Tiềm năng phát triển thương mại Hải Phòng

22:24 22/11/2019

Xây dựng Hải Phòng trở thành trung tâm thương mại lớn của cả nước, là hạt nhân và tuyến trục để làm động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và cả vùng duyên hải Bắc Bộ, tạo hành lang thương mại với độ mở lớn, là mục tiêu quan trọng mà thành phố đã nỗ lực phấn đấu nhiều năm qua.

 

                                     Phát triển mô hình thương mại hiện đại là xu hướng tất yếu                                      

Lợi thế kinh tế biển

          Với nhiều lợi thế truyền thống trải qua suốt hơn 130 năm kể từ khi được thành lập năm 1888, cùng với việc sở hữu cửa ngõ lớn nhất ra biển của khu vực phía Bắc, thực tế Hải Phòng đã khá rõ nét với vai trò là một trung tâm công nghiệp-thương mại và dịch vụ tầm cỡ, được hình thành cả từ điều kiện tự nhiên lẫn vận động của thời gian. Trong đó thương mại, bao gồm cả những giao dịch nội địa lẫn xuất nhập khẩu, Hải Phòng luôn đứng trong tốp đầu của khu vực duyên hải Bắc bộ.

Chỉ tính trong 15 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW của Bộ Chính trị “xây dựng và phát triển Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước”, thành phố đã có những bươc tiến vượt bậc phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế, đô thị, tạo tiền đề phát triển thương mại.

Nhất là 5 năm trở lại đây, hạ tầng giao thông Hải Phòng có sự đột phá, bên cạnh việc khánh thành đưa vào sử dụng đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu đường Tân Vũ – Lạch Huyện… thành phố đã triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn. Hải Phòng dang đình hình rõ nét là đầu mối của một hệ thống thương mại, dịch vụ hiện đại bậc nhất, kết nối từ tuyến địa đầu Móng Cái tới tận các tỉnh phía Nam, đồng thời ngược lên hành lang kinh tế phía Bắc tới tận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Đó là kết quả vận dụng hợp lý các nguồn lực đầu tư của Trung ương và địa phương, với mục tiêu khai thác hiệu quả tiềm năng của 5 dạng hình giao thông đồng bộ. Trong đó có lẽ vai trò của cảng biển vẫn giữ vị thế quan trọng nhất, kết nối hầu hết các dạng hình còn lại. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 40 cảng lớn nhỏ, năng lực xếp dỡ tăng đều hai con số mỗi năm.

Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020, khi hệ thống cảng mới đang được đầu tư đi vào vận hành mà điểm nhấn là cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, lượng hàng qua cảng Hải Phòng dự kiến sẽ đạt tới 120 triệu tấn. Chưa kể năng lực lưu chứa hàng hóa với 139.000 m2 kho bãi ngoài trời và 6.700m2 kho kín kết nối với cảng, tính đến thời điểm hiện tại. Sự phát triển của cảng biển Hải Phòng sẽ tiếp tục được coi là trung tâm, đảm bảo hoạt động giao thương hiệu quả giữa dịch vụ vận tải biển với hệ thống giao thông còn lại.

          Tính trong 5 năm trở lại đây, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội bình quân của Hải Phòng hàng năm cao hơn 1,5 lần so với mức chung của cả nước. Trong đó tỷ trọng GDP thương mại, dịch vụ trong tổng GDP của thành phố khoảng 55%, khẳng định tính quan trọng của ngành kinh tế này. Điều quan trọng là, trong khi ở các địa phương khác, các mô hình kinh tế thương mại gặp nhiều trắc trở, thì nhiều mô hình kinh doanh dịch vụ theo hướng trung tâm thương mại vẫn được đầu tư và đi vào hoạt động tại Hải Phòng.

Nổi bật nhất trong thời gian qua là sự mở rộng của các siêu thị điện máy và hàng tiêu dùng như  MediaMart, HC, Nguyễn Kim, Pico... sắp tới khi dự án trung tâm thương mại Aeon Mall do nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đi vào hoạt động, vị thế thương mại Hải Phòng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Cần đầu tư xứng tầm

          Dù có nhiều lợi thế và đã khẳng định vị thế, tuy nhiên theo đánh giá thì thương mại Hải Phòng hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng nêu trên, dung lượng hàng hoá tăng nhanh nhưng năng lực cạnh tranh hạn chế.

Thương mại nội địa vẫn cơ bản là tị trường tiêu thu của hàng hóa đến từ nhiều nơi khác, trong khi kim ngạch xuất nhập khẩu dù tăng rất mạnh trong thời gian gần đây, nhưng vẫn thấp hơn một số địa phương khác.

Một trong những nguyên nhân được xác định, là do cơ sở hạ tầng nội ngoại thương xuống cấp, thiếu đội ngũ cán bộ thương mại giỏi, công tác quản lý điều hành về thị trường còn nhiều bất cập, sản phẩm xuất khẩu phần lớn là gia công cho các nhà đầu tư ngoài nước.

Mặt khác tốc độ phát triển các kênh lưu thông hiện đại chỉ đạt bình quân 10%/năm nhưng độ bền vững không cao, hiện thành phố có khoảng trên 150 chợ được xếp hạng từ 1 đến 3, các chợ tạm chợ cóc cũng như hệ thống phân phối đường phố thì khó thống kê nổi… phần lớn là hỗn tạp, hình thái kinh doanh lạc hậu, văn hoá kinh doanh thiếu chuẩn mực.

Các trung tâm thương mại có tổ chức ưu thế chủ yếu cũng nghiêng về đầu tư nước ngoài, đáng kể là BigC và MM Mega Market, còn lại là các mô hình siêu thị chuyên doanh phần lớn là mặt hàng điện tử. Số liệu khảo sát gần đây cho thấy, tổng mức bán lẻ tăng bình quân của thành phố tăng khoảng 14% nhưng chủ yếu tiêu thụ nội địa, đây là một hạn chế lớn.

Bởi như đã nói ở trên, hiện nay xuất khẩu của Hải Phòng là chiếm tỷ trọng cao là sản phẩm công nghiệp nhẹ, nhưng trong đó gia công rất lớn, cân đối giữa nhập và xuất khẩu thì giá trị thực sự thu được từ xuất khẩu của Hải Phòng còn thấp, dẫn đến giá trị gia tăng cũng thấp.

Ngay cả yếu tố thương mại trong du lịch, mỗi năm Hải Phòng thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, năm 2018 vừa qua đạt tới 7,8 triệu lượt, trong đó lượng khách quốc tế chiếm khoảng gần 1/3. Nhưng điều qan trọng không phải do số lượng du khách, mà hiệu quả chính từ doanh số tiêu dùng của du khách đến Hải Phòng.

Theo báo cáo của cơ quan chức năng, chi phí của du khách tại Hải Phòng khá thấp, một phần do lượng khách nước ngoài là người Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao. Như vậy thị trường bán lẻ rất khó tiếp cận với khách du lịch Trung Quốc khi mà trên thực tế hàng hoá phục vụ lại mang nhiều thương hiệu Trung Quốc.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, một cán bộ ngành công thương cho rằng, thương mại là một bộ phận cấu thành hệ thống dịch vụ hỗn hợp, Hải Phòng là cửa ngõ chính, muốn trở thành trung tâm thì phải làm rõ các kênh phân phối.

Về điều này, Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Hải Phòng đến năm 2020 cũng đã xác định: “Phát triển thương mại phải gắn kết chặt chẽ với các ngành và hệ thống dịch vụ phức hợp khác, tuy nhiên không thể không kể đến các yếu tố bền vững như hạ tầng cơ sở, môi trường và cân bằng sinh thái”.

Nhìn sang các địa phương bạn những năm gần đây, xu thế công nghiệp hoá cũng đang có những bước tiến mạnh mẽ, song hành với sự tăng trưởng vượt bậc của thương mại và dịch vụ. Bởi vậy thành phố đã xác định: “Hoạt động thương mại mở phải đặt trong bối cảnh vừa cạnh tranh vừa hợp tác với các thị trường cả trong và ngoài nước”.

Vấn đề đặt ra là phát triển phương thức sản xuất kinh doanh hiện đại, nhưng tất cả những điều đó sẽ khó thành công nếu không có sự đầu tư xứng tầm, trên cơ sở tận dụng được lợi thế căn bản mà thành phố hiện đang sở hữu.

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông