Tiêu thụ áo khoác mùa đông: nghiêng về hàng giá rẻ

09:39 30/11/2019

Thời gian gần đây, khi thời tiết se lạnh, thị trường quần áo mùa đông mới bắt đầu khởi động. Tuy nhiên, mức độ tiêu thụ không đồng đều, tại các quầy quần áo cũ hoặc giá rẻ vỉa hè thì tương đối nhộn nhịp, trong khi các sản phẩm mới trong các shop - sạp lại rất ít khách. Điều này phản ánh khá rõ nét nhu cầu của người tiêu dùng.

Hướng tiêu thụ nghiêng về hàng giá rẻ

          Ít mẫu mới, giá tăng và bán chậm…

          Đó là nhận xét của nhiều khách hàng khi đi đến các chợ Ga, Tam Bạc… dịp này. Bà Hoàng Thu D., một chủ cửa hàng quần áo ở chợ Ga cho biết, do thời tiết năm nay rét muộn nên các tiểu thương đem ít mẫu về, hơn nữa chủ quầy ai cũng sợ bán ế, vì vậy cũng không đặt nhiều hàng.

Trong khi đó tình hình kiểm soát vùng biên ngày càng chặt, hàng lậu và tiểu ngạch nhập được cũng khó khăn, giá so với năm trước tăng từ 20 đến 25%.

Chẳng hạn vẫn một chiếc áo nhái thương hiệu Gucci nhập từ Trung Quốc, bên ngoài là vải nhung, lớp trong trần lông giả, năm trước nhập có 470 nghìn đồng, năm nay thay chút ít kiểu túi nhưng giá đội lên 650 nghìn đồng/chiếc, chưa kể hàng cao cấp hơn.

Bà D. than rằng, bán hàng “câu dầm”, cả ngày mới được một chiếc thì ít nhất cũng phải lãi từ 100 nghìn đồng trở lên/chiếc, nhưng năm nay giá tăng thế nên rất khó mời khách. Hơn nữa, do thời tiết vẫn nắng nóng, chưa có đợt rét đậm nào nên nhu cầu khách hàng cũng chưa phát sinh.

          Tại một cửa hàng “Made in Việt Nam” trên dường Lê Lợi, tình cảnh cũng tương tự. Nhân viên bán hàng ở đây giới thiệu một loạt mẫu áo thương hiệu trong nước, giá đều từ 600 nghìn đồng đến trên 1 triệu đồng/chiếc, nhưng vấn đề là toàn mẫu cũ của mấy năm trước.

Theo quan sát, dù treo biển hàng “Việt 100%”, nhưng phía dãy sau của cửa hàng toàn quần áo không rõ về thương hiệu, nhìn qua cũng dễ đoán là hàng nhái của TQ. Nhân viên bán hàng bộc bạch: “Ở đâu bán chạy em không biết, nhưng mấy ngày nay em chưa bán được chiếc áo nào, ai vào cũng chê xấu và đắt…”.

Còn theo chị Lương Vân A. ở quận Hồng Bàng, tại các chợ cũng như các Shop quần áo trên phố đều rất nghèo về mẫu, một số mẫu ra vụ này cũng không bắt mắt. Vừa dành dụm được ít tiền, Chị A. muốn mua cho cả nhà mỗi người một chiếc áo khoác mới, nhưng được ý vợ thì hỏng ý chồng con.

Cuối cùng chị A. phải vào một cửa hàng đồ “sida” tại đường Mê Linh, tự chọn cho mình một chiếc áo còn tương đối mới với giá 430 nghìn đồng. Chị A. tâm sự: “Hàng này nếu vào shop có khi người ta chém tiền triệu, nhưng ông xã nhà em vẫn chê, anh ấy bảo cũng tiền ấy ra vỉa hè mua được mấy chiếc cực đẹp…”.

Gian quần áo mùa đông trong siêu thị cũng ảm đạm

          Dân nghèo đổ ra vỉa hè…

          Do việc tuần tra kiểm soát đô thị khá ngặt nghèo nên đa số “chợ” quần áo giày dép vỉa hè chuyển sang hoạt động buổi tối, chỉ có một số ít đường có hàng bán ban ngày.

Riêng đường Phạm Văn Đồng, trước khu vực cụm công nghiệp thuộc phường Hải Thành, số lượng các sạp hàng vỉa hè rất nhiều, tập trung thành dãy tới vài chục điểm. Cùng với đó, tại một số đường có vỉa hè rộng như Lê Hồng Phong, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…, có thêm dạng hình mới là các quầy di động bày trên xe tải nhẹ, treo biển niêm yết ghi rõ “áo khoác từ 100K đến 250K”.

Lân la hỏi chuyện những chủ hàng, được biết một phần áo khoác được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng giá bán ở mức cao hơn. Còn lại  là các loại áo khoác may trong nước, một số được quen gọi là “hàng chợ”, một số chắp từ các mảnh “đầu vải” mua lại ở các nhà máy may gia công nên chất liệu khá tốt.

Chỉ có điều mẫu mã phi tiêu chuẩn, việc phối màu, phối chất liệu không thống nhất, chi tiết đường may cũng chưa hoàn hảo. Tuy nhiên nhờ ưu thế về giá nên loại hàng này bán khá chạy ngay từ đầu vụ.

          Cũng là hàng vỉa hè, dọc đường Đình Đông kéo sang đường An Đà có nhiều sạp quần áo, nhưng chủ yếu là hàng Trung Quốc. Tại đây, phổ biến áo phao nữ được báo giá từ 120 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/chiếc, áo phao nam từ 250 nghìn đến 350 nghìn đồng/chiếc, nhưng điểm chung là chất vải nền lẫn lót trong đều mỏng.

Gặp chị Phạm Thị H. ở ngõ 98 Đình Đông, người vừa mua được chiếc áo khoác 160 nghìn đồng, chị chia sẻ: “Đã mua thì nên chọn loại đắt một chút, mấy loại rẻ tiền chỉ mặc được vài buổi là bung chỉ, còn loại này giữ gìn tốt cũng được vài vụ…”.

Chị H. cho rằng, các sạp vỉa hè thường nói rất sát giá, có mặc cả cũng chỉ bớt được một hai chục nghìn đồng tùy theo loại, chứ lên chợ giá nói thách có khi gấp đôi giá bán, còn tại các Shop thì giá niêm yết lại không thật, dù cửa hàng nào cũng đua nhau treo biển “xả hàng thanh lý” hay “giảm giá 50%”…

          Trên đường Mê Linh, nơi tập trung khá nhiều cửa hàng cả bán quần áo đã qua sử dụng lẫn hàng hiệu, cũng là phản ánh rõ tình trạng thị trường quần áo dịp này. Tại các cửa hàng quần áo cũ, không khí nhộn nhịp, còn các Shop thì ngược lại.

Bà Lê Minh T. chủ một của hàng quần áo cũ bật mí: “Gọi là hàng cũ nhưng có chiếc tiền triệu đấy…”. Theo bà T., khi “mở thùng” có khá nhiều quần áo còn mới, những kiểu đẹp được tuyển riêng để tân trang lại, bán cho các Shop cao cấp hoặc khách hàng “ruột”.

Bà T. cho biết thêm, khách nhiều tiền họ cần hàng hiệu và “độc” là chính, nên có chiếc áo khoác cũ bà bán ra hơn một triệu đồng, Shop họ nhập về bán được gấp đôi gấp ba. Cũng tương tự, có rất nhiều dân chơi sành điệu, đi ô tô đẹp nhưng chỉ đi “săn” đồ hiệu qua sử dụng…

          So với mọi năm, thời điểm này đã hết tháng 10 âm lịch nhưng chưa có đợt rét đậm rét hại nào, nên diễn biến thị trường đang thể hiện khá rõ nhu cầu của đa số người dân. Thể hiện phong phú nhất là ở các chợ “tự phát” nhưng tương đối sầm uất ở cổng các nhà máy, các khu cụm công nghiệp sử dụng đông lao động.

Thậm chí đã có dấu hiệu bão hòa cả về kiểu dáng và giá áo khoác nói riêng và trang phục mùa đông nói chung, dường như cái thời “hàng hiệu sành điệu” cũng đã bắt đầu lỗi mốt?

Lê Minh Thắng

Từ khóa:
Bình luận của bạn về bài viết...

captcha

Bản tin Pháp luật

Video clip

Phóng sự ảnh

An toàn giao thông

Liên kết hữu ích