15:29 01/08/2020 Ngày 22-1-2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (Chỉ thị 40), về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Tín dụng chính sách xã hội (TDCS). Đây là chủ tương có ý nghĩa hết sức to lớn, thể hiện tính nhân văn sâu sắc cũng như thể chế hóa đường lối của Đảng, Nhà nước trong thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, phát triển xã hội bền vững.
Hoạt động tín dụng chính sách được Ngân hàng CSXH Hải Phòng triển khai đến tận cơ sở
Tại Chỉ thị 40, Ban Bí thư khẳng định: “TDCS do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCS) thực hiện là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Như vậy có thể nói, TDCS là một phạm trù rất rộng, điều chỉnh tới nhiều đối tượng trong xã hội, tác động mạnh mẽ đến công cuộc xây dựng và phát triển xã hội nói riêng và đất nước nói chung. Chính bởi vậy, chủ trương của Chỉ thị 40 là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, làm nền tảng cơ sở cho hệ thống NHCS thực hiện triển khai.
Trong đó yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền cần xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCS là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên, gắn với các mục tiêu xây dựng và phát triển của từng địa phương, đơn vị.
Quan điểm lãnh đạo tại Chỉ thị 40 cũng hết sức cụ thể: đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc củng cố, nâng cao chất lượng TDCS; công tác điều tra, xác định đối tượng vay vốn; phối hợp giữa các hoạt động huấn luyện kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn của NHCS, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả.
Đồng thời, phát huy cao độ vai trò của hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng và Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nâng cao hiệu quả giám sát của toàn dân đối với công tác này.
Tập huấn về tín dụng chính sách xã hội tại huyện An Dương (Hải Phòng)
Theo Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Nghĩa, sau khi Chỉ thị 40 được ban hành, Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Thông tri số 19-TT/TU (Thông tri 19) ngày 8-5-2015 triển khai thực hiện. Công tác quán triệt, tuyên truyền tinh thần Chỉ thị 40 được triển khai tới toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố đã chủ động xây dựng, mở các đợt truyền thông lớn, trụ cột là qua các cơ quan báo chí như Báo Hải Phòng, Báo An ninh Hải Phòng, Đài PT&TH Hải Phòng, hệ thống Đài phát thanh cơ sở… với hàng nghìn lượt tin bài, có hình thức và nội dung thể hiện chất lượng, phong phú.
Tiếp đó, ngày 24-9-2015, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 3964/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Thông tri số 19, chỉ đạo UBND các quận huyện và các sở, ngành, tổ chức liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện.
Đáng chú ý, UBND TP còn chỉ đạo bám sát thực tiễn địa phương, nâng cao hiệu quả hoạt động TDCS gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2021.
Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân và UBND TP cũng đã ban hành nhiều văn bản có nội dung chỉ đạo liên quan đến hoạt động TDCS trên địa bàn thành phố.
Cũng theo đánh giá của Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Nghĩa, qua 5 năm triển khai và thực hiện Chỉ thị 40 và Thông tư 19, thành phố đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, của đội ngũ cán bộ, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các cấp trong thực hiện TDCS.
Chủ trương đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước tại Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống, hệ thống NHCS trên đia bàn thành phố đã nhận được sự chỉ đạo và những điều kiện thuận lợi, nhất là việc ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác.
Ở cấp cơ sở, việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã, tham gia là thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCS cấp huyện, đã giúp hoạt động TDCS bám sát thực tiễn. Từ đó các chính sách được triển khai hiệu quả qua mô hình các Ban quản lý, Tổ tiết kiệm và vay vốn của từng đoàn thể cơ sở, thôn, tổ dân cư, góp phần tăng tính hiệu quả trong quá trình thực hiện.
Các chủ trương, chính sách ưu đãi của các kênh tín dụng được người dân nắm bắt, thực hiện tốt, tinh thần dân chủ được phát huy qua các cuộc họp bình xét vay vốn, nhận vốn vay, sử dụng vốn vay, trả nợ gốc-lãi… Mặt khác thông qua Ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, Ban thành tra nhân dân, nên hoạt động TDCS đã đảm bảo đúng nguyên tắc, chế độ, vốn vay đến kịp thời và đúng đối tượng.
Tính từ năm 2015 đến nay, nguồn vốn của thành phố ủy thác sang NHCS để bổ sung nguồn vay trên địa bàn đã tăng thêm hơn 100 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn địa phương ủy thác cho vay TDCS đạt gần 165 tỷ đồng.
Kết quả này đã góp phần cải thiện mạnh mẽ đời sống xã hội, xóa nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ổn đinh an sinh xã hội của thành phố những năm qua.
Lê Minh Thắng (Còn nữa)
Phấn đấu ngày 15/9 hoàn thành cấp điện cho 100% huyện đảo Cát Hải
Công an Hải Phòng xuống đường bảo đảm TTATGT, giúp dân tránh trú an toàn ngay giữa tâm bão