thực trạng trên, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty TNHH MTV kinh doanh nhà sớm khắc phục những tồn tại, chấp hành nghiêm các quy định về PCCC&CNCH tại các khu tập thể, chung cư; vận động hộ dân tháo dỡ lưới, khung sắt trên ban công. Trong trường hợp các hộ không chấp hành sẽ phối hợp với chính quyền địa phương cưỡng chế, tháo dỡ để bảo đảm an toàn cho chính người dân sinh sống trong khu nhà.

Ông Hoàng Minh Tiệp – Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân cho biết: Để giảm thiểu tối đa nguy cơ cháy, nổ và hậu quả để lại (trong trường hợp xảy ra cháy) tại các chung cư, nhà tập thể cũ, thời gian qua chính quyền địa phương kết hợp với lực lượng Công an cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ PCCC, nâng cao ý thức cho cư dân trong việc chấp hành các quy định về PCCC, qua đó nhằm nâng cao tính chủ động, ý thức trách nhiệm và khả năng phối hợp, ứng phó, xử lý khi có sự cố cháy nổ của lực lượng PCCC tại chỗ.

Bên cạnh việc tuyên truyền, lực lượng công an quận, phường còn thường xuyên tổ chức hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn thứ 2, trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; khắc phục ngay những sơ hở, thiếu sót về phòng cháy, chữa cháy, hướng dẫn dùng thiết bị điện, sử dụng gas an toàn.

Thực tế cho thấy, công tác PCCC ở các chung cư cũ, nhà tập thể còn nhiều tồn tại, bất cập. Để tránh những tai nạn, sự cố cháy nổ đáng tiếc xảy ra, cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng, đoàn thể các cấp ở cơ sở cần quan tâm, làm tốt hơn nữa vai trò, chức năng của mình để có giải pháp PCCC hiệu quả. Ngoài ra, một trong những biện pháp tối ưu chính là ý thức chủ động của người dân, phát huy tinh thần tự giác phòng ngừa cháy, nổ ở mỗi khu dân cư, tổ dân phố và mỗi hộ gia đình.

Thái Bình

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông